Những mái ấm '3 cứng' cho người nghèo
Những mái ấm '3 cứng' được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ là nơi che chở mà còn là niềm hy vọng, là động lực để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Những năm qua, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là một trong những chính sách an sinh quan trọng được cấp ủy, chính quyền huyện Phú Bình quan tâm thực hiện. Qua đó đã giúp nhiều gia đình khó khăn có cơ hội sở hữu ngôi nhà vững chắc, đảm bảo “3 cứng”.
Những căn nhà kiên cố được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là động lực để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Trong căn nhà mới được khánh thành cuối tháng 12-2024, bà Trần Thị Chiến, xóm Vũ Chấn, xã Thượng Đình, không giấu được niềm vui vì ước mơ có ngôi nhà kiên cố đã trở thành hiện thực. Trước đây, gia đình bà Chiến sống trong ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp với diện tích khoảng 15m2, trên tường có nhiều vết nứt, mái đã xuống cấp, chẳng còn đủ sức che mưa, che nắng.
Một ngôi nhà vững chãi là niềm mong mỏi của gia đình bà Chiến nhiều năm nay. Tuy nhiên, do bà tuổi đã cao, sức khỏe yếu, người con trai không có nghề nghiệp ổn định nên gia đình không có đủ kinh phí xây dựng lại ngôi nhà.
Niềm hạnh phúc đã đến với gia đình bà Chiến khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện xét duyệt hỗ trợ để xây dựng ngôi nhà mới. Với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng, ngôi nhà đã được hoàn thiện đạt chuẩn "3 cứng".
Ngoài nguồn hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ huyện (50 triệu đồng) và UBND xã (2 triệu đồng), gia đình bà đã vay mượn thêm từ người thân, đồng thời nhận được sự giúp đỡ về ngày công lao động của hàng xóm trong quá trình thi công. Giờ đây, gia đình bà Chiến đã có một mái ấm vững chắc để ổn định cuộc sống.

Cũng như bà Trần Thị Chiến, bà Nguyễn Thị Lan, ở xóm Đồng Vỹ, xã Bàn Đạt, cũng hân hoan vì căn nhà xuống cấp trước đây đã được sửa chữa đảm bảo “3 cứng”.
Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Lan vẫn là lao động chính trong gia đình. Hàng ngày, bà phải đi làm thuê để nuôi chồng bị tai biến và 2 cháu nhỏ. Qua rà soát, hộ bà Lan nằm trong diện được hỗ trợ để sửa chữa nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng của huyện và vốn đối ứng của gia đình, bà Lan đã lợp lại mái nhà và trát lại tường.
Bà Lan chia sẻ: Trước đây, ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa thì dột lắm nên tôi luôn mong ước có tiền để sửa chữa ngôi nhà. Chính vì thế, khi được hỗ trợ sửa nhà, tôi rất phấn khởi và biết ơn Đảng, chính quyền các cấp. Đến nay, tôi vẫn còn chưa hết bồi hồi vì mong mỏi của mình đã thành hiện thực.

Đây chỉ là hai trong số nhiều hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn huyện. Mỗi ngôi nhà được khánh thành và bàn giao thực sự là một mái ấm thắm đượm tình đoàn kết, giúp các gia đình từng bước an cư lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của địa phương.



Đằng sau mỗi viên gạch, mỗi mét vuông tường được xây mới, sửa chữa là câu chuyện đẹp về tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia, đồng lòng của cả cộng đồng. Để có được những mái ấm khang trang cho người nghèo, hàng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy, ủy ban MTTQ các cấp trong huyện đã phối hợp tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”, “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” để kêu gọi, vận động các nguồn lực chăm lo, giúp đỡ người nghèo, trong đó có giúp người nghèo an cư, ổn định cuộc sống.

Ngoài các đợt cao điểm, Huyện ủy, UBND, MTTQ huyện cũng vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn. Đơn cử trong năm 2024, nhằm chung tay thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Phú Bình, Hội Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ 60 triệu đồng; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng;


Bên cạnh hoạt động của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện cũng tranh thủ nguồn lực của cấp trên và chủ động huy động nguồn lực trong xã hội để xây dựng nhà ở cho hội viên, đoàn viên nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các mô hình như "Mái ấm công đoàn" của Liên đoàn Lao động, "Nhà tình nghĩa" của Hội Chữ thập đỏ, "Mái ấm tình thương" của Hội Liên hiệp Phụ nữ... đã trở thành cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.


Không chỉ có sự giúp đỡ về tài chính, những mái ấm của hộ nghèo còn có sự góp sức, góp công của đông đảo người dân địa phương. Người có kinh nghiệm xây dựng thì hướng dẫn và thực hiện các công đoạn đào móng, xây tường, lợp mái và những kỹ thuật quan trọng, đảm bảo ngôi nhà được chắc chắn, an toàn. Người nào không có kinh nghiệm xây dựng thì hỗ trợ vận chuyển vật liệu, dọn dẹp, di chuyển vật dụng trong nhà; sắp xếp đồ đạc... Những hành động thiết thực này không chỉ mang lại mái ấm kiên cố cho những gia đình khó khăn mà còn lan tỏa lòng nhân ái, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.

Với sự chung tay của toàn xã hội, ước mơ về một mái ấm “3 cứng” của nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã không còn xa vời. Những căn nhà vững chãi được xây dựng, sửa chữa giúp người dân vững tin trước thiên tai và khó khăn. Và cứ thế, hành trình mang đến những mái ấm hạnh phúc vẫn đang tiếp tục lan tỏa...

