Những nét mới trong nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XIII

Chính sách đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII là kết tinh trí tuệ, thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và trước hết là ngành ngoại giao.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Bộ Ngoại giao dự Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Bộ Ngoại giao dự Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)

Kế thừa và phát huy

Năm 2021 đánh dấu chặng đường 35 năm Đổi mới toàn diện của đất nước, trong đó có chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Xét một cách tổng thể, chính sách đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII là sự tiếp tục, kế thừa và phát huy chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại” và “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” mà các đại hội trước đã đề ra.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, phần chính sách đối ngoại được trình bày trong Mục XI – Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Theo đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới được triển khai một cách toàn diện là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hóa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Văn kiện cũng chỉ ra nguyên tắc chỉ đạo trong việc thực hiện chính sách đối ngoại là vừa hợp tác, vừa đấu tranh; đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương và kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Để phù hợp với sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, Đại hội XIII nhấn mạnh một số nét mới trong nhiệm vụ đối ngoại giai đoạn tới.

Sáu nét mới cần lưu ý

Một là, Văn kiện nhấn mạnh và đặt vấn đề “lợi ích quốc gia - dân tộc” là mục tiêu cao nhất của hoạt động đối ngoại. Vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc không phải là mới trong các văn kiện của Đảng, nhưng thuật ngữ này lần đầu tiên được chính thức sử dụng trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ngày 13/5/1988.

Trong đối ngoại, đây chính là mục tiêu tối thượng, xuyên suốt, “bất biến” vì đơn giản là “không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Sự khẳng định này không phải ngẫu nhiên, mà gắn liền với nhận thức và phát triển tư duy của Đảng ta về tình hình quốc tế, về quan hệ đối tác và đối tượng, về mục đích và phương châm đối ngoại.

Việc khẳng định “lợi ích quốc gia - dân tộc” trong văn kiện chính thức cho thấy Đảng ta không có lợi ích và mục đích viển vông nào khác.

Hai là, Văn kiện nhấn mạnh cả đối ngoại song phương và ngoại giao đa phương. Với đối ngoại song phương, chủ trương là tiếp tục “chú trọng” và “làm sâu sắc” các mối quan hệ, trong đó thứ tự ưu tiên vẫn là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác.

Cho đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước/193 quốc gia thành viên của LHQ, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước.

Với ngoại giao đa phương, ta chủ trương là “chủ động” và “tích cực” với thứ tự ưu tiên là ASEAN, LHQ, EU, APEC, ASEM, Francophonie (Tổ chức Quốc tế các Quốc gia nói tiếng Pháp), NAM (Phong trào Không liên kết), các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các cơ chế khác có tầm quan trọng chiến lược.

So với Báo cáo Chính trị Đại hội XII, về nội dung này Văn kiện Đại hội XIII trình bày toàn diện và đầy đủ hơn. Điều này tạo nhận thức về sự linh hoạt và cách tiếp cận mở hơn trong ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Ba là, Văn kiện cũng nhấn mạnh hơn chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương. Mặc dù ngày 8/8/2018 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, song đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào trong văn kiện Đại hội Đảng.

Tuy đa phương hóa quan hệ quốc tế là một chủ trương lớn về đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong 35 năm Đổi mới, nhưng chúng ta chưa nhận thức và chú ý nhiệm vụ này một cách thỏa đáng. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các cơ chế đa phương là kênh đối ngoại hiệu quả nhất để tập hợp lực lượng và tiếng nói của các nước nhỏ.

Do vậy, đối với nước ta, đối ngoại đa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Chính sách đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII là kết tinh trí tuệ, thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và trước hết là ngành Ngoại giao, là sự kế thừa, tiếp nối chính sách đối ngoại đúng đắn và ngày càng được hoàn thiện từ Đại hội VI cho đến nay.

Bốn là, liên quan đến các vấn đề Biển Đông, nếu như Văn kiện Đại hội XII chỉ nói chung là “giải quyết các vấn đề trên biển”, mà không đề cập một cách cụ thể, thì Văn kiện Đại hội XIII trình bày cụ thể hơn về phạm vi, cách tiếp cận và phương thức, như: “giải quyết các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là [nhấn mạnh] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” (UNCLOS 1982).

Năm là, Văn kiện chỉ rõ ba trụ cột ngoại giao của Việt Nam là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Đây là lần đầu tiên nội dung này được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII.

Nếu nhìn nền ngoại giao Việt Nam như một mặt trận thống nhất, với các loại hình ngoại giao khác nhau từ chính trị, quốc phòng, nghị viện, văn hóa, kinh tế, thì sẽ thấy các loại hình ngoại giao này không chỉ có sự tham gia của các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, mà của cả các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân.

Đó là nền ngoại giao nhân dân, có truyền thống hàng nghìn năm trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Ngày nay, nền ngoại giao hiện đại Việt Nam trong chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa, dù có cách gọi khác nhau và các kênh đối ngoại khác nhau, song mọi hoạt động đối ngoại đều đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Đảng.

Vì vậy, việc nhấn mạnh ba kênh ngoại giao trên không chỉ đề cao vị thế và vai trò của từng kênh, mà còn để khẳng định sự thống nhất về lãnh đạo, mục đích và mục tiêu hoạt động của ngoại giao Việt Nam.

Sáu là, Văn kiện còn nhấn mạnh đến việc xây dựng một nền ngoại giao toàn diện và hiện đại, trong đó chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại “có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp”.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại là để đáp ứng với sự phát triển, phù hợp với vị thế trên trường quốc tế và tương xứng với hoạt động ngoại giao được nâng tầm cả trong hoạt động song phương và đa phương của nước ta trong giai đoạn hiện nay và lâu dài.

Niềm tin vào tương lai

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định những mục tiêu phát triển mới của nước ta trong nhiệm kỳ 2021-2015, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045).

Sau 35 năm Đổi mới, Ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành cùng dân tộc.

Nếu như trong giai đoạn trước Đổi mới, chính sách đối ngoại của Việt Nam bị tác động và định hình bởi yếu tố ý thức hệ, thì từ khi Đổi mới và nhất là trong Văn kiện Đại hội XIII, chính sách đối ngoại đã xác định “lợi ích quốc gia - dân tộc” là mục tiêu tối thượng, xuyên suốt.

Chính sách đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII là kết tinh trí tuệ, thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và trước hết là ngành Ngoại giao, là sự kế thừa, tiếp nối chính sách đối ngoại đúng đắn và ngày càng được hoàn thiện từ Đại hội VI cho đến nay.

Chính sách đó trên hết nhằm phục vụ mục tiêu và sự phát triển của nước ta trong giai đoạn phát triển mới trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chúng ta tin tưởng rằng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hoạt động đối ngoại sẽ góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế trong nhiệm kỳ hiện nay và những năm tiếp theo.

* Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

** Đại học Queensland, Australia

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-net-moi-trong-nhiem-vu-doi-ngoai-cua-dai-hoi-xiii-156484.html