Những ngân hàng đầu tiên báo lãi giảm, 'ngấm đòn' do kinh tế khó khăn?

Đến nay, 3 ngân hàng đầu tiên đã công bố lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ. Các ngân hàng cho biết, nửa đầu năm nay đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế, kèm với đó là tình trạng đóng băng ở thị trường tài sản (trong đó có bất động sản) đã tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước.

Hiện tại, các ngân hàng trên sàn chứng khoán đã rục rịch công bố Báo cáo tài chính quý II/2023 nhưng với kết quả không quá khả quan. Theo đó, tại Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), lợi nhuận trước thuế quý II/2023 đạt gần 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn thu chính của ngân hàng tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, mang về hơn 640,8 tỷ đồng thu nhập lãi thuần cùng với các khoản thu ngoài lãi đều ghi nhận tăng như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 16%; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đột biến, gấp gần 6 lần; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng mạnh, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Song do chi phí hoạt động trong kỳ tăng đến 73%, lên mức hơn 545 tỷ đồng đã “bào mòn” lợi nhuận của Bac A Bank. Cụ thể, chi phí nhân viên tăng hơn 86%, chi phí hoạt động khác tăng 56%, chi phí trả lãi tiền gửi tăng 40%...

Bac A Bank báo lợi nhuận trước thuế quý II/2023 đạt gần 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Bac A Bank báo lợi nhuận trước thuế quý II/2023 đạt gần 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tính đến 30/6/2022, dư nợ cho vay của Bac A Bank đạt hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 2,6%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng tăng gần 31,2% lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 42 tỷ đồng lên hơn 175 tỷ đồng kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% lên 0,71%.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 135.000 tỷ, tăng 5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 2,6%. Huy động vốn tăng 8,7% lên hơn 105.366 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng gần 31,2% lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 42 tỷ đồng lên hơn 175 tỷ đồng vào cuối quý II đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% lên 0,71%.

Ngoài ra, tại kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 39% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu chủ yếu của ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần, nhưng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi có sự cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.500 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, tương đương tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/6/2023, tổng huy động đã đạt trên 302.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt gần 343.500 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ trên thị trường 1 tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt mức gần 7%, cao hơn mức chung của thị trường với tỷ lệ tăng trưởng chỉ hơn 4%.

Phía ngân hàng cho biết kết quả kinh doanh của ngân hàng đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Còn tại báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), ngân hàng khép lại quý II nhiều biến động với lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/6, lợi nhuận trước thuế LPBank ở mức 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu LPBank cho thấy, tại ngân hàng này, huy động vốn đạt hơn 267.133 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 253.419 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tuy tăng so với cuối năm 2022 nhưng vẫn trong phạm vi an toàn.

Phía ngân hàng cho biết, hoạt động kinh doanh của LPBank trong nửa đầu năm nay đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2022, FED liên tục tăng lãi suất, kèm với đó là tình trạng đóng băng ở thị trường tài sản (trong đó có bất động sản) đã tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng trong nước.

Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2022, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023. Tốc độ tăng dự kiến chỉ đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng giữa các nhóm ngân hàng.

Năm tới, lợi nhuận nhóm này dự kiến tiếp tục phân hóa mạnh, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Theo nhóm phân tích, lợi nhuận giảm tốc của ngành ngân hàng do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên.

Theo dự báo của VCBS, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có NIM duy trì mức thấp do áp lực giảm lãi suất hỗ trợ với các gói vay ưu đãi quy mô lớn từ đầu 2023. Nhóm ngân hàng tư nhân có tệp khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần. Với nhóm ngân hàng nhỏ, NIM sẽ cải thiện rõ rệt khi các khoản tiền gửi lãi suất cao dần đáo hạn.

Ở khía cạnh quản trị rủi ro, nợ xấu và nợ tiềm ẩn tiếp tục tăng. Cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nhung-ngan-hang-dau-tien-bao-lai-giam-apos-ngam-don-apos-do-kinh-te-kho-khan-1094003.html