Những mốc chính trong xung đột ở miền Đông Ukraine
Bắt đầu từ năm 2014 với làn sóng người dân ở khu vực Donetsk và Lugansk của Ukraine từ chối công nhận chính phủ mới lên nắm quyền ở Kiev sau cuộc đảo chính Euromaiden, xung đột ở Donbass (miền Đông Ukraine) đã leo thang nghiêm trọng trong tháng 2/2022.
Khu vực Donbass của Ukraine trong những ngày qua là nơi chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang, với nguyên nhân gốc rễ từ cuộc đảo chính Euromaidan ở Kiev.
Ngày 21/2/2022, Nga công nhận độc lập của các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Tháng 4/2014
Trong khi chính phủ mới ở Ukraine nhanh chóng được các nước phương Tây công nhận, nhiều người dân ở khu vực Donetsk và Lugansk lại không muốn làm điều tương tự.
Căng thẳng với chính quyền ở Kiev đã dẫn tới việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
Tháng 5/2014
Trong bối cảnh các cuộc đụng độ nổ ra giữa những người ủng hộ DPR và LPR với lực lượng chính phủ Ukraine, 2 nước cộng hòa tự xưng đã tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết vào ngày 11/5/2014 và tuyên bố độc lập một ngày sau đó.
Sau động thái của DPR và LPR, Kiev đã triển khai lực lược vũ trang bổ sung với lý do thực hiện “Chiến dịch chống khủng bố” nhằm ngăn chặn các nỗ lực ly khai của Donetsk và Lugansk, đồng thời bắt đầu sử dụng vũ khí hạng nặng và máy bay quân sự trong cuộc xung đột leo thang nhanh chóng.
Tháng 9/2014
Các nỗ lực của Kiev nhằm dẹp tan lực lượng dân quân DPR và LPR thông qua vũ lực được chứng minh là thất bại. Mặc dù được đánh giá yếu thế hơn về số lượng cũng như trang bị, các lực lượng DPR và LPR đã kháng cự quyết liệt trước các lực lượng quân sự và bán quân sự của Ukraine.
Thỏa thuận Minsk, được nhóm tiếp xúc 3 bên về Ukraine (gồm Ukraine, Nga và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu) và những người đứng đầu DPR và LPR, ký tại thủ đô Belarus nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận không ngăn được các cuộc giao tranh trong khu vực.
Tháng 2/2015
Sau nhiều tuần giao tranh, một lệnh ngừng bắn toàn diện và thỏa thuận hòa bình được ký tại Minsk giữa Ukraine và 3 nước bảo trợ gồm Nga, Đức và Pháp. Thỏa thuận thường được gọi là Thỏa thuận Minsk II, đã chấm dứt các cuộc giao tranh ở Donbass, nhưng lại không giải quyết được các bất đồng giữa các bên, do đó cuộc xung đột chỉ “bị đóng băng”.
Hiện nay, Kiev đã từ chối thực hiện nghĩa vụ chính trị trong thỏa thuận và đề xuất cải cách hiến pháp nhằm trao quyền tự trị lớn hơn cho các nước cộng hòa tự xưng để 2 khu vực này trở lại quyền tài phán của Ukraine.
Xuyên suốt cuộc xung đột, chính phủ Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Nga hỗ trợ quân sự cho các lực lượng dân quân DPR và LPR, thậm chí tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Nga bác bỏ các cáo buộc này và Kiev cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Dù vậy, Nga chưa bao giờ che đậy việc hỗ trợ nhân đạo cho DPR và LPR, khu vực mà trước đây Nga coi là một phần của Ukraine, chứ không phải là các thực thể độc lập.
Tình hình hiện nay
Trước các diễn biến leo thang gần đây, ổn định ở Donbass khá mong manh, vẫn có các cuộc tấn công nhỏ giữa các bên và thông tin nã pháo trở thành sự kiện thường xuyên.
Tuy nhiên, ngày 17/2/2022, phía 2 nước cộng hòa tự xưng ở Donbass cho rằng các lực lượng Ukraine đã gia tăng các cuộc nã pháo vào DPR và LPR, đánh trúng các mục tiêu dân sự, khiến giới chức địa phương phải thực hiện cuộc sơ tán quy mô lớn, đưa phụ nữ và trẻ em tới Nga, trong khi nam giới (18-55 tuổi) được kêu gọi ở lại để cầm vũ khí chiến đấu.
Kiev bị cáo buộc đã sử dụng các đặc vụ tuyển mộ bên trong các nước cộng hòa tự xưng để tạo điều kiện cho các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực.
Trong bối cảnh tình hình khu vực tiếp tục xấu đi, giới chức ở DPR và LPR đã chính thức đề nghị Nga công nhận độc lập và Nga đã đáp lại đề nghị của 2 nước cộng hòa này./.