Những mong muốn của ngành Công Thương phía Nam gửi gắm tới Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I

Trước thời điểm Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiều lãnh đạo sở, ngành phía Nam kỳ vọng Đảng bộ Bộ sẽ dẫn dắt ngành vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Nhiệm kỳ đầy dấu ấn của ngành Công Thương phía Nam

Bám sát các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo nhất quán của Đảng ủy Bộ Công Thương, kinh tế Nam Bộ đã có nhiều thành tựu nhất định trong giai đoạn 2021 - 2025, vẽ nên bức họa tăng trưởng đồng bộ trên nhiều trụ cột then chốt, từ công nghiệp, thương mại cho tới xuất nhập khẩu. Thành tựu ấy kết tinh từ sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công Thương.

Về xây dựng thể chế và chính sách, giai đoạn 2021 - 2025 chứng kiến Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, trình ban hành nhiều đạo luật trọng yếu, tiêu biểu như Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực (sửa đổi)... cùng 51 nghị định và hàng loạt chiến lược, quy hoạch mấu chốt về năng lượng, khoáng sản...

Cảng Cát Lái - một trong những cảng nổi bật trong hệ thống cảng biển phía Nam. Ảnh: Nguyễn Trang

Cảng Cát Lái - một trong những cảng nổi bật trong hệ thống cảng biển phía Nam. Ảnh: Nguyễn Trang

Chính nền tảng pháp lý ấy đã mở đường để các địa phương cả nước, trong đó có khu vực phía Nam đồng loạt triển khai giải pháp kích cầu tiêu dùng, kết nối cung - cầu, bình ổn giá cả; tăng sức mua của thị trường phía Nam, giúp khu vực này phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn đầy khó khăn, thách thức.

Song song với đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP… đã khai mở cánh cửa thị trường, giúp doanh nghiệp Nam Bộ đa dạng hóa đầu ra, nâng tầm chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu Việt vươn cao trên trường ngoại thương, dẫu giữa cơn nhiễu động kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, dấu ấn điều hành quyết liệt và sâu sát của tập thể lãnh đạo Bộ Công Thương luôn hiện diện rõ nét trong từng lĩnh vực quản lý. Bộ không chỉ giữ vai trò tham mưu "kiến tạo chính sách" mà còn đồng hành chặt chẽ cùng doanh nghiệp để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng.

Đơn cử trong ngành xuất khẩu gạo, Bộ đã chủ động tham mưu Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030, đồng thời hoàn thiện kịp thời hành lang pháp lý với việc ban hành Nghị định 01/2025 thay thế Nghị định 107/2018; chủ động ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ và đang xúc tiến Hiệp định Thương mại gạo với nhiều thị trường giàu tiềm năng.

Đáng chú ý, ngay sau chuyến công du của Thủ tướng tại Hội nghị BRICS mới đây, Bộ Công Thương đã lập tức gửi công hàm kèm dự thảo thỏa thuận tới năm đối tác tiềm năng là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Brazil, nhằm tăng cường hợp tác thương mại gạo, vừa củng cố, vừa khai mở thêm thị trường tiêu thụ mới cho một trong những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Mặt khác, với địa phương, Bộ Công Thương đã đồng hành, hiến kế giúp họ phát triển toàn diện dựa trên việc tư vấn chính sách phù hợp với tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh, thành. Điển hình với khu vực Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần sớm hình thành quỹ đất sạch, tăng tốc xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, bồi đắp các cụm liên kết ngành và khu chuyên biệt; đồng thời phát huy tối đa lợi thế khai thác, lọc - hóa dầu và tiềm năng năng lượng tái tạo, vừa phục vụ nhu cầu quốc nội, vừa mở rộng kênh xuất khẩu nặng ký.

Hơn thế, vùng đất mang vị thế "ngã năm giao thông" - hội tụ đủ năm phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, hàng hải), được giao trọng trách kiến tạo các trung tâm logistics hiện đại kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, chuỗi cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây. Hạ tầng ấy, một khi hoàn tất, chắc chắn sẽ khơi thông mạch chảy hàng hóa, kích hoạt giao thương nội địa - quốc tế, biến Đông Nam Bộ trở thành "đầu mối kim cương" trên tuyến vận tải khu vực.

Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu tiên quyết để phát triển ngành công nghiệp phía Nam, bao gồm: Ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao - AI, sản xuất chip bán dẫn, robot, năng lượng tái tạo, vật liệu mới – và công nghiệp hỗ trợ, song song với cơ chế khuyến khích nhưng cũng ràng buộc doanh nghiệp FDI tăng cường liên kết, chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp Việt.

