Những năm tháng không quên (Kỳ 1)
BPO - Năm 2017, cuốn hồi ký “Những năm tháng không quên” của đồng chí Nguyễn Hữu Luật, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước do nhà báo Linh Tâm chắp bút được ấn hành. Cuốn hồi ký đã phác họa lại một chặng đường đấu tranh, phát triển của mảnh đất và con người Bình Phước; cũng đồng thời là sự tri ân của đồng chí Nguyễn Hữu Luật đối với những người từng kề vai sát cánh trong những ngày tháng gian khổ bắt tay dựng xây quê hương Bình Phước cho đến khi nghỉ hưu. Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn trong cuốn hồi ký này.
TRỞ VỀ BÌNH PHƯỚC
Khi có chủ trương tách Sông Bé làm hai tỉnh Bình Dương - Bình Phước và trong quá trình làm nhân sự, lúc đầu, tôi không có tên trong dự kiến đi Bình Phước. Những người có trách nhiệm như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Minh Triết; Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Đức; Thường trực Tỉnh ủy Hồ Minh Phương và đồng chí Bùi Thanh Phong lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sông Bé đều không có ý định để tôi đi Bình Phước, bởi các anh đều thông cảm cho hoàn cảnh cá nhân cũng như gia đình tôi. Họ thương tôi suốt 13 năm từ Tỉnh ủy Sông Bé về huyện Đồng Phú, về xã Phước Vĩnh lăn lộn với phong trào, nay mới về lại Tỉnh ủy công tác chưa được bao lâu, lại chưa có nhà, con còn nhỏ nên về Bình Phước sẽ gặp nhiều khó khăn. Lúc này, tôi được phân công cùng một số đồng chí trong tiểu ban nhân sự phục vụ việc tách tỉnh. Trong thâm tâm tôi chỉ lo cho bộ máy của 2 tỉnh, còn việc tôi đi hay ở thì không có nhiều thời gian để nghĩ ngợi.
Vào đêm trước khi thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhân sự, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đến xin gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Minh Triết (Sáu Phong) tại nhà riêng để trình bày nguyện vọng xin đi Bình Phước. Khi anh em ngồi đối diện nhau, anh Sáu Phong hỏi:
- Vợ chồng em tìm anh chắc có nguyện vọng gì à?
Tôi trình bày nguyện vọng được trở lại Bình Phước công tác với mấy lý do:
Thứ nhất, tôi tuy không sinh ra ở Bình Phước nhưng từ những năm 1960 của thế kỷ trước, tôi đã tham gia cách mạng và trưởng thành ở mảnh đất này. Mặt khác, khi còn là tỉnh Sông Bé, tôi đã công tác tại huyện Đồng Phú một thời gian dài, từng làm Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư Huyện ủy cho tới khi có yêu cầu trở lại Tỉnh ủy Sông Bé nên tôi về Bình Phước sẽ thuận lợi hơn và có điều kiện để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Thứ hai, tôi có quá trình công tác tại huyện Đồng Phú nhiều năm. Nay tỉnh Bình Phước tách ra, cơ quan của tỉnh đóng tại Đồng Xoài - Đồng Phú, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho bộ máy hành chính tỉnh hoạt động còn rất nhiều khó khăn, nếu anh em cán bộ và bà con thấy trong đoàn cán bộ trở về Bình Phước không có tôi, họ sẽ nghĩ là lúc khó khăn cần có mặt thì tôi lại ở lại nơi ổn định, thuận lợi cho riêng mình mà không động lòng lo cho việc chung.
Thứ ba, cho đến lúc này, gia đình tôi vẫn chưa có nhà thì việc tôi về Bình Phước hay ở lại Bình Dương cũng chẳng khác nhau.
Nghe tôi trình bày nguyện vọng, anh Sáu Phong ân cần chia sẻ:
- Thường trực Tỉnh ủy có ý định giữ em lại Bình Dương. Vẫn biết em đã có thời gian dài công tác tại Bình Phước nên có nhiều mối quan hệ và am hiểu tình hình địa phương. Nhưng để em đi sẽ rất khó khăn không chỉ cho bản thân mà với cả gia đình, bởi em đã phải xa gia đình 13 năm rồi và vẫn chưa có nhà cửa ổn định, giờ lại đi xa thì thiệt thòi cho em và gia đình em quá!
Tôi vội trả lời:
- Dạ, đằng nào em cũng chưa có nhà cửa ổn định. Giờ Tỉnh ủy phân công em về Bình Phước, chỉ cần trả lại căn phòng tập thể, đem cả vợ con lên Bình Phước là xong. Dù khó, nhưng gia đình về một mối để vợ chồng có điều kiện lo cho công việc chung và việc gia đình vẫn hơn anh ạ!
