Những năm tháng không quên (Kỳ 3)

BPO - Năm 2017, cuốn hồi ký “Những năm tháng không quên” của đồng chí Nguyễn Hữu Luật, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước do nhà báo Linh Tâm chắp bút được ấn hành. Cuốn hồi ký đã phác họa lại một chặng đường đấu tranh, phát triển của mảnh đất và con người Bình Phước; cũng đồng thời là sự tri ân của đồng chí Nguyễn Hữu Luật đối với những người từng kề vai sát cánh trong những ngày tháng gian khổ bắt tay dựng xây quê hương Bình Phước cho đến khi đồng chí nghỉ hưu. Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn trong cuốn hồi ký này.

NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA

Trải qua những khó khăn, thử thách, nhiều khi rất khắc nghiệt, sống chết chỉ là gang tấc cận kề, tôi đã rút ra cho mình những bài học xương máu. Đó là: đứng trước những khó khăn, thách thức phải luôn giữ được bình tĩnh, chọn con đường thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của mình; tranh thủ sự giúp đỡ của những người có trách nhiệm, có thiện cảm để vượt qua khó khăn. Tuyệt đối không than trách hoàn cảnh, số phận mà phải tìm cách vượt qua. Bởi nếu ta tiến về phía trước với niềm tin chiến thắng thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tôi rút ra điều này từ những tháng năm còn nhỏ tuổi đã gặp hoàn cảnh éo le. Với sự vững tin vào bản thân, tôi đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được những thành quả hôm nay.

Điều tôi luôn tâm niệm là phải biết yêu thương những người cùng cảnh ngộ, động viên nhau cùng phấn đấu vươn lên. Hãy nhận về mình sự thiệt thòi và dành sự ưu tiên, thuận lợi cho anh em, đồng chí, đồng đội. Có thể ngay lúc đó họ không nhận ra sự hy sinh thầm lặng của mình, nhưng một lúc nào đó họ sẽ nhận ra. Trải qua những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường, bom đạn rồi hòa bình lại lăn lộn với phong trào cơ sở, cả khi nhận những trọng trách lớn, tôi nghiệm ra rằng không có sự hy sinh nào là vô nghĩa. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng và những năm tháng cống hiến trong thời bình đã cho tôi thấy, cái gì cũng có cái giá của nó.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Luật tranh luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Luật tranh luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X

Là người cán bộ cách mạng, trước hết phải chăm lo cho sự nghiệp chung, lợi ích của mình phải nằm trong lợi ích chung chứ đừng lợi dụng vị trí mình đang nắm giữ để tư lợi. Điều quan trọng là phải luôn khiêm tốn, giản dị và vị tha. Tuyệt đối không “hơn thua” với anh em, đồng đội, nhất là với người yếu thế hơn mình. Làm việc gì cũng phải có quyết tâm cao. Khi đã thành danh thì phải biết quý trọng người trên, thương yêu người dưới, nhất là phải biết ơn nghĩa đối với những tập thể, cá nhân đã tạo điều kiện cho mình phấn đấu vươn lên. Bởi không có họ thì mình làm gì có môi trường để phấn đấu và trưởng thành. Trong quá trình phấn đấu của tôi, điều tôi rút ra là có những công việc mình chưa từng làm và có nhiều khó khăn. Nhưng việc ấy có ích cho Đảng, có lợi cho nước, cho dân thì phải quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Cứ lao vào công việc với quyết tâm cao, tự khắc sẽ tìm ra phương cách thích hợp và sẽ thành công.

Làm người lãnh đạo, chỉ huy, đừng nói nhiều mà hãy biết lắng nghe người khác nói. Có như vậy ta mới có nhiều thông tin, trên cơ sở đó có sự đánh giá khách quan mọi việc để xử lý công việc hợp tình hợp lý. Người lãnh đạo, chỉ huy cảm hóa, thuyết phục mọi người bằng những việc làm cụ thể, bằng lối sống của bản thân chứ không phải bằng những lời hùng biện. Đã có người “chê” tôi là quá hiền. Có lẽ họ muốn đề cập đến những tình huống tôi xử lý cán bộ vi phạm hoặc những tình huống ứng xử trong cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ khác. Tôi rất nghiêm khắc với bản thân mình, nhưng thường hay bỏ qua, tha thứ cho người khác. Bởi tôi nghĩ, nếu cứ chấp nhặt, làm khó nhau thì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp chung. Vả lại trong cuộc sống, con người ta không thể cứ “được đằng chân, lân đằng đầu” mãi. Tôi luôn tâm niệm là ở đời, mỗi người phải biết điểm dừng. Phải biết vai trò của mình đâu là giới hạn. Đó chính là lý do nhiều đồng chí ở bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã động viên, khuyến khích tôi tiếp tục ứng cử Ủy viên Trung ương nhưng tôi cương quyết từ chối.

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật (thứ 2, từ phải qua) trong một lần làm việc với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Hà Nội

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật (thứ 2, từ phải qua) trong một lần làm việc với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Hà Nội

Về cương vị và trọng trách của người đứng đầu các tổ chức, nhất là tổ chức Đảng, khi được tập thể tín nhiệm, giao trọng trách thì trước hết hãy lo cho tập thể, lo cho lợi ích của nhân dân, của địa phương mình và lớn hơn là cho đất nước. Điều tối quan trọng là phải biết tổ chức, tập hợp lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức để có bộ máy đủ mạnh lo cho sự nghiệp chung. Cần phải tìm kiếm, bố trí, sử dụng cán bộ thật tốt, bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, tránh tình trạng cục bộ, cảm tính và địa phương chủ nghĩa trong công tác cán bộ. Nếu không sẽ làm giảm sút lòng nhiệt tình, tinh thần sáng tạo của cán bộ. Đối với người nhà, bà con anh em hay người quen biết, khi bố trí công việc phải hết sức thận trọng và để tập thể quyết định mới tránh được lời ra tiếng vào, giữ được đoàn kết nội bộ và tạo được sức mạnh tổng hợp để hoàn thành trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trong công tác lãnh đạo, điều hành: Khi đã có nghị quyết đúng, định hướng đúng, việc quan trọng là phải nhạy bén, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành. Động viên khích lệ nhưng phải có kiểm tra, giám sát để điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp và phải kịp thời biểu dương, nhân rộng những địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Từ khi còn là Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư Huyện ủy rồi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, điều đầu tiên tôi quan tâm là việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực. Thời nào cũng thế, việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực đều có những điều phức tạp, tế nhị. Nhưng mình vì công việc chung thì không ngại. Tôi luôn nghĩ chăm lo phát triển nguồn nhân lực là phải chăm lo toàn diện. Từ chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để được học hành nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đến việc quy hoạch, cất nhắc, bổ nhiệm, luân chuyển… Phải có chính sách hợp lý để thu hút người tài về tỉnh công tác. Với một tỉnh có những yếu tố đặc thù về dân cư như Bình Phước thì công tác cán bộ và đoàn kết nội bộ là điều quan trọng mà người lãnh đạo nào cũng phải quan tâm.

Bình Phước là tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, có nhiều thành phần dân tộc thiểu số với tỷ lệ cao, có đường biên giới dài, dân trí thấp… Người lãnh đạo phải nắm chắc những nét đặc thù của địa phương để có định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Cụ thể là phải quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình… Đây là những điều kiện, là tiền đề để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, phải quan tâm đặc biệt đến công tác đối ngoại, bởi đây không chỉ là nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với tôi, khi giữ trọng trách là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là quãng thời gian vô cùng quý báu để nâng cao trình độ hiểu biết của mình, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn cho Trung ương, cho Quốc hội, cho tỉnh nhà. Khi đã gánh trên vai trách nhiệm lớn hơn, tư duy của mình sẽ không còn quẩn quanh với những vụn vặt mà phải quan tâm và hiểu biết sâu về những vấn đề lớn, những vấn đề mang tính thời cuộc, gắn với quốc kế dân sinh trên phạm vi cả nước. Từ việc xác định và nâng cao ý thức trách nhiệm đó, tôi đã tích cực học tập, nghiên cứu, đóng góp xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng, xây dựng Hiến pháp và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước một cách hiệu quả. Những ý kiến của tôi bao giờ cũng trên tinh thần lợi ích của quốc gia, của số đông nhân dân. Khi đóng góp xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôi đều nêu rõ quan điểm cá nhân nhưng trên tinh thần vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Đề xuất những vấn đề có lợi cho cho nước, cho dân, trong đó có địa phương mình, tránh vì lợi ích của địa phương mà làm tổn hại đến lợi ích của đất nước. Tôi luôn dặn mình phải biết xây dựng cái chung, trong đó có cái riêng, cái cá thể nằm trong cái tổng thể. Có như vậy mới hài hòa ích nước, lợi nhà, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Linh Tâm(trích lược, còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129461/nhung-nam-thang-khong-quen-ky-3