Những mảnh đời nghèo trên đồi cát

Mùa du lịch hè đã bắt đầu từ lâu nhưng 'cơn lốc' Covid-19 quét qua, làm tê liệt cả ngành du lịch. Hè năm nay, khu du lịch đồi cát bay Mũi Né vắng vẻ đến lạ thường. Với những người lao động nghèo, không có khách đồng nghĩa với không có thu nhập, những 'đội quân hàng rong' ấy cũng vì thế mà mất hút.

Những mảnh đời nghèo trên đồi cá

Bà Thanh chạnh lòng nhớ về những ngày đông khách.

Bà Thanh chạnh lòng nhớ về những ngày đông khách.

Mưu sinh… mùa dịch

Một ngày hè cuối tuần nhưng trên đồi cát bay mùa này không còn nhộn nhịp khách du lịch như xưa. Cùng kỳ năm trước, thời điểm này những đoàn xe du lịch đậu nối đuôi nhau kín cả con đường dọc bãi biển các khu du lịch ở Mũi Né. Khu du lịch đông đúc, những “đội quân” bán hàng rong, cho thuê ván trượt kiếm được tiền trang trải cuộc sống. Đến đợt dịch thứ 4 này, họa may cả tuần mới có 2, 3 khách địa phương đến tham quan. Con đường trước đây nhộn nhịp nay hàng quán đìu hiu, mở cầm chừng.

Đã quá giữa trưa, gánh hàng bánh tai vạc của bà Nguyễn Thị Thanh (khu phố 3, phường Mũi Né) vẫn còn nguyên vì chẳng có mấy khách mua. Bà thuê xe thồ từ nhà ra đồi cát bán hàng vì sức khỏe không còn tốt, đi bộ xa lại chóng mặt. Bà nói, lúc trước khách ăn ai cũng khen ngon, có đoàn còn mua cả chục hộp về làm quà, thu nhập cũng đủ chi phí hàng ngày. Nói tới đây, bà có chút chạnh lòng vì mùa hè năm nay không có khách, nguồn thu nhập giảm mạnh. Trước dịch, bà cùng “đội quân hàng rong” đội nắng, đạp gió cát trên đồi mời khách mua. Tuy cực nhưng bán hết sớm, có ngày bán được hơn 100 hộp bánh. Đợt dịch này, cả ngày bà làm chỉ 25 hộp nhưng ngồi đến trưa cũng không bán hết.

Theo ghi nhận, một số chủ hàng quán hiếm hoi ở khu vực này còn mở cửa cầm chừng, những người bán hàng rong đa phần đã kiếm kế sinh nhai khác. Họ đi làm thuê cho công trình, đi cắt cỏ, đi chở cá thuê và những đứa trẻ cho thuê ván trượt thì... đã “được nghỉ hè” thực sự. Chỉ còn bà Thanh bám trụ nơi đồi cát, hy vọng kiếm vài đồng từ bán bánh tai vạc trong mùa dịch vì cũng chẳng biết làm gì khác. Trước đây, sáng bán hết sớm bà còn tranh thủ về làm thêm cho kịp giờ chiều khách lên, kiếm thêm được ít tiền. Nhưng bây giờ, “làm nhiều thì ế nhiều, không còn hy vọng khách đông, và cuộc sống gia đình cũng vất vả hơn”, bà Thanh tâm sự.

Mong dịch Covid-19 qua nhanh

Bà Thanh bán bánh tai vạc quanh đồi cát ngót nghét hơn 20 năm, nuôi được 2 người con khôn lớn. Nay người con lớn đã lập gia đình nhưng cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà nguồn thu nhập bấp bênh. Người con út đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Khó khăn chồng chất khó khăn, chồng bà bị nhồi máu cơ tim, đã 2 lần ngưng tim, phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đến nay, cũng không còn sức lao động, chỉ phụ được việc vặt trong nhà cho vợ. Tiền học của con, những chi phí hàng ngày phụ thuộc vào gánh bánh của bà.

Du lịch phát triển đã mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Trên ngọn đồi cát bay, món đặc sản Phan Thiết như bánh tai vạc, bánh kẹp dừa, tàu hũ nóng... được du khách gần xa biết đến và là món ăn vặt không thể thiếu nơi đây, phần nào giúp những gánh hàng rong có thêm thu nhập. Những đứa trẻ kiếm được tiền học bằng việc cho thuê ván trượt. Dẫu có nắng như đổ lửa, gió cát rát da, đồi cát vẫn là nguồn sống cho một bộ phận người lao động nghèo. Dịch Covid-19 hoành hành đã khiến những mảnh đời mưu sinh trên đồi cát bay thêm khốn khó. Trong tình cảnh khó khăn chung, họ tạm xoay xở công việc mới hoặc chọn bám trụ nơi đồi cát. Nhưng tất cả vẫn hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi.

Kim Huệ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/nhung-manh-doi-ngheo-tren-doi-cat-138574.html