Những mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế
Đó là các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX)... đứng ra tập hợp nông dân tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hình thành những mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả mà quá trình 'Dân vận khéo' của các cơ quan, đơn vị tại nhiều địa phương trong tỉnh kiên trì, tích vực vận động.
Bản hợp đồng khoai tây
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Đức Trọng đã tích cực tư vấn, hỗ trợ, vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất thông qua việc ký hợp đồng hợp tác trồng và tiêu thụ khoai tây với Tập đoàn Orion (Hàn Quốc). Theo đó, Hội Nông dân huyện trực tiếp đứng ra ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Thực phẩm Orion, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm này. Mặt khác, vận động nông dân trong huyện ký hợp đồng sản xuất, còn các hộ tham gia kí kết hợp đồng được hỗ trợ về giống, phân bón, vốn, kỹ thuật sản xuất, nhất là sản phẩm khoai tây sản xuất ra đều được thu mua, tiêu thụ hết. Việc không lo vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt đầu ra ổn định khiến cho các hộ yên tâm sản xuất nên năng suất tăng cao đáng kể, tăng gần một phần ba so với trước đây “mạnh ai nấy làm”.
Thống kê của Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho hay: Từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân huyện đã vận động hội viên nông dân trồng hơn 660 ha khoai tây cho năng suất trung bình trên 28 tấn/ha, tăng 8 tấn so với trước khi hợp tác với Công ty, chỉ đạt dưới 20 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều cung cấp cho Công ty TNHH Thực phẩm Orion (thuộc Tập đoàn Orion). Trong năm 2019, 2020, Huyện hội vận động 500 nông dân ký hợp đồng sản xuất và thu mua khoai tây với Tập đoàn Orion để trồng trên 200 ha khoai tây vụ Đông, góp phần gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cụ thể, trên cùng một diện tích, nông dân canh tác 3 vụ/năm (1 vụ khoai tây và 2 vụ rau khác), kết quả mang lại lợi nhuận 250 triệu đồng/ha/năm.
Vì vậy, thực tế mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây ở Đức Trọng đã chứng thực được tính hiệu quả, giúp nông dân ổn định thị trường, tăng thu nhập, giảm thiểu các rủi ro về giá cả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Doanh thu 20 tỷ đồng từ rau quả
Những năm gần đây, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Nam Hà (HTX Nam Hà) nổi lên như một mô hình liên kết sản xuất các mặt hàng rau thương phẩm hiệu quả. Được thành lập năm 2016, ban đầu với 7 thành viên, đến nay HTX Nam Hà đã có trên 51 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Qua đó, HTX Nam Hà liên kết với các hộ nông dân với diện tích khoảng 320 ha, cùng với có 30 ha rau quả của HTX tổ chức sản xuất trồng rau quả theo hướng công nghệ cao, nông sản an toàn.
Các sản phẩm của HTX sản xuất ra đều được cung cấp tới các hệ thống siêu thị, bán lẻ như Pepsico, Orion, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trong toàn quốc và xuất khẩu qua Trung Quốc, Singapore... Đặc biệt, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và các lợi ích mang lại từ mô hình kinh doanh tập thể, doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 40 lao động với thu nhập bình quân 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.
600 hộ tham gia liên kết
Câu chuyện thu hút 600 hộ nông dân từ các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương tham gia vào liên kết sản xuất nông sản được ghi nhận ở HTX Nam Sơn, do anh Nguyễn Văn Đoàn (cư trú tại Tổ 14, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) làm giám đốc.
Các mặt hàng nông sản mà HTX chuyên sản xuất bao gồm cà rốt, khoai lang Nhật, củ cải... Theo thống kê của HTX Nam Sơn, mỗi năm, sau khi trừ chi phí HTX đạt lợi nhuận 4 tỷ đồng. Đặc biệt, các hộ thành viên, hộ tham gia liên kết với HTX Nam Sơn đều có lãi trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Với quy mô sản xuất nêu trên, HTX Nam Sơn đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Chưa dừng lại ở đó, HTX còn giúp đỡ cho trên 100 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Điều đáng nói, không chỉ giúp gia đình và địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, trung bình mỗi năm Giám đốc HTX Nam Sơn Nguyễn Văn Đoàn còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước khoảng 200 triệu đồng. Đồng thời, bỏ tiền xây dựng 10 km đường cấp phối, ủng hộ quỹ nhân đạo từ thiện... Đặc biệt, vừa qua, anh và gia đình hỗ trợ 4 tỷ đồng để xây thêm phòng học cho Trường Tiểu học Nam Sơn.
Những mùa hoa cúc bội thu
Tổ hội nghề nghiệp trồng hoa cúc công nghệ cao Đa Phú (xã Măng Line, Phường 7, thành phố Đà Lạt) được đánh giá là tổ liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững. Tính đến nay, Tổ đã phát triển thêm 47 hội viên, nâng tổng số lên 104 thành viên và diện tích sản xuất hiện tại là 60 ha.
Trên cơ sở Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ, các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về quy trình sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây con, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay... đều được các thành viên trao đổi với nhau. Sau 3 năm đi vào hoạt động, thu nhập bình quân của các thành viên trong tổ đạt từ 1,1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; tạo điều kiện giải quyết lao động tại địa phương có thu nhập cao, ổn định.
Bên cạnh việc sản xuất, tổ còn vận động xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp trên 2 tỷ đồng để xây dựng 3 km đường bê tông nội đồng, đặt cống ngầm, tu sửa kênh mương thoát nước để chống sói mòn sạt lở... góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Liên kết sản xuất rau công nghệ cao
Xã Tân Thành (huyện Đức Trọng) là một xã thuần nông với dân số 5.494 khẩu, 1.509 hộ. Các hộ trên địa bàn sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ tình hình thực tiễn đó, Khối Dân vận xã Tân Thành đã đề xuất thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất rau công nghệ cao, an toàn xã Tân Thành. Tổ hợp tác nhằm liên kết các hộ dân, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất thấp sang trồng hoa màu có giá trị kinh tế cao gắn với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kết hợp với việc liên kết hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua nông sản uy tín.
Kết quả, sau thời gian kiên trì vận động các hộ nông dân, từ 17 hộ tham gia tổ hợp tác ban đầu với diện tích 15.000 m2, nay đã có trên 86 hộ tham gia liên kết có hợp đồng cụ thể, với tổng diện tích là 70.000 m2. Hàng năm, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của các hộ tham gia liên kết đạt 240 triệu đồng/hộ/năm.
Mô hình Tổ hợp tác liên kết sản xuất rau công nghệ cao, an toàn xã Tân Thành không những thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo trong xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững.