Những mùa cơm lúa mới

Trở về quê, men theo con đường dẫn về làng chạy giữa hai bên là cánh đồng lúa bạt ngàn đang chuẩn bị vào vụ gặt, nhìn những bông lúa đang chín vàng, trong tôi lại nôn nao nhớ về biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời ấu thơ lam lũ...

Trở về quê, men theo con đường dẫn về làng chạy giữa hai bên là cánh đồng lúa bạt ngàn đang chuẩn bị vào vụ gặt, nhìn những bông lúa đang chín vàng, trong tôi lại nôn nao nhớ về biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời ấu thơ lam lũ...

Bát cơm lúa mới.

Bát cơm lúa mới.

Vâng, cũng giống như bao gia đình khác ở làng, gia đình tôi ngày ấy rất nghèo túng, nên cái ăn, cái mặc luôn thiếu trước hụt sau, mặc dù cha mẹ tôi luôn chăm chỉ làm lụng, bán buôn. Cả nhà với 7 miệng ăn chỉ trông vào nguồn nông sản thu nhập từ mấy sào ruộng khoán của họp tác xã, vì vậy mà mẹ cha luôn tằn tiện, co kéo hết mức mới mong "kéo" gia đình vượt qua thời khón khó. Chính vì thường xuyên đói, thường xuyên thèm thuồng một bữa ăn cơm trắng thật no nê, vì quanh năm phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, nên 5 anh chị em chúng tôi luôn chỉ trông ngóng mùa gặt về để được ăn cơm mới thật no nê.

Tôi còn nhớ mỗi khi mùa gặt tới cha mẹ tôi thường "phá lệ" khi cho các con ăn cơm trắng thoải mái mà không phải ăn cơm độn như những ngày thường. Dẫu nhà tôi thu cả vụ cũng không được quá nhiều thóc lúa, mà thóc lúa còn phải mang một phần bán để lấy tiền đóng thuế, tiền chi trả cho cày bừa, phân bón, giống má..., nhưng mẹ cha tôi luôn tạm quên đi những ngày sẽ thiếu đói vất vả ở phía trước để cho các con được ăn no nê cơm trắng. Mẹ luôn bảo cha thế này: "Thôi bữa nay vào mùa gặt rồi, nhà mình không ăn độn nữa, cho các con nó ăn cơm trắng, khi nào mùa gặt xong rồi tính sau...". Hay mỗi khi tôi hoặc anh, chị tôi đến phiên nấu cơm, mẹ cũng luôn nhắc: "Mùa gặt nhà mình nhiều thóc lúa rồi nên các con cứ lấy gạo nấu cơm ăn cho thoái mái, không phải tiết kiệm đâu...".

Nhớ về những mùa gặt- mùa cơm gạo mới, ngoài việc được ăn cơm trắng no nê, mấy anh chị em chúng tôi còn luôn không thể quên được những bữa ăn luôn cực kỳ tươm tất hơn rất nhiều so với ngày thường. Đúng vậy, nếu ngày thường có khi cả tháng chẳng có được lấy một bữa thịt, mà chỉ quẩn quanh trong mâm cơm chỉ là dưa, cà, mắm, muối; hoặc khá hơn khi hôm nào mẹ đi chợ phiên bên làng mới có thêm món tép rang khế, chút tóp mỡ chưng cà chua..., thì trong khoảng hơn chục hôm của mùa gặt, bao giờ cha mẹ tôi cũng luôn chu toàn lo mua sắm chút đồ ăn gọi là có chất tươi bồi dưỡng cho cả nhà. Cha mẹ tôi rất tâm lý, khi biết các con đều vất vả, cực nhọc trong mùa gặt, với bao nhiêu là việc phải làm, nên trong bữa ăn mùa gặt luôn hôm thì có cá, lúc thì thịt, khi lại có món trứng chiên... Đó còn chưa kể, những hôm gặt xong thửa ruộng, còn sớm nên mẹ thường tranh thủ bắt mớ cua đồng mang về chế biến kèm với canh rau tập tàng hái trong vườn, thì hôm đó cả nhà được cải thiện món canh đồng quê dân dã nhưng vô cùng ngon.

Mùa gặt luôn không bao giờ phải ăn cơm độn, lại thường được ăn ngon như vậy nên trẻ con không thích thú, không mong mỏi, nhớ nhung mới là chuyện lạ (?!). Chẳng hiểu những đứa trẻ quê cùng trang lứa với tôi cảm nhận và lưu giữ những khoảnh khắc kỷ niệm về mùa gặt- mùa cơm mới như thế nào, nhưng với riêng tôi thì không bao giờ có thể quên được, thậm chí là những kỷ niệm luôn hằn sâu, tái hiện mỗi lần tôi trở về quê và đi ngang cánh đồng lúa.

Nguyễn Thị Loan

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_224247_nhung-mua-com-lua-moi.aspx