Những ngân hàng nào tăng phí SMS Banking, cao nhất bao nhiêu?
Từ 1/9 tới, các ngân hàng đồng loạt tăng phí SMS Banking, đồng thời khuyến khích khách hàng chuyển qua nhận thông báo miễn phí trên ứng dụng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo điều chỉnh phí dịch vụ báo giao dịch qua SMS Banking từ ngày 1/9 tới. Cụ thể, với khách hàng có số lượng tin nhắn SMS phát sinh từ 0-30 tin nhắn, mức phí áp dụng 15.000 đồng/tháng/tài khoản/số điện thoại. Mức phí này chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT).
Nếu trên 30 tin nhắn, ngân hàng sẽ không thu phí cố định. Thay vào đó, Sacombank sẽ thu theo số lượng tin nhắn với số tiền 500 đồng/tin nhắn và mức phí thu tối đa là 500.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Mức phí tối đa này tương đương với 1.000 tin nhắn SMS.
Sacombank khuyến khích khách hàng có thể thay thế tin nhắn SMS bằng đăng ký nhận thông báo giao dịch qua ứng dụng Sacombank Pay/mBanking hoàn toàn miễn phí, bảo mật, tiện lợi với âm thanh báo tin, đặc biệt không cần chuyển vùng quốc tế khi đi nước ngoài.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng điều chỉnh mức phí tin nhắn SMS. Theo đó, nếu số lượng SMS báo biến động số dư là 14 tin hoặc nhỏ hơn, khách hàng sẽ hưởng mức phí cố định hiện hành là 11.000 đồng/tháng (đã gồm VAT).
Với số lượng SMS biến động số dư cao hơn, ngân hàng tính phí theo thực tế. Ví dụ, khách hàng phát sinh 50 SMS trong tháng thì phí dịch vụ là 50 x 880 VND/SMS = 44.000 đồng/tháng (đã gồm VAT).
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking theo hướng dùng ít - trả ít, dùng nhiều - trả nhiều, kể từ ngày 1/9.
Ngân hàng sẽ điều chỉnh phí SMS Banking từ gói cố định hàng tháng là 12.000 đồng/số tài khoản thành biểu phí tăng dần tính theo số lượng tin nhận được hàng tháng. Mức phí cao nhất mà người dùng có thể phải trả là 77.000 đồng (đã bao gồm VAT) khi phát sinh 101 SMS trở lên trong một tháng.
Ngân hàng này cũng mong muốn khách hàng chuyển đổi từ quản lý biến động số dư trên SMS banking (có thu phí) sang quản lý trên app VPBank NEO (miễn phí trọn đời) để giúp tiết kiệm chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng. "Bởi ngay cả khi đã tăng phí thì ngân hàng vẫn phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm để thanh toán cho các công ty viễn thông", thông báo của VPBank nêu.
Động thái tăng phí SMS Banking của các ngân hàng diễn ra khi họ ngày càng phải bù lỗ nhiều hơn cho loại dịch vụ này. Với lượng giao dịch tăng mạnh những năm gần đây, các ngân hàng phải thanh toán nhiều hơn các khoản phí cho công ty cung cấp dịch vụ viễn thông. Do đó, bên cạnh việc tăng phí SMS Banking, các ngân hàng khuyến khích người dùng chuyển sang nhận thông báo biến động số dư trên ngân hàng số hoàn toàn miễn phí. Phương thức này có ưu điểm là không mất phí, còn có thể quản lý ngay cả khi giao dịch tại nước ngoài mà không cần chuyển vùng số điện thoại để nhận SMS Banking.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng khác như BVBank, Eximbank, Bac A Bank, VIB… cũng đã điều chỉnh thu phí dịch vụ SMS Banking đối với chủ tài khoản. Các ngân hàng cho rằng phải bù lỗ rất nhiều khi thanh toán các khoản phí cho công ty cung cấp dịch vụ viễn thông.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng thu phí SMS Banking để trả tiền cho nhà mạng và họ không có lời từ dịch vụ này.
“Trước đây, các ngân hàng thường thông qua tin nhắn dịch vụ ngân hàng để thông báo biến động số dư cho khách hàng. Cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp 3 lần so với phí tin nhắn bình thường. Sau nhiều lần kiến nghị nhà mạng viễn thông giảm cước phí không được, nhiều ngân hàng đã chuyển sang thông báo số dư qua app ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp để giảm được chi phí cho người dân”, ông Hùng phân tích.
Để tiết kiệm chi phí SMS, các ngân hàng điều chỉnh chính sách thu phí, nhằm thúc đẩy khách hàng chuyển dịch sang sử dụng tính năng nhận thông báo qua ứng dụng. Ngoài việc miễn phí dịch vụ, ưu điểm của việc nhận thông báo trên ứng dụng là an toàn, hạn chế tình trạng giả mạo lừa đảo tin nhắn ngân hàng (SMS Brand name).