Những 'mảng tối' trong đại dịch
Ðại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ sự bất bình đẳng khi khoảng cách giàu - nghèo càng nới rộng, đe dọa đến sự ổn định kinh tế - xã hội.
Ðại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ sự bất bình đẳng khi khoảng cách giàu - nghèo càng nới rộng, đe dọa đến sự ổn định kinh tế - xã hội.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới. Những hộ gia đình nghèo nhất chịu tác động nặng nề từ đại dịch và những hậu quả đối với giáo dục có thể kéo dài trong nhiều năm nữa. Dịch bệnh đã phơi bày tình trạng không công bằng về thu nhập cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng.
Tổ chức từ thiện Oxfam cảnh báo, đại dịch giúp tăng khối tài sản cho nhóm người giàu nhất thế giới, song lại khiến những người nghèo nhất phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Theo Oxfam, 1.000 người giàu nhất thế giới đã bù đắp được thua lỗ do Covid-19 chỉ trong chín tháng, song những người nghèo nhất có thể phải mất hơn 10 năm mới có thể phục hồi. Ðiều này có nghĩa rằng, trong khi những người giàu nhất có thể dễ dàng vượt qua dịch bệnh, thì những người làm việc ở tuyến đầu của đại dịch như các nhân viên chăm sóc sức khỏe hay những người bán hàng lại phải vật lộn với việc chi tiêu hằng ngày. Theo Ngân hàng thế giới (WB), khoảng hơn 100 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực và phải mất hơn một thập kỷ thế giới mới có thể kéo giảm số người nghèo trở về mức trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi đó, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9-2020, tài sản tích lũy của các tỷ phú thế giới đã tăng thêm 3.900 tỷ USD, lên 11.950 tỷ USD. Tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm tới 540 tỷ USD, số tiền đủ để không ai phải rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch và chi trả mua vắc-xin ngừa Covid-19 cho
tất cả mọi người trên thế giới.
Ðại dịch đã gây ra một "cơn bão" kinh tế, tác động mạnh nhất đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó phụ nữ và những người lao động yếu thế đang đối mặt vấn đề tồi tệ nhất là mất việc làm. Những mảng tối của bất bình đẳng giới bộc lộ khi phụ nữ ở nhiều nơi đang phải đối mặt tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc gia đình mà không được trả lương, mất việc làm và nghèo đói. Phụ nữ đang chiếm phần lớn ở tuyến đầu chống đại dịch, nhưng chưa có được vị trí tương xứng trong những chính sách ưu đãi liên quan phòng dịch Covid-19 ở trong nước và trên toàn cầu.
Trước tình trạng bất bình đẳng gia tăng và xã hội chứng kiến sự phân cực rõ rệt, IMF kêu gọi tăng thuế đối với những người giàu nhất, xóa bỏ khoảng cách cũng như hiện đại hóa chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn thu để đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chương trình tiêm chủng và tìm kiếm việc làm. Chính phủ các nước có thể cân nhắc kêu gọi những gia đình có thu nhập cao đóng góp cho quỹ tạm thời để khôi phục sau đại dịch. Theo IMF, việc sử dụng nguồn quỹ này cho các chương trình an sinh xã hội quan trọng có thể tạo ra tác động mạnh, khi có tới sáu triệu trẻ em ở các nước đang phát triển và mới nổi có nguy cơ phải bỏ học trong năm 2021.
Còn theo Oxfam, kinh tế công bằng hơn chính là chìa khóa để kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Tổ chức này kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với tài sản và các tập đoàn, cùng với đó là các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với người lao động. Cuộc chiến chống bất bình đẳng phải là trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và phục hồi kinh tế, trong đó có dịch vụ công được đầu tư bằng nguồn tiền lấy từ thuế đánh vào các cá nhân và tập đoàn giàu có nhất, buộc họ phải chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/nhung-mang-toi-trong-dai-dich-641490/