Những 'mõ làng' thời đại dịch
Từ khi trời mờ sương sớm cho đến lúc lên đèn, trong mỗi đường làng, ngõ, xóm, đến các khu tập thể đông đúc dân cư, những chỉ thị, quy định, thông tin diễn biến về dịch Covid-19 vẫn đến được với người dân nhờ những chiếc loa kéo tay, loa chở trên xe máy của các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng. Nhiều người trìu mến gọi họ là 'mõ làng' thời đại dịch - cánh tay nối dài của cấp chính quyền cơ sở, giúp truyền đạt có hiệu quả chủ trương, chính sách, quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (bên phải) cùng cán bộ Chi hội phụ nữ số 4 phường Láng Thượng (quận Đống Đa) sử dụng loa lưu động tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Mưa dầm thấm lâu”
Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, những chiếc loa kéo tay đã phát huy tác dụng hơn bao giờ hết trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Nhớ lại những năm tháng chiến tranh với câu phát thanh "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…" đã ăn sâu trong tâm trí, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 phường Thành Công (quận Ba Đình) Nguyễn Văn Thắng muốn phát huy sức mạnh của loa phát thanh trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19 hiện nay. Trong suốt 4 đợt cao điểm dịch, chiếc loa đã theo ông đến mọi ngõ, ngách của khu dân cư. Từ 3 sân chơi tập thể Bưu điện ở ngách 5, 8, 23 ngõ 5 phố Láng Hạ đến khu vực số 371-391 phố La Thành, nơi loa phường không "với tới", chiếc loa kéo tay của ông Thắng trở nên đặc biệt hữu dụng.
Đều đặn mỗi ngày, ông Thắng kéo loa nhắc nhở người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, chủ hàng quán nào có biểu hiện mở cửa là ông nghiêm khắc yêu cầu dừng hoạt động.
“Mưa dầm thấm lâu”, người dân không chỉ nghe thông tin về phòng, chống dịch bệnh mà còn tích cực cung cấp thông tin cho ông Thắng. Như có trường hợp chị Nguyễn Thu H, sau khi biết gia đình có người liên quan đến ca bệnh F0 ở Bệnh viện Phổi Hà Nội, đã gọi điện cho ông Thắng hỏi về các quy định xét nghiệm, cách ly tại nhà và cách phòng bệnh...
Nhận xét về người tổ trưởng tổ dân phố năng nổ, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công Đặng Thị Hồng cho biết, từ nhiều tháng nay, ông Thắng chia làm hai cung giờ, từ 6h30 đến 10h30 sáng và từ 16h đến 20h tối, kéo loa đến từng khu vực phát thanh với thời lượng mỗi nơi 1 giờ đồng hồ để người dân nắm tình hình dịch bệnh. Tự bao giờ, ông Thắng như một "tổng đài" giải đáp mọi thắc mắc, băn khoăn về quy định phòng dịch bệnh của người dân địa phương.
Khác với nội thành, ở ngoại thành, tiếng loa phát thanh có phần quen thuộc hơn. Thông tin từ loa kéo tay đã nhận được sự trông đợi mỗi ngày của không ít người dân. Nhìn đồng hồ đã 17h, ông Trần Văn Thức - Công an viên xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), thành viên tổ Covid-19 cộng đồng thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông rời trụ sở, về nhà mang chiếc loa ra kiểm tra, gặp gỡ, trao đổi với các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch trong ngày, rồi cùng nhau vừa đi đường, vừa đọc loa để người dân nghe.
Ông Thức cho biết, đợt dịch Covid-19 thứ tư kéo dài bao nhiêu ngày cũng là từng ấy thời gian ông và các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng phát huy triệt để tác dụng của loa kéo. Cứ buổi sáng hoặc chiều muộn hằng ngày, tổ lại chia nhau thành nhóm 3-4 người đi dọc các tuyến đường khu dân cư, chợ dân sinh, sân chơi ở các thôn... để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch. Nếu thấy có nhiều người tụ tập, thành viên trong tổ đến nhắc nhở phải giãn cách, ai về nhà nấy, hoặc khi ra đường phải đeo khẩu trang...
Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân ở thôn Đại Sơn chia sẻ, ông Trần Văn Thức không ngại việc công, bỏ lại việc nhà cho người thân để lo việc làng, việc xã. “Tinh thần vì cộng đồng của những người như ông Thức ngày càng lan tỏa, nên người dân chúng tôi giờ đây luôn nhắc nhở nhau tự giác tuân thủ nghiêm quy định về phòng dịch, chung sức cùng địa phương, thành phố đẩy lùi dịch bệnh”, ông Hải cho hay.
Những nữ tuyên truyền viên tích cực
Mới hơn 6h sáng, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chi hội phụ nữ số 4 phường Láng Thượng (quận Đống Đa) đã lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà. Tiếng loa truyền thanh rộn rã theo những vòng quay bánh xe, đi vào từng ngõ ngách. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, bà Bình là “phát thanh viên” tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bằng loa kéo. Trong khoảng thời gian 6h-9h và 15h-18h mỗi ngày, bà Bình mang tin tức cập nhật mới “phủ sóng” khắp các tổ dân phố. Đáng nói, theo Chủ tịch UBND phường Láng Thượng Phạm Thị Hồng Hải, thời điểm Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tại điểm “nóng” hồ Láng Thượng, nơi có Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tập trung đông người ngồi ở quanh hồ nên công tác phòng dịch rất phức tạp. Một mặt loa kéo vẫn phát thông tin tuyên truyền, một mặt bà Bình nhắc nhở từng người đeo khẩu trang và tuân thủ thông điệp "5K". Đặc biệt, khi thành phố có Chỉ thị số 17/CT-UBND, một số người vẫn lén lút tập thể dục tại hồ Láng Thượng, bà Bình đã nghiêm túc nhắc nhở, yêu cầu người dân ra về.
Bà Bình tâm sự, một số người tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí còn mắng lại. Nhưng không lấy đó làm điều phiền muộn, bà kiên trì thuyết phục, tuyên truyền tác hại của việc không thực hiện giãn cách sẽ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Cảm nhận được sự chân tình của bà, nhiều người dân đã ra về. Niềm vui của bà Bình như được nhân lên khi thành phố chưa thực hiện giãn cách, có những lần chứng kiến hình ảnh một số người lớn tuổi lặng lẽ đứng đợi để nghe tiếng loa; nhiều người còn cẩn thận hỏi lại từng nội dung chưa nắm rõ.
Cũng như bà Bình, nhiều tháng nay, các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng ở xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) miệt mài với công tác tuyên truyền phòng dịch. Chị Mai Thị Phương, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng thôn 3 chia sẻ, hằng ngày, chị và các thành viên tuyên truyền về phòng, chống dịch ở các khu dân cư và chợ dân sinh, từ 6h đến 7h sáng và 17h đến 18h chiều. Chỉ vào chiếc xe máy và bộ loa, ắc quy treo trên xe, chị Phương cười vui: “Người bạn" này đã đồng hành với chúng tôi nhiều ngày tháng qua trên khắp nẻo đường, từ trục đường chính đến len lỏi trong các khu dân cư, sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ dân sinh. Nhờ thu âm sẵn, chúng tôi không phải dùng loa tay, đọc văn bản đến khản giọng nữa".
Đánh giá cao vai trò của các tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống dịch trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận tin tưởng, các tổ Covid-19 cộng đồng là cánh tay đắc lực, là lực lượng tại chỗ, chủ công trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng rà soát, truy vết, khoanh vùng và dập dịch.
Tuyên truyền phòng, chống dịch bằng loa kéo tay hay phát loa thu âm sẵn đã phát huy tác dụng thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở. Nêu cao trách nhiệm với cộng đồng, những “mõ làng” vẫn ngày ngày miệt mài, rong ruổi khắp làng, xóm, khu dân cư của Thủ đô, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1007501/nhung-mo-lang-thoi-dai-dich