Những món đặc sản Nghệ An không thể bỏ lỡ
Nếu có dịp ghé thăm bãi biển Cửa Lò hay về Nam Đàn ghé thăm quê Bác, đừng quên thưởng thức những món đặc sản xứ Nghệ dưới đây.
1. Cam xã Đoài
Cam Xã Đoài là một đặc sản của xã Nghi Diên, còn có tên nôm là xã Đoài, thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hương vị thơm ngon của cam Đoài gây nức lòng người thưởng thức đến nỗi nó đã trở thành một hình ảnh ngọt ngào của thơ ca.
Cam xã Đoài trở thành một đặc sản bởi hơn hết nó có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Khi trồng, người dân nơi đây phải lựa kỹ giống, cây giống được chọn lọc sạch, không sâu bệnh.
Nếu một lần đặt chân đến đây vào dịp tết Nguyên Đán, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một thứ sắc màu tươi mới, trùng điệp bởi quả, bởi lá. Hương cam bay lan tỏa ra xung quanh, nửa như mời gọi nửa muốn níu chân người lữ khách.
2. Nhút Thanh Chương
Có lẽ, mít xanh là thứ quả gắn với tuổi thơ rong ruổi của rất nhiều người. Những quả mít non được hái xuống, rồi đem luộc, chấm với muối ớt, mặn chát, nghẹn trong cổ họng mà bao đứa trẻ vẫn khao khát và thích thú.
Còn với người Thanh Chương xứ Nghệ, việc chế biến mít xanh thành món ăn như dưa muối lại là nghệ thuật vô cùng độc đáo. Món ăn làm từ mít xanh đó được gọi là nhút. Nhiều người còn coi nhút chính là một loại "kim chi" của xứ Nghệ này.
Để làm nhút, người ta lựa những quả mít xanh, loại ương ương càng ngon rồi gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa sau đó bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Muối được cho vào, trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra.
Cuối cùng mít được cho vào vại sành khỏa đều trên bề mặt, đặc một chiếc vỉ lên trên, chèn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày là dùng được.
Hàng ngày trong mỗi bữa cơm, người ta lấy ra bát nhút, hương vị chua chua giòn giòn, ăn thật thích thú. Nhút ăn với cơm rất hợp, chỉ cần chút nước mắm làm nước chấm là đủ.
3. Lươn Vinh
Lươn vốn là loại thủy sản nước ngọt có ở hầu hết đồng ruộng trên đất nước Việt Nam. Nhưng dưới bàn tay khéo léo cùng văn hóa ẩm thực đặc trưng của những người con xứ Nghệ, các món ngon từ lươn lần lượt ra đời và dần trở thành đặc sản, tinh hoa của mảnh đất này.
Sau khi sơ chế xong, người ta chế biến lần lượt thành những món ăn mà món nào món nấy đều hút hồn thực khách đến nỗi phải quay lại quán biết bao nhiêu lần. Chẳng hạn như lươn om (om chuối, om lá ngải cứu, om rau ngổ, om lá lốt, om nồi đất...), cháo lươn, lươn nướng, súp lươn... Lươn nướng than hoa là một trong những món ăn được đặc biệt ưa chuông. Mùi thơm của lươn nướng bay tỏa trong không trung khiến chẳng ai có thể cầm lòng được.
Súp lươn cũng là món hấp dẫn không kém. Bát súp có lượng nước trong, ngọt, thơm, những miếng thịt lươn chín còn nguyên dạng, không nhũn nát, thấm vị và dậy lên hương đặc trưng của lươn quê. Hành lá, rau răm còn nguyên sắc xanh tươi thắm được cắt nhỏ, thả bồng bềnh trên mặt nước nóng hổi điểm nhẹ những giọt ớt đỏ. Hơi bay lên kéo theo mùi hương thơm, cay, nồng khiến chưa ăn miệng đã thấy thèm.
4. Bánh mướt
Thoạt nhìn, bánh mướt có vẻ giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng nó lại có hương vị thơm ngon rất riêng.
Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh được làm vào những buổi sáng sớm tinh mơ. Người làm bánh phải thức dậy từ khi 2 - 3 giờ sáng để nổi nửa tráng bánh thì mới kịp bán cho khách.
Khi thưởng thức, chỉ cần chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát mỏng thế là có thể ăn đến no.
Dẫu rằng chiếc bánh mướt theo thời gian đã được người ta cách điệu đi đôi phần như dùng máy để xay bột, dùng thịt heo, mộc nhĩ để làm thêm nhân... nhưng bánh mướt vẫn còn giữ được hồn quê dân dã đến kỳ lạ!
5. Bánh bèo Vinh
Nếu như bánh bèo Huế được làm từ bột gạo thì bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ thì mới có thể có một mẻ bánh ngon. Để bánh trông đẹp hơn, người bán hàng thường nặn bánh cho giống cánh bèo.
Những con tôm làm nhân bánh không cần to quá nhưng phải được làm sạch chân, râu rồi phi thơm cùng hành mỡ. Được biết, tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị và khi ăn thì mới thấy thơm, thấy bùi.
Đĩa bánh bèo thường phải cho thêm hành khô và một ít rau mùi thì mới hoàn chỉnh. Với những ai thích ăn cay thì có thể cho thêm tương ớt chưng. Bỏ miếng bánh bèo vào miệng sẽ thấy được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô. Món bánh bèo Vình mới chỉ xuất hiện cách đây hơn chục năm nhưng nó đã trở thành một món ăn ngon, nổi tiếng của mảnh đất này.
6. Mực nháy nướng Cửa Lò
Món mực nháy nướng (“Mực nháy” có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi này dùng để chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên khỏi nước biển còn nguyên độ tươi và được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ khi còn tươi nguyên) ở Cửa Lò từ lâu đã hấp dẫn du khách khi đến xứ biển.
Mực ở đây tươi ngon, khi mới câu lên có màu trắng trong. Sau khi sơ chế, người ta cho những con mực tươi mới ấy lên bếp than hoa rực hồng rồi nướng.
Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã từng công bố 10 đặc sản hải sản Việt Nam trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần thứ 1/2012 trong đó có mực nháy.
7. Cháo nghêu Cửa Lò
Nghêu được luộc lên, lấy nước nấu cháo, ruột nghêu được rán lên với các loại gia vị. Khi cháo chín trộn nghêu với cháo rồi đổ vào bát đã bỏ sẵn rau thơm. Ăn vào đến đâu cảm giác ngọt mát lan đến đó. Cháo nghêu cung cấp nhiều chất đạm, tăng thêm sinh lực cho cơ thể, là món ăn đêm được nhiều du khách ưa thích.
8. Bánh ngào
Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên.