Những màn đổi ngôi ở thị trường xe Việt
Phân khúc xe cỡ A, SUV cỡ A và sedan cỡ B xuất hiện xáo trộn ở vị trí dẫn đầu, trong khi nhóm xe MPV bình dân, SUV cỡ D hay MPV giá rẻ lại chứng kiến sự thống trị của những cái tên quen thuộc.
Trong tháng 7, Hyundai Grand i10 đã quay trở lại ngôi đầu phân khúc xe cỡ A khi sở hữu doanh số 400 xe, vượt trên lượng tiêu thụ 231 xe trong cùng kỳ của Toyota Wigo. Trước đó tại kỳ báo cáo tháng 6, Toyota Wigo là cái tên bán chạy nhất phân khúc khi tận dụng tốt giai đoạn chuyển giao phiên bản cũ-mới của Hyundai Grand i10.
Nhờ doanh số tăng xấp xỉ 127% so với kỳ báo cáo trước, Toyota Vios đã vượt mặt Hyundai Accent để trở thành sedan cỡ B bán chạy nhất tháng 7 tại Việt Nam. Với 1.745 xe bán ra trong tháng 7, đây cũng là kỳ báo cáo đầu tiên mà "cựu vương" thị trường xe Việt ghi nhận doanh số trên 1.000 xe/tháng kể từ đầu năm.
Dù giảm doanh số về mức 492 xe trong tháng 7, Kia Sonet đã gần như vẫn có thể giữ được ngôi đầu phân khúc SUV cỡ A nếu như VinFast không công bố doanh số 2.600 xe dành cho VF 5 Plus. Động thái khá bất ngờ của hãng xe điện Việt Nam khiến cho diễn biến doanh số ở phân khúc SUV cỡ A bất ngờ đảo chiều với phần thắng chung cuộc gần như chắc chắn thuộc về VF 5 Plus.
Bên cạnh những màn đổi ngôi, thị trường xe Việt cũng chứng kiến không ít sự áp đảo tiếp diễn ở một số phân khúc quen thuộc. Điển hình là trường hợp của Mitsubishi Xpander khi mẫu MPV cỡ nhỏ đã nối dài chuỗi ngày thống trị phân khúc. Trong tháng 7, doanh số Mitsubishi Xpander đạt 1.492 xe, dù không giúp mẫu MPV này nằm trong top 3 xe bán chạy nhất tháng nhưng vẫn đủ để "vua doanh số" tiếp tục là cái tên dẫn đầu phân khúc của mình. Mitsubishi Xpander hiện có 4 phiên bản, giá bán từ 560 triệu đến 698 triệu đồng.
Tương tự là trường hợp của Ford Ranger khi mẫu bán tải này vẫn là cái tên bán tốt nhất phân khúc tại Việt Nam. Doanh số của Ford Ranger trong tháng 7 đạt 1.276 xe, tức chiếm hơn 71% tổng lượng tiêu thụ toàn phân khúc. Tính từ đầu năm, Ford Ranger đã tích lũy được doanh số 9.019 xe, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng cùng Mitsubishi Xpander. Hiện, Ford Ranger có 7 phiên bản cùng một biến thể Raptor, giá niêm yết dao động từ 665 triệu đến 1,299 tỷ đồng.
Trong phân khúc SUV cỡ C, doanh số lũy kế của Mazda CX-5 hiện cao hơn gấp rưỡi so với những gì Ford Territory - mẫu xe bán chạy thứ nhì phân khúc - làm được trong cùng kỳ. Ở báo cáo bán hàng mới nhất, doanh số của Mazda CX-5 đạt 1.044 xe, giúp doanh số lũy kế từ đầu năm tạm thời ở mức 6.314 xe. Trong khi đó, đối thủ Ford Territory ghi nhận doanh số sau 7 tháng ở mức 3.686 xe, với 737 xe đạt được trong tháng 7. Hiện, Mazda CX-5 có tổng cộng 7 phiên bản cho khách Việt lựa chọn, giá bán dao động từ 759 triệu đến 999 triệu đồng.
Cũng trong tháng 7, Ford Everest tiếp tục bán áp đảo so với các đối thủ cùng phân khúc SUV cỡ D nhờ ghi nhận doanh số 951 xe. Ở cùng kỳ báo cáo, Hyundai Santa Fe đạt doanh số 511 xe, Toyota Fortuner bán được 358 xe cho khách Việt còn doanh số của Mazda CX-8 ở mức 214 xe. Với doanh số lũy kế 5.393 xe sau 7 tháng, Ford Everest gần như "một mình một ngựa" trên đường đua doanh số tại Việt Nam. Hiện, Ford Everest có tổng cộng 6 phiên bản, giá niêm yết từ 1,099 tỷ đến 1,545 tỷ đồng.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-man-doi-ngoi-o-thi-truong-xe-viet-post1492633.html