Những 'màn kịch' báo tin giả gây hoang mang dư luận

Vì muốn che giấu hành vi sai trái của mình, một số người đã bịa ra việc mình là nạn nhân của các vụ cướp, cướp giật tài sản rồi trình báo cơ quan công an. Tuy nhiên, vụ việc sau đó nhanh chóng được làm sáng tỏ và người báo tin giả cũng bị xử lý nghiêm.

Vì quá túng quẫn phải bán xe trả nợ, ông P.V.N. (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đã báo tin giả bị cướp xe. Trong ảnh: Ông P.V.N. chỉ hiện trường giả mình bị cướp tài sản. Ảnh: C.T.V

Vì quá túng quẫn phải bán xe trả nợ, ông P.V.N. (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đã báo tin giả bị cướp xe. Trong ảnh: Ông P.V.N. chỉ hiện trường giả mình bị cướp tài sản. Ảnh: C.T.V

Theo cơ quan công an, hậu quả của hành vi báo tin giả ít nhiều đều gây tác động đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) nếu không được xác minh, xử lý sớm.

Màn kịch vụng về

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Biên Hòa và một số địa phương đã xảy ra các vụ báo tin giả bị cướp tài sản. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra đã nhanh chóng phát hiện sự việc là những “màn kịch” vì mục đích cá nhân của người báo tin. Phần lớn những người báo tin giả thiếu nhận thức pháp luật nên đã thực hiện ý định mà không lường trước hậu quả có thể xảy ra.

Cụ thể, vào ngày 16-9, Công an phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) nhận được tin báo từ ông P.V.N. (56 tuổi, làm nghề chạy xe ôm, ngụ thành phố Biên Hòa), khoảng 16h cùng ngày, ông chở khách từ cổng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đến đoạn đường vắng tại khu phố 7, phường Long Bình thì bất ngờ bị một đối tượng đi xe máy không rõ biển số ép xe của ông vào lề rồi đối tượng ngồi sau dùng dao uy hiếp để cướp xe máy, điện thoại và số tiền 300 ngàn đồng. “Gây án” xong, các đối tượng nhanh chân tẩu thoát, còn ông đến cơ quan công an trình báo.

Qua điều tra, Công an thành phố Biên Hòa xác định hoàn toàn không có vụ việc nói trên. Thông tin ông N. trình báo là thông tin giả. Sau đó, ông P.V.N. mới khai nhận do nợ nần túng quẫn nên mang xe máy đi bán để trả nợ. Vì sợ gia đình phát hiện sự việc, ông báo tin giả mình bị cướp tài sản.

Tương tự, tại địa bàn huyện Xuân Lộc, vào tháng 5-2024 cũng xảy ra vụ việc đến cơ quan công an báo tin giả bị cướp tài sản.

Ngày 4-5, anh Đ.D.P. (30 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đến Công an xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) trình báo vào tối 2-5, trên đường đi giao hàng về qua địa bàn ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát thì bị 3 đối tượng chặn đường cướp tài sản với tổng trị giá khoảng 34 triệu đồng.

Qua điều tra, thu thập thông tin tại khu vực được cho là hiện trường anh P. khai báo bị cướp tài sản, Công an huyện Xuân Lộc và Công an xã Suối Cát nhận định thông tin anh này khai báo là giả. Sau đó, anh P. thừa nhận thông tin trình báo bị cướp là tin giả. Do làm rơi sợi dây chuyền vàng có giá trị, sợ gia đình biết chuyện trách móc nên anh đã nghĩ ra cách trình báo cơ quan công an mình bị cướp mất tài sản để che giấu sự việc.

Các vụ việc trên sau đó đã bị cơ quan chức năng lập hồ sơ, xử lý đối tượng báo tin giả theo quy định pháp luật. Nếu các vụ việc này không được điều tra, xử lý kịp thời có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT trên địa bàn.

Luật sư VŨ DUY NAM (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, tin giả có thể làm suy giảm lòng tin của người dân vào cơ quan chức năng. Khi người dân bị tác động bởi những thông tin không chính xác, niềm tin vào khả năng ứng phó và xử lý của cơ quan chức năng có thể bị giảm sút.

Hành vi vi phạm pháp luật

Theo Công an thành phố Biên Hòa, báo tin giả là một trong những hành vi làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chức năng và gây hoang mang dư luận. Không những thế, khi tiếp nhận thông tin giả, cơ quan công an đã phải tập trung, huy động nhiều lực lượng để xử lý tin báo.

Công an thành phố Biên Hòa kêu gọi người dân hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, không vì bất kỳ lý do gì báo tin giả cho lực lượng công an để ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan công an cũng như tình hình ANTT trên địa bàn.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, hành vi báo tin giả cho cơ quan chức năng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực như: gây lãng phí tài nguyên và thời gian của cơ quan chức năng (phải dành nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị để xử lý thông tin giả), làm ảnh hưởng hiệu quả xử lý các vụ việc thực sự cần thiết; làm gián đoạn hoạt động của cơ quan chức năng như: việc xử lý các tin giả khiến các cơ quan chức năng mất tập trung, gây chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề thực tế.

Tin giả sẽ gây hoang mang trong xã hội. Cụ thể, thông tin giả có thể lan truyền nhanh chóng, tạo ra sự lo lắng, sợ hãi hoặc mất niềm tin trong cộng đồng; đặc biệt là với thông tin liên quan đến các tình huống khẩn cấp như: tai nạn, thiên tai, hay ANTT...

Bên cạnh đó, tin giả còn gây cản trở công tác cứu hộ và cứu nạn: trong trường hợp báo tin giả liên quan đến tình huống khẩn cấp, việc phản ứng sai lệch có thể gây nguy hiểm cho người dân và làm chậm trễ hoạt động cứu hộ thực sự cần thiết.

Đối với người báo tin giả, có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Theo luật sư Vũ Duy Nam, trường hợp báo tin giả không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì sẽ áp dụng khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình để xử phạt. Cụ thể, phạt từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202409/nhung-man-kich-bao-tin-gia-gay-hoang-mang-du-luan-1620148/