Những ngày bình yên ở Bagan
Là thành phố thuộc một trong những khu vực đầu tiên ở Đông Nam Á tiếp nhận Phật giáo, Bagan khiến tôi thực sự bị choáng ngợp bởi số lượng chùa, những điều kỳ diệu và linh thiêng của mảnh đất này…
Sau ba lần lên xuống máy bay từ Hà Nội, tôi đến Bagan – vùng đất của những ngôi đền cổ mang đậm nét văn hóa của đất nước Myanmar vào lúc 14h30 (giờ địa phương). Ghé nhìn qua ô cửa kính máy bay ATR72 bay chậm rãi và chao đảo, một màu nâu hiện ra trước mắt tôi. Bagan lúc này trông như một tiểu sa mạc cằn cỗi với nền đất đỏ vàng đặc trưng. Cơn mưa rào vừa ngừng, hơi ẩm bốc lên, tạo nên một cảm giác có phần khó chịu.
Do dịch Covid-19, đến sân bay Nyaung U, tôi lên thẳng xe bus đã chờ sẵn để về khách sạn. Chiếc xe lao nhanh trên con đường bê tông có phần gồ ghề. Tôi chọn ngồi cạnh ô cửa kính để ngắm nhìn những ngôi chùa tháp lớn bé cứ vun vút qua trước mắt.
Bagan là thành phố cổ nằm ở khu vực Mandalay và từng là kinh đô của vương quốc Pagan trong suốt 230 năm. Nơi đây không tiếp giáp với biển và là một vùng đất khô, bao quanh phía Đông thành phố là dòng sông Ayeyrwady.
Mảnh đất cố đô Bagan không chỉ nổi tiếng là đô thành của vương triều thống nhất đầu tiên của Myanmar với những di tích văn hóa là rừng chùa, tháp cùng với quần thể Ankor Wat của Campuchia, điện Borobudur của Indonesia hợp thành “3 quần thể kiến trúc Phật giáo lớn nhất thế giới”. Năm 2019, Tổ chức UNESCO đã công nhận thành phố cổ Bagan là Di sản văn hóa thế giới.
Dọc con dường mất chừng 10 phút đi xe từ sân bay Nyaung U về khách sạn Aureum Palace – chuỗi khách sạn trải dọc Myanmar được xây dựng theo lối kiến trúc hoàng gia và theo phong cách Phật giáo, tôi nhận thấy, nơi đây chỉ toàn những mái chùa, đỉnh tháp với nền gạch rêu phong cổ kính nằm lặng lẽ bên đường, có chăng bắt gặp những chú bò trắng đang gặm cỏ, xen lẫn trong đó là những hàng cọ, me và không có sự xuất hiện của cuộc sống hiện đại.
Chỉ với diện tích khoảng 65 cây số vuông, nhưng ước tính nơi đây từng có đến 2.500 ngôi chùa, đền, tháp, tu viện Phật giáo, đến nay, trải qua thời gian còn giữ lại được khoảng 2.000 ngôi. Cũng giống với đa số các vùng, bang ở Myanmar, người dân ở Bagan mang trong mình tinh thần thượng tôn đức Phật, tín ngưỡng Phật giáo hòa trộn vào đời sống một cách sâu rộng.
Nơi đây không có khói hương nghi ngút, hay những lễ lạt cầu cúng tấp nập ồn ào, mà chỉ thấy người dân trong bộ longyi lặng lẽ cầu nguyện trong những ngôi chùa - một màu sắc mà khó nơi nào trên thế giới có được. Có lẽ bởi vậy mà nơi đây hấp dẫn biết bao khách du lịch đến thăm mỗi năm.
Hầu hết các ngôi chùa, tháp được xây dựng bằng gạch nung không trát hoặc đã bị bong tróc hết, và đều có lối vào và đi lên đỉnh. Tháp ở Bagan đồng thời cũng là chùa, giống cung điện, lâu đài có những ngôi có hình chuông, hình tròn, hình vuông và cả thiên hình vạn trạng khác, nhưng có đặc điểm chung là chóp vàng nhọn vót.
Tôi leo lên tháp Nan Myint để ngắm nhìn Bagan từ trên cao. Vừa bước lên đỉnh tháp, tôi ngay lập tức bị choáng ngợp bởi số lượng chùa, tháp hiện ra trước mắt mình. Phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn những ngôi chùa, tháp màu nâu nằm nổi bật giữa màu xanh của cây cối trải dài khắp vùng đồng bằng, tôi hiểu rằng, vì sao người ta gọi nơi đây là “biển” chùa hay thánh địa của những ngôi chùa mà người ta dành để miêu tả về vùng đất này. Mảnh đất cố đô “vang bóng một thời” xuất hiện trước mắt tôi mang một không khí trầm mặc…
Ngày hôm sau, tôi đến thăm ngôi chùa Shwezigon - ngôi chùa cổ nhất tại vùng đất huyền diệu này với kiến trúc “nguyên bản” của chùa vàng Shwedagon ở Yangon. Những người hướng dẫn viên giới thiệu rằng, tương truyền Shwzigon có đến hơn 30 tấn vàng được dát lên và hàng ngàn viên đá quý gắn trên đỉnh tháp cao nhất của ngôi chùa.
Cách Shwezigon khoảng 4km, Ananda được mệnh danh là ngôi đền đẹp nhất ở Bagan với 4 tượng Phật lớn bằng vàng đặt ở 4 hướng. Kiệt tác này được biết đến là ngôi đền tốt nhất, lớn nhất, được bảo tồn tốt nhất và được tôn kính nhất trong các ngôi đền ở Bagan.
Và cuối cùng là chùa Htilominlo được xây bằng gạch, trát vữa trắng với khối chạm khắc tỉ mỉ, khéo léo, trên đỉnh tháp còn in dấu trên nền trời Bagan. Đây không chỉ là một trong 5 ngôi chùa cổ kính nhất cố đô mà còn là công trình tôn giáo thiêng liêng, còn là nét văn hóa không thể trộn lẫn của Bagan.
Khung cảnh và không khí ở Bagan có một cái gì đó thật chan hòa, gần gũi, khiến tôi chỉ muốn đi quanh góc sân, lên đỉnh tháp, ngắm nhìn những Phật tử ra vào những ngôi chùa, mọi tham vọng sân si lúc này đều chỉ là vô nghĩa như một làn gió thoảng qua....
Rời Bagan, tôi không khỏi tiếc nuối trong lòng về một Bagan hoang sơ, bình yên đến lạ, khiến bất cứ du khách nào cũng chẳng nỡ rời xa.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-ngay-binh-yen-o-bagan-192020.html