Những mô hình tiền tỷ làm giàu cho nông dân 'đất mỏ'

Những điểm tựa từ chính sách cùng sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp đang giúp nông dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng và phát triển thành công hàng loạt mô hình sản xuất điểm, mang lại giá trị kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Hải Hà, những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn đang dần thay thế cho cách trồng trọt, chăn nuôi cũ, lạc hậu, qua đó chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài.

Hiệu quả sản xuất sạch

Chè đang là một trong những cây trồng chủ lực ở Hải Hà. Vì vậy, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè. Trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao, như: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên...

Cùng với đó, huyện vận động người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2-3 lá”.

Chè VietGAP đang là cây xóa nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ dân ở Quảng Ninh.

Chè VietGAP đang là cây xóa nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ dân ở Quảng Ninh.

Đến nay, trong gần 800ha chè trên địa bàn huyện hầu hết đều đảm bảo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng được nhu cầu thị trường khó tính trong nước và quốc tế. Giá trị bình quân đạt 130 – 250 triệu đồng/ha/năm.

Đáng chú ý, trong quá trình phát triển cây chè ở Hải Hà, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX được thể hiện đậm nét. Từ 2 mô hình liên kết đầu tiên được thành lập năm 2018 tại xã Quảng Thành và Quảng Minh, đến nay huyện Hải Hà có 3 HTX và 16 tổ hợp tác, với trên 200 hộ tham gia.

Các HTX, tổ hợp tác hiện đang quản lý khoảng 40ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm ha trồng theo hướng VietGAP… Hoạt động của HTX cũng giúp việc sản xuất chè ở Hải Hà được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Quảng Minh chia sẻ: “Tham gia trong tổ hợp tác liên kết sản xuất, mỗi người mỗi việc. Chè sản xuất ra bảo đảm chất lượng nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đời sống, thu nhập của gia đình tôi và các hộ khác trong tổ hợp tác cũng được nâng lên”.

Hình thành chuỗi giá trị

Không chỉ riêng ở Hải Hà, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế, đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư xây dựng những nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất...

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích các HTX, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Qua việc đầu tư khoa học công nghệ, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra các thị trường lớn trong nước, như: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau, củ, quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều)...

Quảng Ninh dự kiến thúc đẩy nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Quảng Ninh dự kiến thúc đẩy nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng nông sản Quảng Ninh ngày càng được nâng cao và có vị trí ổn định trên thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, bám sát xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang có những bước chuyển tích cực về ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng số hóa trong sản xuất, tiêu thụ.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho trên 150 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn.

Đồng thời, qua các trang điện tử, Sở NN&PTNT đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh tới các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử.

Điểm tựa từ chính sách

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, kết quả sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả thế mạnh các vùng miền trong tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại.

Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 (UBND tỉnh ban hành ngày 10/1/2022) đặt ra mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ ứng dụng công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững, gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Để thực hiện hiệu quả, tỉnh đã quan tâm và dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe người nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhung-mo-hinh-tien-ty-lam-giau-cho-nong-dan-apos-dat-mo-apos-1095884.html