Những lý do khiến nhiều chủ xe ô tô sốt ruột cuối năm

Cuối năm cũng là lúc các trung tâm đăng kiểm, gara sửa xe đông nghịt khách. Theo nhiều chủ xe có kinh nghiệm, nếu xe cộ đợi đến thời điểm sát Tết mới làm thủ tục đăng kiểm hoặc chăm sóc, chắc chắn gặp khó khăn, bởi lượng người đến đông, kèm theo đó chất lượng sửa chữa sẽ không chu đáo như các tháng khác trong năm.

Gần cuối giờ chiều nhưng khoảng sân rộng phía trước Trung tâm đăng kiểm 2903V có vị trí sát ĐH GTVT, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn chật kín xe. Nhiều lái xe cho biết, mình đến làm thủ tục đăng kiểm từ 14g nhưng sau gần hai giờ đồng hồ mới chỉ nhích xe vào được giữa sân, nghĩa là còn phải xếp hàng sau gần chục xe khác. Không phải vì nhân viên ở đây làm chậm hay kém chu đáo mà vì lượng xe quá đông.

Anh Hoàng Văn Mạnh, quận Cầu Giấy than, xe ô tô của mình hết hạn đăng kiểm cách đây hai tuần, đúng thời điểm phải làm thủ tục đăng kiểm mới anh lại bận đi công tác dài ngày. Rút kinh nghiệm lần tới, kể cả chưa hết hạn đăng kiểm có lẽ anh vẫn cho xe đến trung tâm đăng kiểm sớm hơn, chứ chờ thế này vừa sốt ruột lại vừa nơm nớp lo CSGT phạt khi đánh xe từ bãi gửi tới trung tâm vì đã quá hạn.

Cuối năm, tại nhiều gara sửa xe luôn đông kín xe do khách mang tới. Ảnh:G.B.

Cuối năm, tại nhiều gara sửa xe luôn đông kín xe do khách mang tới. Ảnh:G.B.

Ông Đỗ Tràng Hưng, GĐ Trung tâm đăng kiểm cho biết, như quy luật thông thường, nếu vào tháng 10 trở về trước lượng xe đến với Trung tâm không đến mức quá tải, khách đến lúc nào cũng được, gần như không phải đặt lịch. Nhưng ở thời điểm này, có lẽ vừa đúng hạn đăng kiểm, vừa muốn xe của mình hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để đi chơi Tết, đi lễ đầu năm cho an tâm nên các chủ xe tới nhiều hơn. Tình trạng đông xe này sẽ kéo dài đến sát ngày nghỉ Tết.

Tại nhiều gara sửa xe ô tô cũng vậy, lượng xe khách đưa tới cũng đông hơn, nhất là vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Từng sử dụng nhiều dòng xe, anh Trần Thanh Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, vào những ngày này nếu không có kinh nghiệm sửa xe, hoặc không có gara ruột từng chăm sóc xe của mình, khách hàng sẽ mất rất nhiều thời gian cho khâu đợi phụ tùng. Có khi thời gian sửa xe chỉ hết non nửa ngày nhưng thời gian chờ phụ tùng có khi phải mất từ một ngày cho đến một tuần mới có. Các chủ gara cũng không muốn khách phải chờ nhưng mẹo kinh doanh khiến họ nhận bừa xe rồi mở bung các chi tiết của xe với mục đích giữ khách, sau đó mới tính đến nguồn cung cấp vật tư. Gặp gara nào uy tín, chọn thợ giỏi, trả lương tương xứng thì không sao. Bằng không, gặp phải xưởng sửa xe, thợ được đối xử không tốt, đúng lúc đông người lại nhẩy việc đi nơi khác khiến chủ buộc phải tuyển thợ non tay về để “điền vào chỗ trống” thì tình trạng khách phải chờ xe sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa, chưa kể chất lượng nhiều khi không như ý muốn.

Anh Lê Viết Lợi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, trước khi chuyển sang kinh doanh vật tư điện nước từng có trên 10 năm làm quản lý cho nhiều gara sửa xe đã đúc kết ra kinh nghiệm. Nếu là các gara chuyên về sửa dòng xe của Nhật, Đức… thì nguồn phụ tùng bao giờ cũng sẵn. Nhưng với gara dòng xe nào cũng sửa, chuyện đợi phụ tùng là đương nhiên. Chủ xe luôn nhận được lời giải thích rằng phụ tùng trong kho vừa hết, đang đợi nhập về bằng đường biển, đường hàng không… Cách giải thích này khiến khách hàng yên tâm, bởi nguồn phụ tùng của cơ sở luôn có, trong khi đó lại rẻ hơn đồ chính hãng mà chất lượng lại tương đương. Trên thực tế, các gara nhập đồ về để kho rất ít, bởi nhập nhiều sẽ ngốn rất nhiều vốn nên họ thường liên kết với nhiều đơn vị cung cấp linh kiện, đương nhiên, đồ sửa xe đến sớm hay muộn lại phải phụ thuộc vào các nguồn này.

Chủ một gara nằm trên địa bàn quận Tây Hồ cho chúng tôi biết, do cơ sở của mình chuyên sửa dòng xe ô tô của Đức nên nguồn vật tư thay thế lúc nào cũng có. Vì thế khách không mất nhiều thời gian chờ đợi. Cuối năm, lượng xe đến sửa chữa, bảo dưỡng nhiều hơn nên gara từ trước đó đã cho nhân viên gọi điện tới các khách hàng thân thuộc liên hệ lịch sửa xe, nhờ đó cũng chủ động hơn trong khâu sắp xếp.

Chia sẻ câu chuyện mình sửa xe vào cuối năm ngoái, anh Phan Ánh Dương, quận Ba Đình, Hà Nội kể, sau ngày 23- ông Công ông Táo, anh mới có thời gian mang xe đi sơn lại phần ca- pô, ba- đờ- sốc trước và sau với mong muốn xe bóng loáng để đưa cả nhà đi chơi Tết. Đây cũng là thời điểm gara anh chỉ biết qua quảng cáo trên mạng đông khách. Sau bốn ngày chờ đợi, anh thật sự thất vọng vì màu sơn xe cũ và mới chênh lệch quá rõ. Tiếng là sơn mới xe nhưng chất lượng sơn không tốt, độ bóng không sâu, bị xe đạp quệt nhẹ vào cũng khiến phần bả ma- tít bong hẳn ra. Đem xe đến xưởng làm cho ra nhẽ thì chủ xưởng cũng chỉ giải thích qua loa, đổ lỗi cho khách đi đứng không cẩn thận. Còn chuyện làm lại sơn thì họ không dám nhận, bởi lượng xe tồn vẫn còn, trong khi đó hai thợ lành nghề tự ý bỏ việc về quê sớm.

Từ câu chuyện của mình, anh Dương đúc kết kinh nghiệm, thời điểm sát Tết chỉ nên chăm sóc, vệ sinh xe, còn những phần sửa chữa nếu không quá cấp bách cứ từ từ đợi qua Tết rồi mới làm. Gọi là qua Tết nhưng thời điểm thích hợp mang xe tới gara tốt nhất là sau ngày rằm tháng Giêng, vì lúc đó thợ từ nhiều vùng quê mới trở lại làm việc đông đủ với tinh thần tốt nhất. Còn chuyện đăng kiểm xe, nếu cần có thể đăng kiểm trước khi hết hạn cũng không sao, thà sớm vài ngày còn hơn phải chờ đợi trong trạng thái bị động về thời gian.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-ly-do-khien-nhieu-chu-xe-o-to-sot-ruot-cuoi-nam-175100.html