Những mái ấm trẻ thơ cần sự đồng hành

Có những trung tâm bảo trợ xã hội đã trở thành mái ấm, tiếp thêm động lực cho các em trong cuộc sống. Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, các cơ sở cũng phải đối diện với không ít khó khăn.

 Các cô, các mẹ tận tâm chăm sóc các cháu như người thân trong gia đình

Các cô, các mẹ tận tâm chăm sóc các cháu như người thân trong gia đình

Khó khăn từ cơ sở

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em TP. Huế là 2 cơ sở công lập, đang nuôi dưỡng 20 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu là trẻ bị bỏ rơi, mồ côi hoặc không có người thân chăm sóc. Hàng ngày, Trung tâm vẫn duy trì đều đặn việc học tập và rèn luyện văn hóa, kỹ năng cho các em. Trong số 20 em, có 5 em nhỏ chưa đủ tuổi đi học, đang được chăm sóc tại đây, 13 em theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, 2 em đang theo học tại Trường Đại học Du lịch Huế. Đối với các em chậm phát triển trí tuệ, Trung tâm bố trí học nghề phù hợp.

Bà Đỗ Lê Phương Mai, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Các em không chỉ được học kiến thức, mà còn học cách sống tự lập, phát triển kỹ năng cá nhân, giúp các em trưởng thành hơn”. Trung tâm cũng duy trì các hoạt động ngoại khóa, như: tham quan di tích, tham gia hội trại và các buổi tuyên truyền pháp luật, để các em có cơ hội phát triển tốt nhất. Bà Mai cho biết thêm: “Về cơ bản thì điều kiện sống, ăn uống của các em được đảm bảo, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do định mức hỗ trợ còn hạn chế, chưa đủ để chăm lo đầy đủ như những trẻ em ngoài xã hội. Nhiều em có sức khỏe yếu, thiểu năng trí tuệ nên việc chăm sóc cần rất nhiều kiên nhẫn và nhân lực”.

Trong bối cảnh một số nguồn tài trợ ngoài ngân sách bị cắt giảm, việc duy trì chất lượng bữa ăn, điều kiện học tập cho các em gặp nhiều thách thức. “Hiện mức hỗ trợ bình quân khoảng 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng/em, trong khi vật giá ngày càng tăng. Điều này khiến Trung tâm phải vận động thêm nguồn lực xã hội, các nhà hảo tâm để có thể tạo điều kiện cho các em phát triển một cách toàn diện”, bà Mai cho biết.

Tương tự, Trung tâm Bảo trợ trẻ em (BTTE) Xuân Phú - một cơ sở ngoài công lập đang nuôi dưỡng 28 em từ 6 – 22 tuổi. Thành lập từ năm 2003, đến nay, Trung tâm BTTE Xuân Phú đã nuôi dưỡng hơn 100 em có hoàn cảnh đặc biệt. Trung tâm đặt mục tiêu không chỉ đảm bảo điều kiện sống, mà còn đầu tư vào việc học hành và kỹ năng sống cho các em. Bà Thái Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Định hướng lâu dài vẫn là lấy trẻ em làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện để các em phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, Trung tâm rất cần được bổ sung nhân sự, hệ thống cơ sở vật chất và đặc biệt là các mở lớp tập huấn về tâm lý, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, người làm công tác xã hội tại Trung tâm”.

Cần sự chung tay từ cộng đồng

Hiện, trên địa bàn thành phố Huế có 21 cơ sở trợ giúp xã hội đang hoạt động; trong đó, có 2 cơ sở công lập và 19 cơ sở ngoài công lập. Các cơ sở này đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 700 trẻ em mồ côi, khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế, các trung tâm vẫn đang gặp khó khăn khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hạn chế. Một số cơ sở phải tự vận động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp để duy trì hoạt động.

Mặc dù có những tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, nhưng việc thiếu hụt trang thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật là không thể xem nhẹ. Đặc biệt, tình trạng quá tải nhân lực ở một số cơ sở khi phải chăm sóc cả người tâm thần, người già và trẻ em, đã gây thêm áp lực lên đội ngũ nhân viên.

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chăm sóc trẻ. Sở Y tế thành phố Huế và các ngành chức năng đang lên kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đồng thời, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý tại các cơ sở. Bà Nguyệt cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào đào tạo đội ngũ nhân viên, đặc biệt là các nhân viên chăm sóc tâm lý, để nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng”.

Một giải pháp khác là kêu gọi các nguồn lực xã hội, từ các tổ chức quốc tế đến các doanh nghiệp và cá nhân, tham gia hỗ trợ tài chính và cung cấp trang thiết bị cho các trung tâm. Các chương trình hợp tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội, như các lớp học kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại và hòa nhập cộng đồng sẽ được duy trì và phát triển. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo trợ xã hội và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng sẽ là một giải pháp quan trọng.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/nhung-mai-am-tre-tho-can-su-dong-hanh-153028.html