Mục tiêu là để doanh nghiệp nội địa có thêm "đòn bẩy" làm chủ công nghệ hiện đại, củng cố năng lực cạnh tranh, tự chủ và sức bền trước những cơn sóng quật của thị trường toàn cầu.

Hun đúc khát vọng bứt phá nhiệm kỳ mới

Bước sang nhiệm kỳ mới, các lãnh đạo ngành Công Thương địa phương phía Nam kỳ vọng sẽ có thêm 1 nhiệm kỳ thắng lợi, đột phá, hoàn thành các mục tiêu đặt ra và tiếp tục đưa khu vực thành điểm sáng đóng góp trong sự phát triển của đất nước.

Ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, Đồng Nai hiện là trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước, với hơn 1.500 dự án FDI và nhiều khu công nghiệp lớn đang hoạt động. Trong bối cảnh toàn ngành bước vào giai đoạn tái cấu trúc chuỗi sản xuất, chuyển đổi xanh và tăng tốc thương mại số, sự đồng hành và vai trò điều phối chính sách của Bộ Công Thương càng trở nên quan trọng hơn cả.

Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tiến Phòng

Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Tiến Phòng

Tại Đồng Nai, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu công nghiệp trọng điểm với mô hình hạ tầng xử lý nước thải tập trung, năng lượng mặt trời mái nhà và các tiêu chuẩn môi trường khắt khe; định hướng là không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà chuyển sang chọn lọc kỹ lưỡng ngành nghề, đối tác, công nghệ. Cùng lúc, tỉnh cũng đang phối hợp Bộ Công Thương thí điểm xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ liên kết, theo hướng hình thành chuỗi cung ứng nội địa trong lĩnh vực cơ khí - chế tạo - linh kiện điện tử.

Thêm vào đó, thương mại nông sản chế biến sâu và kết nối xuất khẩu cũng là một mũi nhọn mới của Đồng Nai. Vẫn theo ông Long, Sở Công Thương đang mở rộng mạng lưới logistics lạnh, truy xuất nguồn gốc và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài.

"Chúng tôi kỳ vọng Bộ tiếp tục giữ vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Để làm được điều đó, địa phương mong muốn Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ ngành khác, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai, năng lượng và logistics liên vùng”, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ khẳng định, với vai trò là trung tâm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố đã xác định không thể phát triển nếu đứng một mình, ngành Công Thương địa phương sẵn sàng kết nối toàn vùng, đúng định hướng phát triển vùng mà Trung ương đã chỉ đạo.

Với lợi thế về giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không, Cần Thơ đang từng bước trở thành trung tâm logistics quan trọng, là đầu mối giao thương, xuất nhập khẩu và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản của vùng.

Trong lĩnh vực công thương, TP. Cần Thơ đang triển khai các cụm công nghiệp mới tại Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền…, với định hướng là cụm công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Về thương mại, Sở đang xúc tiến xây dựng Trung tâm Hội chợ, Triển lãm Công Thương vùng tại Cần Thơ để trở thành nơi kết nối hàng hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại liên vùng, đặc biệt là với Campuchia, Thái Lan qua tuyến hành lang kinh tế phía Nam.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ.

Song song đó, thành phố đang làm việc với các tập đoàn logistics lớn để đặt trung tâm phân phối cấp vùng tại Cần Thơ. Với cảng Trần Đề, Cái Cui, sân bay Trà Nóc và các tuyến cao tốc đã nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đây là cơ hội lịch sử để Cần Thơ trở thành trung tâm logistics và thương mại số khu vực Tây Nam Bộ.

“Với sự phối hợp của Bộ Công Thương, Cần Thơ mong muốn không chỉ là trung tâm của vùng mà sẽ đóng vai trò điều phối hệ thống thương mại - công nghiệp - logistics xuyên suốt khu vực phía Tây Nam Bộ. Mô hình 'chính quyền đô thị - chính quyền số - công thương vùng'" sẽ là tam giác phát triển trong thập kỷ tới”, ông Sơn nhấn mạnh.

Các Sở Công Thương địa phương kỳ vọng Đảng bộ Bộ Công Thương tiếp tục lãnh đạo ngành Công Thương giữ vai trò trụ cột trong việc tham mưu, xây dựng hoàn thiện khung chính sách mang tính dẫn dắt dài hạn, tạo dư địa cho địa phương chủ động triển khai mô hình phát triển phù hợp với từng vùng miền. Đặc biệt, với bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp xanh, kinh tế số và thương mại đa phương, các sở mong muốn Bộ tiếp tục là đầu mối điều phối liên ngành để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy hoạch ngành, định mức đầu tư và quản trị vùng.

Hồng Quang - Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-mong-muon-cua-nganh-cong-thuong-phia-nam-gui-gam-toi-dai-hoi-dang-bo-bo-cong-thuong-lan-thu-i-410510.html