Những lý giải khoa học về luân xa
Sau khi đăng loạt bài 'Thoát bệnh nhờ phương pháp tập luyện độc đáo', nhiều bạn đọc khác muốn tìm hiểu rõ về luân xa (LX), cửa hút.
Cách nào để biết luân xa, cửa hút hoạt động bình thường và trong trường hợp nào thì bị mất luân xa? Thực tế có khai mở được LX không và khai mở sai có gây điên loạn? Chúng tôi đã có những trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này để cung cấp thông tin cho bạn đọc.
Sự vô hình của hệ thống LX
GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, nguyên Viện trưởng Viện Văcxin Việt Nam, tác giả bộ sách khoa học về thế giới tâm linh cho biết, dựa vào quy luật vũ trụ, các nhà hiền triết Đông Tây đã đề nghị nhiều mô hình con người rất khác nhau, nhưng đều thống nhất trên hai điểm. Thứ nhất, mô hình con người phải phản ánh mô hình vũ trụ: Trên các mô hình đều có chỉ dấu của 7 trung tâm năng lượng (luân xa) là nơi tiếp nhận năng lượng vũ trụ để biến thành năng lượng con người.
Thứ hai, các mô hình cơ thể con người gồm 3 phần chính là linh hôn, tâm hồn, thể xác. Tạo hóa ban cho linh hồn để ngộ về đấng tạo hóa, ban cho tâm hồn để ngộ về chính bản thân, ban cho thân thể với 5 giác quan để tiếp nhận và thích ứng với thế giới xung quanh.
Nhà y học L.Putsko (Matxcova) nghiên cứu các kiến thức y học phương Tây và phương Đông kết hợp với thế giới tín ngưỡng đã khẳng định, cơ thể người gồm 7 cấu phần, trong đó chỉ có thân thể vật lý là thể xác, còn lại 6 thân thể khác là vô hình (tế vi).
Các nhà hiền triết phương Đông và các nhà y học phương Tây đã nghiên cứu phần vô hình của cơ thể con người với mục tiêu làm sáng tỏ những lực nào, cấu trúc nào đứng đằng sau các khả năng đặc biệt của con người, đằng sau hiện tượng ngoại cảm, kinh cảm, bệnh tâm thần... và người ta đã biết, trong các thân thể tế vi có thân thể Aetheric là các khuôn năng lượng mà trên đó các mô của thân thể hình thành và bám chặt vào. Thân thể Aetheric đồng dạng với thân thể vật lý với đầy đủ các bộ phận giải phẫu.
Những thành phần khác của thân thể Aetheric là các cấu trúc tiếp nhận năng lượng vũ trụ để biến đổi thành năng lượng của con người – năng lượng của sinh học. Các cấu trúc ấy gồm 7 LX chính và 21 LX phụ, 3 kênh năng lượng chính chạy dọc cột sống và hai bên cột sống, 14 kênh lớn và 72.000 kênh dẫn nhỏ). Theo hệ thống các ống dẫn ấy, năng lượng truyền đến toàn cơ thể. Trên các kênh năng lượng lớn có các điểm có hoạt tính sinh học cao với các đặc điểm: tiêu thụ oxy tăng, điện dẫn tăng, nhạy cảm cao. Đó chính là những huyệt châm cứu mà y học cổ Trung Hoa, cổ Ấn Độ - Tây Tạng đã đoán biết cách đây khoảng 30 thế kỷ với số lượng khoảng 365 huyệt.
Ngày nay, các nhà châm cứu học đã biết đến hơn 5.000 huyệt châm cứu và đường đi của hệ kinh lạc. Tất cả những cấu trúc ấy nằm trong thân thể aetheric vô hình, khác với hệ thần kinh trong cơ thể vật lý có thể nhìn thấy được.
Những cánh hoa sen thu thiên khí và địa khí cho phần hồn
ThS Vũ Đức Huynh, tác giả cuốn sách Loài người với tri thức tâm linh cho biết, theo thuyết tự nhiên, một người sống có phần xác và phần hồn gắn kết với nhau, tức âm, dương hòa hợp. Trong cơ thể sống, phần hồn là chủ đạo, là gốc của sự sống ở cõi trần. Phần xác chỉ là phần vật chất để phần hồn (thần thức, vía và phách) dựa vào nhằm biểu lộ mọi ý tưởng và dục vọng với sự tiên tiến dần, hoàn thiện thêm ở cõi trần. Xác và hồn của một người sống luôn thu năng lượng tự do (thiên năng và địa năng) không ngừng ở cõi trần. Để thu được nguồn năng lượng này, ngay khi ra đời lập tức 13 “thông thiên đại huyệt” mở.
