Những máy bay không người lái uy lực nhất thế giới
Trong chiến tranh hiện đại, những chiếc UAV hay máy bay không người lái đang phát huy hiệu quả một cách đặt biệt. Điều này đã được thể hiện trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, giữa Armenia và Azerbaijan, nội chiến ở Lybia hay tại chiến trường Syria.
Máy bay không người lái Predator B (MQ-9 Reaper) của không quân Mỹ - Ảnh: USarmy
Bài liên quan
Mỹ, Israel đặt mục tiêu thiết lập 'vùng cấm bay' với UAV của Iran ở Trung Đông
Hai máy bay không người lái của Mỹ bốc cháy trên không phận Syria
Yemem: Máy bay không người lái xả đạn, 55 người thiệt mạng
Máy bay không người lái chứng minh giá trị trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn
Một trong những ưu điểm của các UAV là chúng có kích thước nhỏ, thời gian hoạt động trên không lâu, được trang bị cảm biến hiện đại có thể phát hiện kẻ địch từ xa và cung cấp thông tin chiến trường quý giá cho sở chỉ huy.
Không chỉ theo dõi đối phương, nhiều UAV vũ trang hiện nay có thể lập tức tung đòn không kích và mục tiêu mà nó phát hiện, với tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều so với chiến đấu cơ có người lái. Trong trường hợp UAV bị bắn hạ, phi công điều khiển vẫn an toàn tại căn cứ cách đó hàng trăm km và có thể lập tức vận hành UAV khác cất cánh.
Kể từ khi nội chiến bùng phát ở Libya năm 2014, phe nổi dậy LNA do tướng Khalifa Haftar chỉ huy ban đầu chiếm nhiều lợi thế trên chiến trường nhờ sở hữu các UAV CAIG Wing Loong II do Trung Quốc sản xuất.
Được tung vào chiến trường lần đầu tiên trong chiến dịch tấn công Derna ở miền đông Lybia năm 2016, UAV CAIG Wing Loong II đã mang đến thay đổi đáng kể cho năng lực quân sự của LNA, giúp thay đổi kết cục trận đánh. Các lực lượng trung thành với Haftar đã nhanh chóng đánh bại các tay súng đối địch ở Derna.
Trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, đòn sát thủ mang tên máy bay không người lái đã tạo bước ngoặt, "nhân tố thay đổi cuộc chơi" cho thế đối đầu quân sự giữa Armenia và Azbaijan. Các UAV không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có sử dụng một số công nghệ của phương Tây và phi cơ không người lái cảm tử do Israel sản xuất, đã đánh sập hệ thống phòng không của “Cộng hòa Artsakh” ở Nagorno-Karabakh.
Hiện nhiều quốc gia đã và đang hướng tới xây dựng các lực lượng vũ trang UAV, cũng như nghiên cứu các chiến thuật tấn công và phòng thủ bằng UAV dưới nhiều hình thức. Bằng chứng là mới đây, thủy quân lục chiến Mỹ vừa tiến hành các cuộc tập trận sử dụng một hệ thống máy bay không người lái mini (UAV) có tên gọi Drone40 với nhiều vai trò khác nhau: trinh sát, theo dõi và có thể tấn công như lựu đạn, theo dạng bầy đàn.
Dưới đây là những UAV hàng đầu thế giới hiện nay do Army Technology xếp hạng:
TAI Anka: Anka được Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng từ năm 2017 nhằm đáp ứng các nhiệm vụ như trinh sát, giám sát và nhận diện mục tiêu. Anka có trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW) là 1.600 kg, độ cao tối đa là hơn 9.000 mét và có thể hoạt động trong hơn 24 tiếng.
Máy bay MQ-5B Hunter của không quân Mỹ - Ảnh: USarmy
MQ-5B Hunter: Máy bay không người lái đa nhiệm MQ-5B Hunter được sử dụng trong Không quân Mỹ trong 2 thập kỷ qua. MQ-5B có thể mang nhiều loại cảm biến khác nhau như quang điện, hồng ngoại và hệ thống truyền thông tin, bên cạnh các vũ khí bên ngoài như đạn dẫn đường bằng laser Northrop Grumman Viper Strike. Trọng lượng cất cánh tối đa của MQ5B là 884,5 kg, độ cao tối đa là 5.500 mét và bay được trong 21 tiếng.
Máy bay không người lái CAIG Wing Loong II của Trung Quốc
CAIG Wing Loong II: Được thiết kế và phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Thời gian hoạt động của Wing Loong II ở độ cao trung bình là 32 tiếng với trọng lượng cất cánh tối đa là 4.200 kg và độ cao tối đa là gần 10.000 mét.
MQ-1C Gray Eagle: Hệ thống máy bay không người lái MQ-1C Gray Eagle được phát triển như một phần trong kế hoạch hiện đại hóa Không quân Mỹ. MQ-1C Gray Eagle đáp ứng được các yêu cầu về trinh sát, giám sát và nhận diện mục tiêu. Máy bay không người lái này có thể mang theo 4 tên lửa Hellfire và có thể hoạt động trong thời gian 25 tiếng.
Một chiếc UAV Yabhon United 40 trong lực lượng không quân Algeria
Yabhon United 40: Máy bay Yabhon United 40 MALE còn được biết tới là Smart Eye 2 hiện đang được Lực lượng Algeria sử dụng, là một UAV đa nhiệm có khả năng chở được khối lượng tối đa lên tới 1.000 kg, bao gồm các cảm biến, hệ thống giám sát, hệ thống radar tổng hợp (SAR) và thiết bị phát hiện tàu ngầm.
Máy bay không người lái CH-5 của Trung Quốc
CH-5: Còn được gọi là UAV Rainbow do Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Không gian vũ trụ Trung Quốc sản xuất. Máy bay không người lái này có khả năng tiến hành các nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát, giám sát, tuần tra và định vị mục tiêu. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 3.300 kg và có thể hoạt động trong 60 tiếng.
Máy bay không người lái Predator B của Mỹ
Predator B (MQ-9 Reaper): Hệ thống máy bay không người lái Predator B đang phục vụ trong Không quân Mỹ, NATO, Không quân Hoàng gia Anh và các lực lượng Không quân Tây Ban Nha, Pháp và Italy. Predator B có thể đạt được độ cao tối đa là hơn 15.000 mét và hoạt động liên tục trong 27 tiếng.
Một chiếu UAV MQ-9B SkyGuardian trong Không quân Hoàng gia Anh
MQ-9B SkyGuardian: Không quân Hoàng gia Anh sử dụng như một phần trong chương trình Protector RG Mk1 vào năm 2020, được thiết kế nhằm đáp ứng với các yêu cầu bay chuẩn STANAG 4671 của NATO cũng như các tiêu chuẩn bay và thiết kế Def Stan 00-970 của Anh. UAV này có trọng lượng cất cánh tối đa là 5.670 kg và có thể mang được bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway hoặc tên lửa AGM114 Hellfire.
Máy bay Heron TP của Không quân Israel
Heron TP: Heron TP còn được biết tới là Eitan là một máy bay không người lái tích hợp tính năng cất/hạ cánh tự động (ATOL) do quân đội Israel thiết kế và phát triển. Trọng lượng cất cánh tối đa của Heron TP là 5.670 kg và thời gian hoạt động của máy bay không người lái này là hơn 30 tiếng.
Máy bay không người lái Predator C Avenger của Mỹ
Predator C Avenger: Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay không người lái này là 8.255 kg. Predator C Avenger có thể chở được nhiều loại vũ khí khác nhau như tên lửa Hellfire và các loại bom dẫn đường bằng laser. Máy bay Predator C Avenger có khả năng bay ở độ cao lên tới hơn 15.000 mét và hoạt động liên tục trong 20 tiếng.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ
Bayraktar TB2: Được Thổ Nhĩ Kỳ phát triển vào năm 2007. Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 650kg, trọng tải hữu ích 150kg, được trang bị động cơ đốt trong Rotax 912 công suất 100 mã lực, tốc độ hành trình 130km/h, tốc độ tối đa 222km/h, trần bay 8.200m, thời gian bay 25-27 giờ, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150km. Bayraktar TB2 có thể mang theo hai tên lửa chống tăng UMTAS (nặng 37kg, đường kính 160mm, tầm bắn 500-8.000m).