Những mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế lâm nghiệp ở miền núi
Phát triển lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững là mục tiêu ưu tiên hàng đầu được các huyện miền núi trong tỉnh thực hiện trong nhiều năm qua, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
Người dân xã Xuân Hòa (Như Xuân) phát triển mô hình rừng gỗ lớn.
Điển hình như huyện Lang Chánh đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến; triển khai phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng; cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản; thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ, chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng... Cùng với chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, huyện Lang Chánh còn đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư gắn sản xuất với chế biến lâm sản. Đến nay, Lang Chánh đã thu hút được 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản vào hoạt động ở Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến.
Huyện Lang Chánh cũng đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đã trồng mới được khoảng 100.000 cây phân tán, hơn 1.500 ha rừng tập trung; khoanh nuôi, tái sinh được gần 20 ha; bón phân phục tráng năm thứ hai cho 500 ha rừng luồng, nâng tổng số rừng luồng được phục tráng lên 1.350 ha; khoanh nuôi, tái sinh thêm 1.000 ha luồng, nâng tổng số diện tích rừng luồng được khoanh nuôi, tái sinh lên 2.000 ha; công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 80,61% (đứng thứ 3 toàn tỉnh). Đến nay, huyện đã có trên 20.000 ha rừng trồng, trong đó có 14.000 ha luồng, trên 6.000 ha keo...
Đối với huyện Như Xuân, nhiều đề án khuyến khích, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế, như: Đề án cải tạo vườn tạp đến năm 2020; trồng rừng gỗ lớn; chuyển đổi đất trồng sắn, mía có độ dốc cao sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển trang trại; hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa bảo đảm được lương thực giai đoạn 2017-2023. Huyện cũng bố trí kinh phí khuyến khích phát triển nông nghiệp để hỗ trợ cho hộ gia đình phát triển mới diện tích trồng cam 20 triệu đồng/ha; 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu bò; 15 triệu đồng/trang trại chăn nuôi hỗn hợp và 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi dê... Tính đến tháng 5-2020, huyện Như Xuân đã phát triển được gần 1.000 ha cây ăn quả, trong đó 300 ha cây ăn quả tập trung cho giá trị kinh tế cao, như: Cam đạt 550 triệu đồng/ha, dưa hấu 210 triệu đồng/ha, bưởi 575 triệu đồng/ha, ổi đạt 400 triệu đồng/ha.
Tại huyện Như Thanh, hiện nay có nhiều mô hình kinh tế lâm nghiệp đạt từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Để đạt kết quả trên, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó thực hiện cơ chế khuyến khích Nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân; thực hiện Đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh tái sinh, giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2030”...
Với những giải pháp đồng bộ, đến nay, huyện Như Thanh có khoảng 200 trang trại mang lại hiệu quả cao, như: Trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp, trang trại thủy sản, lâm nghiệp, cây lâu năm... tập trung ở các xã Yên Thọ, Phú Nhuận, Xuân Khang, Xuân Thái, Thanh Tân, Xuân Du... góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương. Tổng thu nhập từ kinh tế trang trại mỗi năm đạt trên 20 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng.