Những nẻo đường ôn thi cuối cấp
Chỉ hơn một tháng nữa là các kỳ thi cuối cấp (lớp 5, 9, 12) bắt đầu. Phía sau những bộn bề học hành của sĩ tử là bộn bề suy nghĩ của phụ huynh. Cho con ôn luyện nhiều hay ít? Thi chuyên hay học thường? Chọn trường công hay trường tư?... Những câu hỏi ấy, hẳn không ít lần khiến phụ huynh do dự.
Ôn thi từ tờ mờ sáng
Con đi học ôn từ 5h-5h30 sáng- thoạt nghe thông tin ấy, nhiều phụ huynh nêu quan điểm không đồng tình, cho rằng phản giáo dục, phản khoa học nhưng cũng có phụ huynh lặng lẽ nói, đó là chuyện bình thường.
Đi học trung tâm hay tự học ở nhà là lựa chọn tự nguyện của mỗi người. Dẫu việc đi luyện thi từ gà gáy không phổ biến nhưng đa phần gia đình cho con đi ôn vào khung giờ đặc biệt đó đều hỏi ý kiến, trao đổi với con rồi mới đăng ký học. “Học sớm cũng tốt, đêm trước con sẽ chủ động đi ngủ sớm hơn. Thay vì dậy tự ôn bài thì con đến nhà cô gần đó học ôn, cũng tiện và hiệu quả. Cuối cấp thì học nhiều hơn là hoàn toàn dễ hiểu. Ôn thi 5h sáng, từ thời tôi học cấp 3 đã có rồi, không gì lạ cả.”- chị Mai Thu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
Đứng chờ con trước một trung tâm ôn thi tại đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, liếc đồng hồ thấy đến giờ tan học, anh Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) gạt vội chân chống, quay xe hướng Trung Hòa- Nhân Chính rồi ngồi lên yên, tư thế sẵn sàng nổ máy. Ra đến nơi, cô con gái lớp 9 mang cặp kính dày cộp đưa cho bố chiếc cặp đang cầm để đổi lấy chiếc cặp khác được bố mang sẵn; sau đó hai bố con tất tả đến trung tâm khác để học thêm tiếng Anh. Anh Huy cho hay: “Nay là chủ nhật, sáng con học 2 ca, chiều 1 ca. Khổ nhất là mỗi ca lại học một trung tâm nên cũng mệt hơn”. Việc học ôn này được bố con anh duy trì đã 4 tháng nay. “Ngày thường con đi học cả ngày ở trường, nếu học thêm tối nữa thì nửa đêm mới được về nghỉ. Vậy nên tôi cho con đi học vào ngày cuối tuần. Biết là vất vả nhưng cũng đành”- anh Huy hối hả nói.
Với gia đình có con học cuối cấp, thường cả nhà sẽ bận rộn hơn, thậm chí là căng thẳng hơn. Thấy con đi học cả tuần, hết học chính lại đến học thêm, tuy con chẳng kêu ca câu nào nhưng vợ chồng chị Nguyệt (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thỉnh thoảng lại cãi vã vì quá xót ruột. “Chồng tôi gào lên bảo cho con nghỉ bớt đi, học hành nhiều thế loạn óc, não tiếp thu sao được. Nhưng rồi sau đó, cả hai lại trấn an nhau. Con nó có ước mơ thi trường tốt, trường điểm, nó cố được thì vợ chồng tôi cũng phải cố, lời qua tiếng lại chỉ làm con bị phân tâm”- chị Nguyệt bộc bạch.
Đếm ngược chờ thi xong
Nhiều phụ huynh thấy con chưa học được nhiều, muốn kỳ thi… lâu lâu hãy đến nhưng cũng có những phụ huynh lại mong nhanh thi xong để con còn nghỉ ngơi.
“Thấy các bạn cùng tuổi con học hành nhẹ nhàng, cả tuần học thêm 1-2 buổi còn con mình cày khắp các trung tâm, tôi rất thương con. Tuy nhiên, mục tiêu của mỗi gia đình, của mỗi con là khác nhau; năng lực từng bạn cũng không giống nhau. Nếu cứ ngồi để so sánh và đặt câu hỏi, chỉ thêm dằn vặt và day dứt nên tôi chọn cách gạt đi tất để đồng hành cùng con học- miễn là con có ý thức, niềm tin và quyết tâm”- anh Cảnh Thái- phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Hoàn Kiếm nói.
Còn chị Mai Hoa (quận Tây Hồ, Hà Nội) bộc bạch: “Hỏi có mệt không, có muốn nghỉ ngơi không? Tất nhiên là có chứ! Cả bố mẹ và con cái đều mệt và muốn nghỉ ngơi lắm rồi. Nhưng việc học là chặng đường dài, đã học là mong muốn vươn lên, tiến bộ, đỗ đạt. Các con hãy kiên định trên chặng đường chinh phục ước mơ của mình; phụ huynh hãy cố gắng để đồng hành, động viên con trong giai đoạn nước rút”.
Về vấn đề ôn thi chuyển cấp, cô Trần Thu Giang- một giáo viên có kinh nghiệm luyện thi tiếng Anh tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Mục tiêu chọn trường được đặt ra là để con phấn đấu, quyết tâm và tôi luyện thành người mạnh mẽ, rắn rỏi. Để đạt được mục tiêu, không thể chỉ học tập nhàn nhã, dễ dàng mà cần có động lực và cố gắng thể hiện tốt nhất khả năng của mình. Cha mẹ đừng lo con vất vả mà hãy giúp con cân bằng thời gian, biến áp lực thành động lực để con đạt được mục tiêu bởi: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Học đúng, học đủ, nắm vững kiến thức, có kế hoạch học tập khoa học… luôn là yếu tố quyết định kết quả của các kỳ thi và tránh được tình trạng học quá tải năm cuối cấp”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-neo-duong-on-thi-cuoi-cap-417202.html