Nghe tôi trình bày, anh Sáu Phong góp ý:
- Em nên đi một mình, về trển yên tâm lo việc chung. Nếu đưa vợ con theo thì cùng lúc phải lo nhiều việc, sẽ vất vả và ảnh hưởng đến công việc.
Suy nghĩ một lúc, anh Sáu Phong nói:
- Anh sẽ bàn với Ban Thường vụ việc em về Bình Phước.
Vợ chồng tôi chào anh Sáu Phong ra về mà lòng thanh thản, nhẹ nhõm. Biết rằng trở lại Bình Phước sẽ có nhiều cái khó nhưng vẫn rất vui, nhất là được anh Sáu Phong tâm sự, chia sẻ, phân tích tình hình và động viên như một người anh cả trong gia đình động viên em út vượt qua trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn và cũng là tạo tiền đề cho những bước trưởng thành sau này.
Khi chuẩn bị bộ máy cho 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, tôi được Tỉnh ủy Sông Bé cử ra Hà Nội để tập huấn công tác đảng 1 tuần. Đến trưa ngày thứ năm, đang ăn cơm, tôi nhận điện thoại của đồng chí Hương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho biết, chiều nay đến Văn phòng Trung ương Đảng gặp các anh trong Bộ Chính trị để trao đổi công việc. Trưa hôm đó, tôi không ngủ được, vì chưa bao giờ được đến Văn phòng Trung ương Đảng và cũng không biết các anh trong Bộ Chính trị gặp để làm gì.
5 giờ chiều, xe của Văn phòng Trung ương Đảng đến đón tôi. Người dẫn đường đưa tôi vào phòng lễ tân. Ở đó đã có các anh: Phạm Diễn, Chánh văn phòng Trung ương Đảng; chú Võ Văn Kiệt lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; anh Hương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương và một số đồng chí khác. Anh Hương nói:
- Nhân sự của 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bộ Chính trị đã thống nhất và quyết định xong hồi sáng. Chiều nay, các anh muốn gặp em. Tập huấn xong thì yên tâm về Bình Phước công tác cùng các anh Năm Phong, Ba Thống nhé. Các anh ấy đã lớn tuổi, chỉ một thời gian nữa là trao lại nhiệm vụ cho lớp đàn em rồi!
Không thấy ai phát biểu gì thêm, tôi đứng dậy xúc động nói:
- Cảm ơn các anh trong Bộ Chính trị cũng như các ban Đảng Trung ương đã quan tâm theo dõi, chỉ đạo giúp đỡ cho tỉnh Sông Bé thời gian qua và mong tiếp tục theo dõi, giúp đỡ 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước thời gian tới, nhất là tỉnh Bình Phước. Tôi xin hứa, dù với cương vị công tác nào cũng sẽ nghiêm túc chấp hành và cố gắng phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
1-1-1997 là một ngày lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Cán bộ 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước lưu luyến chia tay nhau. Các đồng chí ở lại Bình Dương tiễn anh chị em về Bình Phước công tác đến tận thị trấn Đồng Xoài và khi ra về thì quyến luyến. Trong lòng tôi cũng vô cùng xao động. Cho dù bị cuốn vào công việc nhưng trong những cuộc họp lớn, từ bục diễn giả nhìn xuống, thấy thiếu bóng dáng những người từng công tác với mình trong nhiều năm, lòng tôi thấy hẫng hụt vô cùng và con tim nghèn nghẹn.
Sau khi tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. GDP bình quân đầu người chưa tới 180 USD; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; cán bộ thiếu trầm trọng. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp, chiếm hơn 70%; công nghiệp, dịch vụ, thương mại rất nhỏ bé. Cơ sở hạ tầng yếu kém. Các cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành phải ở nhờ huyện Đồng Phú hoặc thuê nhà dân để ở và làm việc. Tình trạng di dân tự do ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc vào các huyện miền núi, biên giới khiến tình hình hết sức phức tạp.
Tuy nhiên, việc tái lập tỉnh đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Bình Phước lại có nguồn lao động dồi dào, quỹ đất lớn; có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt tình. Tỉnh lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, Bình Phước có truyền thống cách mạng, là nơi hội tụ nhiều nguồn cán bộ Trung ương tăng cường sau giải phóng, cán bộ tại chỗ, cán bộ tập kết trở về và cán bộ từ Bình Dương lên, từ các tỉnh, thành trong cả nước đến…
(Linh Tâm trích lược, còn nữa)
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129422/nhung-nam-thang-khong-quen-ky-1