Theo Đông y, đây là các huyệt lớn ở các “nút thần kinh” trên hai đại mạch nhâm và đốc để áp dụng trong trị bệnh. Đó là: Thóp, bách hội, đại trùy, tâm du, thận du, mệnh môn, trường cường, hội âm, khúc cốt, quan nguyên, đan điền, đản trung, thiên đột. để áp “Các thông thiên đại huyệt này thường xuyên mở để tiếp thu thiên năng và địa năng (các dòng hạt năng lượng tự do) vào cơ thể trở thành các hạt điện sinh học nâng đỡ năng lượng của phần hồn trong cơ thể sống.
Theo ThS Vũ Đức Huynh, dòng năng lượng trong bao la là vô số, vô cùng lớn, trong khi năng lượng trong cơ thể luôn ở mức thấp và các cửa thu hút – cửa hút lại vô cùng bé (một phần nghìn microm nanomet). Do đó, dòng năng lượng “ùa vào” như một hút xoay tròn quay với các bóng loáng thoáng mà ngộ nhận như một “bánh xe quay” nên gọi là các Charka (các luân xa) và bóng lờ mờ loáng thoáng như các cánh hoa quay.
Các pháp sư còn tưởng tượng cái bóng xoay của luồng khí là các “LX hoa sen” có các số sách khác nhau với các tên cụ thể: LX hoa sen đại – hỷ trên đỉnh đầu có 32 cánh hoa sen; LX hoa sen thọ - hưởng tại yết hầu có 18 cánh; Nội – hảo tại đan điền có 64 cánh... Các cao tăng của đạo phật viết trong các kinh sách lại tán rộng chẳng những các LX mà còn nói đến các kinh mạch, các cơ quan, cơ thể con người.
Các “thông thiên đại huyệt” theo tri thức tâm linh là các lỗ (huyệt trên cơ thể thông với bên ngoài) với (không gian cõi trần) để thiên khí và địa khí lọt vào các kinh mạch của thân xác đến mọi cấu tố của phần hồn. Nhờ thế phần hồn không những có thể tiếp nhận sóng sinh học mang thông tin mà còn cung cấp năng lượng sinh học rất quan trọng và thiết thực cho phần hồn tồn tại và phát triển. Ngoài hấp thu thụ động, con người còn có thể chủ động thu nguồn năng lượng này nếu nhận thức được nó và có phương pháp tu tập hiệu quả.
Trung tâm lực
BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo cho hay, người ta đã biết tới LX qua hàng ngàn năm nay, nó luôn tồn tại trong cơ thể mọi người. LX trong yoga, tiếng Phạn là Chakra, là những đầu mối thu – phát năng lượng (khí), qua đó nguồn khí đại vũ trụ đổ dồn vào tiểu vụ trụ theo chiều xoáy hình phễu.
Thực tế, các LX này được các nhà khí công gọi là các trung tâm lực; tương đương với các đại huyệt trong Đông y. Việc tu luyện để hợp nhất hệ thống LX trong yoga, đồng nghĩa với tu luyện khí công để dòng chân khí xuyên qua các trung tâm lực để hợp nguyên thấu (gọi là luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư. Để cho nhân thiên hợp nhất để năng lượng trong ta hợp nhất với năng lượng tuyệt đối).
Trong nhà thiền thì dòng hỏa xà xông nên các hệ thống LX, còn gọi là hiện tượng thông lửa (lửa tam muội). Dù tu luyện theo trường phái nào, cùng với mục đích khai mở tiềm năng trong ta để hợp nhất với năng lượng tuyệt đối. Giữa tiểu chu thiên và đại chu thiên, giữa tiểu ngã và đại ngã. Mỗi một LX đều phụ trách và điều hành từng khu vực và chức năng của thân và tâm thông qua trung tâm điều khiển.
Tuy mỗi LX có chức năng riêng, nhưng luôn ảnh hưởng, tác động qua lại và hợp nhất với nhau thông qua sự điều khiển từ trung tâm của não bộ. Cho nên khi một LX hoạt động kém thì cũng ảnh hưởng đến hệ thống. Vầng hào quang phát ra từ mỗi LX hay của cả hệ thống luân xa; thực chất đây là thể ánh sáng do năng lượng sinh học phát ra từ các trung tâm lực, tạo thành vầng hào quang nhiều màu sắc bao quanh thân; nhưng sáng nhất là quanh đỉnh đầu thuộc LX 6 và LX 7.