Những ngày Bác Hồ dự Đại hội III của Đảng
Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự hai Đại hội Quốc tế Cộng sản (Đại hội V năm 1924 và Đại hội VII năm 1935); dự và chủ trì hai Đại hội Đảng ta (Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951 và Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam năm 1960).
Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự hai Đại hội Quốc tế Cộng sản (Đại hội V năm 1924 và Đại hội VII năm 1935); dự và chủ trì hai Đại hội Đảng ta (Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951 và Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam năm 1960). Từ Đại hội II, Bác được bầu làm Chủ tịch Đảng đến Đại hội III, đất nước Việt Nam đã trải qua chặng đường 9 năm 7 tháng. Bao biến động, biến động dữ dội đã xảy ra ở cả trong và ngoài nước. Trong hơn 9 năm đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược với sự giúp sức của đế quốc Mỹ đưa đến chiến thắng lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu. Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương trên cơ sở các nước công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Nhưng, mới chỉ có nửa nước hòa bình đang xây dựng CNXH, còn nửa nước, tính từ vĩ tuyến 17 trở xuống (được gọi là miền Nam), vẫn còn nằm trong sự thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đất nước chưa liền một dải, vẫn còn bị chia cắt, máu của những người yêu nước vẫn còn phải đổ xuống trước những đòn đàn áp khốc liệt của đế quốc tay sai. Đất nước vẫn còn chịu cảnh áp bức ngoại xâm chứ đâu có được hòa bình thống nhất như trong những trang giấy Hiệp định Geneva năm 1954 ghi.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (lúc này tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam - tên có từ Đại hội II năm 1951) diễn ra từ ngày 05 đến ngày 10/9/1960 tại Hà Nội. Mùa Thu Hà Nội, mùa Thu cách mạng trong nắng vàng nhạt Thủ đô, 525 đại biểu chính thức và 51 dự khuyết thay mặt cho hơn 500.000 đảng viên trong cả nước đến họp tại Hội trường số 1 của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, huyện Từ Liêm mới khánh thành từ năm 1958 (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội III, góp thêm tiếng nói đoàn kết với Đảng và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà của miền Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Diễn văn khai mạc Đại hội, nêu rõ: “Đại hội II là Đại hội kháng chiến, Đại hội lần này là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.673). Bác đã đánh giá cao những thành tựu mà Đảng đã đạt được trong những năm trước đó: “Những thắng lợi to lớn của chín năm qua đã chứng tỏ đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng ta là vững vàng. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước đã từng bị đế quốc áp bức bóc lột. Đảng ta xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân ta từ Bắc đến Nam. Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.672). Trong Diễn văn khai mạc, Bác còn chỉ ra: “Nhưng chúng ta còn nhiều khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân... Những khuyết điểm ấy ngăn trở sự tiến bộ của các đồng chí chúng ta. Đại hội III đã xác định đường lối chung của cách mạng Việt Nam là đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế để tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền: miền Bắc tiến lên CNXH, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cả hai nhiệm vụ chiến lược đó đều nhằm thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu 11 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thứ thứ nhất Trung ương Đảng.
Bác được bầu làm Chủ tịch Đảng từ Đại hội II. Tại Đại hội III này, Bác được bầu lại, tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đó. Đây là kết quả của chuỗi hoạt động liên tục, đầy năng nổ của Bác trong phong trào cộng sản quốc tế và trong phong trào cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1920, Bác đã cùng với các đồng chí phái tả của mình trong Đảng Xã hội Pháp tại Đại hội toàn thể lần thứ XVIII của Đảng tại Phòng họp lớn Nhà Mane, TP. Tours, cách Thủ đô Paris 237 km, cùng với 3.208 đồng chí phái tả (do Marcel Cachin lãnh đạo) bỏ phiếu tán thành để Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản, áp đảo so với 1.022 phiếu của đảng viên phái hữu để Đảng ở lại Quốc tế II (do Léon Blum lãnh đạo) vào lúc 22h ngày 29/12/1920. Và, 4 tiếng đồng hồ sau đó, tức là 2h sáng ngày 30/12/1920, Bác đã cùng những đồng chí phái tả vừa mới tán thành Quốc tế Cộng sản tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Section Francaise de l’Internationale Communiste - S.F.I.C., tức là Đảng Cộng sản Pháp).
Năm 1924, Bác trở thành cán bộ trong biên chế chính thức của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Đầu năm 1930, tại Hồng Kông, với trách nhiệm là “phái viên của Quốc tế Cộng sản”, Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1941, Bác về nước, với trách nhiệm là cán bộ của Quốc tế Cộng sản, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng vào tháng 5/1941 tại Pác Bó, Cao Bằng. Từ năm 1943, Quốc tế Cộng sản tự giải tán, nhưng Bác vẫn được Đảng tôn vinh một cách tự nhiên là lãnh tụ của Đảng - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Từ tháng 9/1945, Bác còn là nguyên thủ quốc gia nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hai chức vụ Chủ tịch đó, nghĩa là vừa Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch nước, chỉ là trách nhiệm lớn lao để Bác phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác ý thức rất rõ chức vụ chỉ là điều mà nhân dân, Đảng ủy thác cho để phục vụ, làm đầy tớ cho nhân dân. Bác hướng tất cả sức lực, trí tuệ cho đất nước vì ý thức được chức quyền đó do đâu mà có.
Những ngày dự Đại hội III tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, buổi trưa, Bác không về nhà sàn ở Phủ Chủ tịch, Ba Đình nghỉ ngơi mà nghỉ tại một phòng nhỏ tầng 2 Nhà A2 của Trường. Gian phòng này kê một giường cá nhân trải chiếu mộc, một bàn ăn rất nhỏ, không có máy điều hòa nhiệt độ, với cửa sổ thông thoáng (nay, phòng này của Nhà A2 là Trụ sở của Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trở thành Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đại hội III của Đảng, mở cửa cho những ai quan tâm đến tham quan). Vẫn giản dị như thế, Bác đem cơm và thức ăn đi, đựng trong một chiếc túi gọn nhẹ, kèm theo một chiếc phích nước nóng nhỏ. Khỏi cần làm phiền ai. Người lãnh tụ của Đảng, người chủ trì Đại hội III của Đảng giản dị như thế. Những ngày diễn ra Đại hội III, công việc ken dày nhưng Bác vẫn ung dung, tự tại, việc nào ra việc đó, không quên tiếp tất cả các đoàn đại biểu nước ngoài, các đại biểu từ mọi miền đất nước, trong đó có những đại biểu từ miền Nam ra dự Đại hội, tiếp đón các đoàn quần chúng đến chào mừng, trong đó đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Một phong cách giản dị, lành mạnh, chân thành, chu đáo... Những ngày Đại hội III càng tôn lên vẻ đẹp như là một “thương hiệu” nổi tiếng của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Đại hội III của Đảng - một khung trời rộng mở cho ý chí và hành động của Đảng đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH. Với những quyết định của Đại hội III, cách mạng Việt Nam đã tiến lên giành những thắng lợi rực rỡ, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng với mốc lớn là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi ngày 30/4/1975; đưa sự nghiệp xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cách mạng cả nước; đưa cả nước quá độ lên CNXH và hiện nay đang tiến hành sự nghiệp đổi mới. Không có những quyết định đúng đắn của Đại hội III thì chắc chắn không thể có những thắng lợi về sau của cách mạng Việt Nam. Đại hội III của Đảng, do đó, còn là sự ghi dấu sự tỏa sáng của một con người mang tên Hồ Chí Minh.
Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nhung-ngay-bac-ho-du-dai-hoi-iii-cua-dang-d89884.html