Những mùa gió Uông Thái Biểu

Một số tác phẩm của Uông Thái Biểu. Ảnh: Đ.Đ.TUẤN

Chắc không là ngẫu nhiên, tựa sách đầu tiên và mới nhất của Uông Thái Biểu có “gió” (Tập thơ Gió đồng - 2001; tập tùy bút và tản văn Gió thổi từ miền ký ức - 2019). Tôi cũng nhận ra mùi gió ở hai cuốn khác của anh (tập thơ Nhớ núi - 2017; tập bút ký và đối thoại Mùa lữ hành - 2010).

1. Ngày chúng tôi biết nhau ở Đà Lạt, Uông Thái Biểu là chàng trai gầy gò, chất chứa lãng mạn trong cuộc đi tìm chính mình. Để rồi bao nhiêu gắn bó khóc cười, Đà Lạt đã thấm đẫm tâm hồn chàng trai xứ Nghệ - Uông Thái Biểu. “Sương phủ lên rừng thông, ẩm ướt mái nhà ngái ngủ. Cái lạnh thì tái tê. Trước ly cà phê nóng mỗi sáng, chúng tôi đan tay vào trong bít tất len mà khớp xương buốt nhức. Thời đó, Đà Lạt chưa phải là vùng có nhiều dự án, chưa đào núi, ủi đồi, chặt cây, lấp hồ. Đà Lạt hồi đó nhiều xanh, bởi chưa bị bọc bởi nhà kính, nhà lưới. Đà Lạt hồi đó lưa thưa bởi công trình xây dựng chưa mọc lên điệp trùng như bây giờ. Đà Lạt hồi đó những cánh rừng nguyên sinh len cả vào nội ô, nơi nào cũng có cây và thảm cỏ…” (Gió thổi từ miền ký ức).

Ừ, “Đà Lạt hồi đó”, tôi nghĩ chỉ có người sống trọn với Miền đất lạnh mới đau đáu được những mất mát không dễ bù đắp này. Rồi từ Đà Lạt, Uông Thái Biểu lang bạt cả một kho tàng lịch sử văn hóa Nam Tây Nguyên đầy quyến rũ. Gắn với nghề báo, anh thêm dịp bôn ba khắp nẻo đường đất nước. Để rồi cái chất đất, chất người của mỗi vùng văn hóa đã hòa vào huyết mạch của bút lực Uông Thái Biểu. Theo anh tự sự, trong kho tàng mênh mông và thẳm sâu của dòng chảy văn hóa, người viết trải nghiệm, khám phá và khai thác. Mỗi một chuyến đi, mỗi một đề tài, mỗi một tác phẩm hiện lên là sự thể hiện rõ nét lao động, thể hiện tình yêu đất nước và trách nhiệm công dân. Niềm đam mê và khát khao sáng tạo, tính chân thực và sự hấp dẫn của mỗi tác phẩm, cũng từ đây nhen nhóm...

Thế nhưng tôi nhận thấy, niềm đam mê văn hóa Tây Nguyên vẫn chiếm phần cốt lõi trong những trang viết Uông Thái Biểu. Mấy mươi năm đi và viết trên vùng cao nguyên dưới đại ngàn Trường Sơn, anh đã từng ngày hòa mình với biết bao buôn làng. Những tên đất, tên xứ đặc trưng sơn cước; những ngọn núi vắng dấu chân người; những dòng sông xiết chảy; những cách rừng phồn sinh; những triền dốc đá cao leo mãi, leo mãi, hết cả đời người mà sức hút Tây Nguyên vẫn còn vẹn nguyên…

“Ngày buôn làng mở hội. Những bắp chân trần quấn quyện vào nhau, quấn quyện vào ánh lửa, dưới bóng thần linh nguyện cầu cho mùa màng tốt tươi. Ngày gái trai trao vòng cầu hôn, hai cặp chân trần quỳ bên nhau hẹn thề trăm năm cầm sắt trước thần Sông, thần Núi. Người mẹ ôm con trẻ sơ sinh nhúng đôi chân măng tơ vào dòng suối ven rừng trong ngày lễ đặt tên Nhu S’đăn cũng mong cho con lớn lên chân cứng đá mềm. Ngày Pơthi đưa hồn người đồng tộc về với cõi Yàng, những đôi chân trần lại quỳ bên nhau khóc tiễn. Người nằm xuống, rũ bỏ tất cả những mùa nhớ, tháng quên, chỉ mang theo đôi chân trần về miền xa thẳm” (Đôi chân trần). “Tây Nguyên, những tháng gió. Những cơn gió trở mình không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây. Những cơn gió không rít gầm như bão tố ở miền duyên hải. Gió thổi dài qua núi, qua đồi, qua sông, qua thác chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm. Những cơn gió hoang dại và phóng túng” (Mùa lữ hành).

2. Cảm hứng gió lịch sử - thiên nhiên luôn đa thanh, đa sắc dưới ngòi bút Uông Thái Biểu. Thế nhưng trước hết và sau cùng, anh vẫn là một thi sĩ với ngọn gió khắc khoải, lắng đọng một chiều kích riêng biệt. “Cơn gió đi hoang không kịp đợi mùa/khát tiếng gọi cha/như ngọn gió trổ cờ trắng phau đại hạn/Lá ngằn ngặt xanh, hoa triền miên tím/khát một chân trời ở miền xa lắm/bàn chân trần úp đất rộn ngày/trăng lưỡi liềm lạnh buốt những giêng hai” (Khát). “Quê hương tháng Mười, quê hương tháng Năm/Quê hương cháy và thét gầm gió bão/Ngõ vắng em về ánh trăng khuya chao đảo/Cơn sóng trong mơ gợi nhớ đến nao lòng” (Khúc hát từ nỗi nhớ).

Cảm hứng gió trải từng càng bùng lên thao thiết trong những dòng thơ, Uông Thái Biểu viết về tâm thế của một kẻ chân lấm tay bùn của quê hương bản quán. “Người ơi người đi về đâu/Ta nay về đồng/Đồng ta ngọn gió thênh thang/Câu hò ai ngân giọng buồn mênh mang/Ngọn cau Giêng hai úa lá trăng vàng” (Về đồng). “Không thể ép nhành cọ non gửi theo gió trời/Làm hạt mưa lâm thâm/Nửa lăn trên rừng nửa nhoài phía bể/Lá cơm nếp ủ mùi hương vú mẹ/Gió gập ghềnh/Vó ngựa trắng trung du” (Trung du).

Tôi biết, có một khoảng trời riêng cho thơ về Đà Lạt. Hay nói cách khác, thành phố này đã trở thành một biểu tượng, một thách thức thi ca. Mỗi thi sĩ một phác đồ tiếp cận, Đà Lạt vẫn chập chùng trong ký ức kẻ lãng du. Ăn ở thăng trầm cùng Đà Lạt, thi sĩ Uông Thái Biểu viết nhiều về cõi này là hợp lẽ. Thế nhưng giữa đường mưa gió mà có được một khoảng trời thông thì ít người làm được như Uông Thái Biểu. “Đà Lạt của tôi vó ngựa chiều mưa/Lóc cóc dội về quán trọ/Lữ khách dừng chân giữa đường mưa gió/Ngước nhìn một khoảng trời thông” (Ngẫu hứng phố).

Đó chính là dấu ấn Uông Thái Biểu với một Đà Lạt gần gụi mà khói sương, thực thà mà ảo ảnh. Mừng một đời chữ buồn vui Uông Thái Biểu, người của những mùa gió…

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/232179/nhung-mua-gio-uong-thai-bieu.html