Những mẫu xe 'hot' gặp lỗi phải triệu hồi tại Việt Nam
6 tháng đầu năm 2019 của thị trường ôtô Việt Nam đánh dấu nhiều vụ triệu hồi số lượng lớn, thậm chí với các mẫu xe đang 'hot'.
Trong nửa đầu năm 2019, các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã bán được tổng số ôtô lên tới 154.273 chiếc, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy người tiêu dùng nước ta đang mua sắm ngày càng nhiều các phương tiện 4 bánh. Tuy nhiên, cũng trong quãng thời gian trên, hàng chục đợt triệu hồi đã được tổ chức, trong đó bao gồm nhiều mẫu xe hot trên thị trường, khiến các khách hàng không khỏi quan ngại về chất lượng ôtô tại Việt Nam.
Mitsubishi Outlander và Outlander Sport
Trong 6 tháng đầu năm, Mitsubishi đã phải triệu hồi hàng trăm chiếc xe Mitsubishi Outlander, Outlander Sport và Outlander PHEV nhập khẩu từ Nhật do nhiều lỗi khác nhau.
Ngay đầu năm 2019 (ngày 7/1), hãng xe Mitsubishi đã phải tiến hành triệu hồi với 7 chiếc Outlander do hai lỗi đều liên quan đến cần gạt nước phía trước: cơ cấu điều khiển và mô tơ cần gạt; cả hai bộ phận này khi có nước vào đều bị hỏng do ăn mòn và khiến cần gạt nước không hoạt động.
Hai ngày sau, Mitsubishi Outlander Sport cũng bị "gọi tên" do gặp phải lỗi khóa cửa. Đợt triệu hồi này gồm 88 chiếc. Cụ thể, chức năng khóa trong của cơ cấu khóa cửa có thể không hoạt động đúng, cho nên cửa có thể không được khóa an toàn và trong trường hợp xấu nhất có thể tự mở ra trong khi đang lái xe.
Đến cuối tháng 5, hãng xe Nhật đã thông báo đợt triệu hồi thứ tiếp theo với 851 chiếc Mitsubishi Outlander Sport và Outlander PHEV. Theo đó, các xe này đều bị lỗi cơ cấu phanh đỗ phía sau, khiến hiện tượng trôi dốc có thể xảy ra do lực phanh này không đủ. Nguyên nhân được xác định do chụp bụi ở cốt (trục) phanh tay ở bộ kẹp phanh sau không phù hợp, cho nên nước có thể thâm nhập và làm gỉ sét trục phanh đỗ xe.
Lexus LS500 và GX460
Ngay cả những mẫu xe sang được cho rất "lành tính" của Lexus cũng phải chịu các đợt triệu hồi trong nửa đầu năm 2019, và cũng đều được nhập khẩu từ nhà máy ở Nhật Bản.
Trong đó, 4 chiếc sedan cỡ lớn Lexus LS500 sử dụng động cơ V6 bị triệu hồi do có thể chết máy khi tăng tốc từ trạng thái dừng/đỗ do tính toán sai lưu lượng khí nạp. Cụ thể lỗi này do lập trình điều khiển động cơ chưa chính xác, trong trường hợp động cơ được kích hoạt lại trong một khoảng thời gian nhất định sau khi ngừng hoạt động, phần mềm điều khiển động cơ có thể tính toán sai lưu lượng khí nạp.
Ngoài ra, còn 286 chiếc Lexus GX460 cũng nằm trong diện triệu hồi đợt sau đó. Đối với mẫu SUV này, lỗi xảy ra rất quen thuộc, đó là cụm bơm khí (được cung cấp bởi công ty Takata) có thể bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian, và có nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách.
Loạt xe sang Audi
Các mẫu ôtô Audi bị triệu hồi dưới 2 đợt khác nhau. Với lần đầu diễn ra vào ngày 19/4 với tổng cộng 182 chiếc, gồm 37 xe A7 Sportback Quattro, 78 xe A8L Quattro và 67 xe Q7 Quattro do có thể khiến mùi xăng lọt vào khoang lái. Các xe này sẽ được thay thế đường ống áp suất thấp của hệ thống nhiên liệu động cơ 3.0 TFSI miễn phí khi mang đến các đại lý ủy quyền.
Tiếp theo, dòng xe Audi Q5 cũng bị lỗi, khiến hãng xe sang phải "gọi" 21 chiếc trở lại để kiểm tra và sửa chữa xi-lanh phanh chính do dầu có thể bị rò rỉ trong suốt thời gian sử dụng, khiến hệ thống phanh có khả năng hư hỏng, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn trong quá trình xe vận hành.
Ford EcoSport, Ranger và Explorer
Trong số 3 mẫu xe này, chỉ EcoSport được sản xuất tại Việt Nam, 2 mẫu còn lại đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Mỹ. Cụ thể, mẫu SUV cỡ nhỏ đời 2018 của Ford được triệu hồi vào tháng 5 để kiểm tra và thay thế ghế trước (nếu cần thiết) để khắc phục hiện tượng xuất hiện tiếng kêu tại khu vực ghế trước trong quá trình vận hành.
Tiếp đến tháng 6, đến lượt 25.288 xe Ford Ranger, nhập khẩu Thái Lan, bị lỗi rò rỉ dầu phanh, khiến đèn cảnh báo dầu phanh bật sáng trên cụm đồng hồ táp lô, tăng hành trình đạp phanh và quãng đường dừng xe. Đồng thời, 5 chiếc khác cũng được triệu hồi do lỗi xi-lanh phanh trước.
Cùng ngày, 672 chiếc Ford Explorer được nhập khẩu từ Mỹ cũng có mặt trong đợt triệu hồi trên do lỗi hệ thống treo sau. Trong một số trường hợp, tay đòn này có thể bị gẫy, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn của phương tiện.
Toyota Vios
Lỗi cụm bơm túi khí Takata cho hành khách phía trước khiến Toyota tiếp tục phải triệu hồi mẫu Vios với số lượng 201 chiếc. Nguyên nhân và độ nguy hiểm của lỗi này cũng giống như trên các xe Lexus GX460 ở trên.
Và tính tổng cộng, hãng xe Nhật đã triệu hồi khoảng 54.000 xe liên quan đến lỗi này. Nhưng theo thông báo gửi đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe Toyota sử dụng túi khí Takata là hơn 71.000 chiếc.
Nissan Navara
Trong tháng 6, Nissan cũng triệu hồi 604 chiếc bán tải bán chạy của mình do lỗi công tắc ổ khóa ở các phiên bản EL và SL, được sản xuất từ 25/04/2017 đến 25/07/2017 tại nhà máy ở Thái Lan. Nguyên nhân được đưa ra do việc treo móc thêm nhiều phụ kiện, đồ trang trí nặng trên chìa khóa xe khiến công tắc ổ khóa có thể bị chuyển từ ON về ACC hoặc giữa ACC và LOCK, làm cho động cơ dừng hoạt động.
Mercedes-Benz C-Class và E-Class
Vào cuối tháng 6, hãng xe sang của Đức cũng đã "gọi tên" các mẫu C200 (W205), C250 (W205), C300 (W205), E200 (W213), E250 (W213), E300 (W213) với số lượng 1.648 chiếc được sản xuất từ 06/2016 đến 11/2017 tại Việt Nam để kiểm tra, thay thế hộp điều khiển và cụm cơ cấu lái. Cụ thể, vô lăng trên xe bị lỗi có thể khiến lái nặng hơn bình thường và khó điều khiển, có âm thanh cảnh báo và một dòng cảnh báo màu đỏ về vô-lăng lái trên đồng hồ đa chức năng.