Những mô hình chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo

Thái Nguyên đã lựa chọn các mô hình giảm nghèo đem lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn, giúp các hộ thoát nghèo, tăng thu nhập, song song với giải quyết đa chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Với nhiều cách làm hay, việc triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đầu năm 2024, 40 hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đã được trao tặng 40 con bò nái để phát triển sản xuất. Các hộ được hỗ trợ 100% kinh phí giống vật nuôi và 50% chi phí thức ăn, thuốc thú y trong 4 tháng đầu tiên. Nguồn kinh phí hỗ trợ trích từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Gia đình chị Hoàng Thị Thắm là hộ cận nghèo của xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, được nhận hỗ trợ một con bò nái. Sau gần 3 tháng nhận nuôi, bò ăn khỏe, tăng cân nhanh. Người phụ nữ này chia sẻ sắp tới, đến kỳ bò sinh sản, chị sẽ cho phối giống để phát triển đàn vật nuôi.

Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Phú Bình cấp 19.000 con gà giống cho 88 hộ gia đình để phát triển mô hình giảm nghèo theo dự án chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ từ 100-350 con gà giống, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng hộ.

Năm 2024, gia đình bà Nguyễn Thị Sản (xóm Suối Lửa, xã Tân Thành, huyện Phú Bình) đang chăn nuôi 350 con gà giống, ăn khỏe, mỗi con cân nặng từ 2,5kg trở lên. Đây là thành quả sau gần 4 tháng đàn gà được chăm sóc, hiện chuẩn bị xuất chuồng, hứa hẹn thu về hàng chục triệu đồng. Việc hỗ trợ gà giống nhờ dự án mô hình của huyện.

Người dân nghèo, cận nghèo trước khi được trao con giống đã được tập huấn miễn phí 3 tháng về kỹ thuật chăn nuôi và phương pháp chăm sóc con giống. Nhà nào được hỗ trợ con gì sẽ được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi con giống đó.

Tại địa phương này, việc cung cấp hỗ trợ con giống cho mỗi hộ dân không "cào bằng" mà lựa chọn cấp giống dựa trên nhu cầu, điều kiện, trong đó có xét đến cơ sở vật chất, kinh nghiệm chăn nuôi để tư vấn, định hướng sao cho phù hợp.

Vùng chè hữu cơ tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Vùng chè hữu cơ tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Tại huyện Phú Lương, năm 2024, huyện thực hiện 3 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tới 111 hộ tại xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành (trong đó có 81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng). Trước đó, từ nguồn kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng, giai đoạn 2022-2023 huyện đã triển khai 8 dự án hỗ trợ trâu bò, dê sinh sản, với tổng số 185 hộ dân nhận hỗ trợ.

Để việc triển khai các mô hình đa dạng sinh kế mang lại hiệu quả, trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, các địa phương lập danh sách, tổ chức bình xét các đối tượng để hỗ trợ. Con giống trước khi được cấp cho người dân đều được tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh.

Đặc biệt, huyện Phú Lương đã tổ chức cho các hộ dân được đến tận các trang trại, các địa điểm cung cấp con giống để tự lựa chọn con giống cho gia đình mình.

Khách quan khi lựa chọn con giống, trong quá trình nuôi, người dân nghèo, cận nghèo tham gia mô hình được cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ con giống, tiêm phòng định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc con giống khi giao mùa…

Các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường cũng được tổ chức. Việc làm này đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, giúp người dân chăn nuôi hiệu quả. Thông qua các mô hình, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, huyện còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo.

Quan tâm giải quyết đến chăm sóc sức khỏe cho người dân hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh Thái Nguyên đã cấp 220.055 lượt thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục cho 76.962 lượt người; hỗ trợ tiền điện cho 44.784 lượt hộ.

Thái Nguyên cũng hỗ trợ 109.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền 1.546.088 triệu đồng.

2.111 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở, thông qua công tác xã hội hóa, tổng số tiền đã vận động của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 337,9 tỷ đồng.

Nhờ đó, trong 3 năm qua tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giảm đáng kể. Năm 2023. toàn tỉnh với 337.487 hộ dân, hộ nghèo giảm còn 10.190 hộ (chiếm tỷ lệ 3,02%), giảm 1,33% so với năm 2022. Mục tiêu trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong năm 2024 với 2.710 hộ nghèo và 776 hộ cận nghèo.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-mo-hinh-chan-nuoi-dem-lai-gia-tri-kinh-te-cao-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-2317541.html