Những ngày chống dịch - Chuyện giờ mới kể
Trước bao hình ảnh xúc động của những chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong những ngày quân dân miền Nam căng mình chống dịch, tôi đã viết những vần thơ để tặng những người lính mang màu áo của đêm khi các anh đang trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình trên mặt trận không tiếng súng, nhưng vô cùng khốc liệt.
Thời điểm ấy, thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã tăng cường hơn 300 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) thuộc Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên hành quân vào miền Nam làm nhiệm vụ kiểm soát đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thượng tá Diêm Công Toàn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên cho biết: CBCS Trung đoàn đã xuất quân vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh với tinh thần "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19". Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi người lính vinh dự, tự hào được thực hiện trong thời điểm đặc biệt này, nên đã nhanh chóng trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ hành quân ngay trong đêm, vượt hơn 1.000 km để có mặt tại TP Hồ Chí Minh để bắt tay ngay vào nhiệm vụ chống dịch đang vô cùng cấp bách.
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ thăm hỏi, động viên CBCS tại tâm dịch (tháng 5-2021).
Dưới ánh nắng gay gắt, tại các chốt kiểm dịch, các chiến sĩ cảnh sát cơ động đã cùng tổ công tác liên ngành vẫn miệt mài làm nhiệm vụ. Chứng kiến hình ảnh dòng xe tải, xe container, ô tô đang lưu thông tấp nập, những chiến sĩ Cảnh sát giao thông và CSCĐ vất vả len giữa những thân xe ken sát, phả hơi nóng hầm hập để hướng dẫn, điều tiết xe lưu thông vào làn để các bộ phận khác kiểm tra thân nhiệt từng người, kiểm tra việc tuân thủ Chị thị 16 của các cá nhân, phương tiện vào thành phố.
Tại khu vực TP Thủ Đức, giáp ranh với địa bàn tỉnh Bình Dương, các cán bộ chiến sĩ CSCĐ cũng được bố trí tại các chốt kiểm soát. Chiến sĩ Nguyễn Đình Quý cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tham gia vào đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, kiểm soát tại chốt. Đơn vị chia ca trực là 6 CBCS/ca, trực 24/24h. Đơn vị ăn ở tại Nhà thiếu nhi Thủ Đức. Mặc dù được chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, nhưng các cán bộ nơi đây phải gồng mình “tăng ca” thêm 2 - 4 tiếng, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ nhất là vào giờ cao điểm”.
Trong gian khó lòng người thêm vững, cùng với Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên, Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những nỗ lực vượt bậc để gấp rút hoàn thành Bệnh viện dã chiến Phước Lộc tại huyện Nhà Bè. Chỉ trong vòng 8 ngày, từ đôi vai, bàn tay và bước chân những người lính mang màu áo của đêm đã hoàn thành nơi điều trị rất nhiều bệnh nhân nhiễm COVID - 19. Cùng lúc đó, nhiều đơn vị trực thuộc cũng đã chốt chặn ngày đêm tại các nút giao thông, từng ngày, từng giờ vượt nắng, thắng mưa, kiên trì thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch bệnh.
Các đơn vị đã linh hoạt thay đổi các hình thức chốt chặn và tuần tra lưu động cùng với trấn áp, xử lý các trường hợp gây cản trở, chống người thi hành công vụ gây mất ANTT, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Theo Đại úy Trần Văn Tồn, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP Hồ Chí Minh, những ngày đầu thành phố siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16, vẫn có nhiều người dân không mang giấy đi đường, cố tình vượt chốt. Trong tình huống đó, CSCĐ phối hợp các ngành, các lực lượng khác làm nhiệm vụ tại chốt tuyên truyền, nhắc nhở là chính, linh hoạt xử lý tình huống và rất hạn chế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm.
Trung tá Trần Thanh Sang, Trưởng Công an thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh cho biết, kể từ khi có lực lượng CSCĐ tăng cường cho Công an TP Hồ Chí Minh, cụ thể là tăng cường cho các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn thì lực lượng tại các chốt kiểm soát được tăng lên cũng như công tác hỗ trợ kiểm soát người ra vào qua chốt kiểm soát được chặt chẽ hơn và thời gian kiểm soát sẽ nhanh hơn đối với một phương tiện khi qua các chốt kiểm soát. Khi có sự việc xảy ra liên quan đến các lực lượng thì có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các lực lượng và hỗ trợ lẫn nhau giải quyết các vụ việc khi có tình huống phức tạp xảy ra.
Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, mọi cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn CSCĐ Đông Nam bộ luôn chấp hành đúng quy định điều lệnh CAND, tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và phương tiện ra vào các địa phương. Ngoài việc tăng cường phối hợp với Công an địa phương kiểm soát phòng, chống dịch tại các chốt cửa ngõ huyện, thị trấn và tuần tra kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, cán bộ chiến sĩ của đơn vị được tăng cường xuống các phường, xã để áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu ở đó", quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân.
Đối với các anh, mỗi ngày qua đi, bình yên ở lại là niềm vui lớn dẫu nhiều người trong số họ đã phải nén lại nỗi buồn riêng. Thiếu tá Nguyễn Văn Điền, cán bộ Trung đoàn CSCĐ Đông Nam TP Hồ Chí Minh trong khi làm nhiệm vụ trực chốt đã nhận được tin mẹ mất mà không thể về chịu tang. Có chiến sỹ còn mất cả bố và bà nội trong cùng 1 ngày vì dịch bệnh… Những bàn thờ được lập vội, đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng chí, đồng đội và người lính CSCĐ rưng rưng bái vọng từ tâm dịch làm biết bao người xúc động. Nhưng không vì thế mà các chiến sĩ bỏ cuộc hay lơ là nhiệm vụ, tất cả đều gác lại nỗi đau riêng vì mục tiêu chung.
Các anh cũng đã mang lại niềm vui cho bao người khi vượt qua chặng đường dài dưới cơn mưa nặng hạt để mang niềm vui đến cho những em thơ đang điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung thuộc huyện Hóc Môn. 150 phần quà gồm sữa tươi, các loại bánh dinh dưỡng đã được trao cùng phần biểu diễn văn nghệ tươi vui, sinh động của các cô chú cảnh sát. Không ngại nguy hiểm từ dịch bệnh, các chiến sĩ và tình nguyện viên chia nhau ra thành nhiều nhóm nhỏ từ 2 đến 3 người trực tiếp đi đến tận từng phòng của các em để động viên, thăm hỏi các em với tình cảm yêu thương, tạo niềm vui, động lực để các em sớm khỏi bệnh, trở về với gia đình.
Trong những tháng ngày gian nan, vất vả, không khó để bắt gặp những hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Công an ngày đêm bám trụ, túc trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu vực phong tỏa, đồng thời vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Và đã có những hy sinh thầm lặng, không chỉ là việc gác lại hạnh phúc cá nhân, mà trong giai đoạn chống “giặc COVID-19”, đã có chiến sĩ phải đánh đổi tính mạng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có hơn 200 chiến sỹ bị lây nhiễm COVID -19, song những chiến binh quả cảm ấy vẫn luôn vững vàng nơi tuyến đầu.
Trung tướng Phạm Quốc Cương - Tư lệnh Bộ tư lệnh CSCĐ ngày ấy - cho biết: Thời gian qua, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã huy động lực lượng xung kích tuyến đầu, gồm hơn 3.000 CBCS ra quân tăng cường cho Công an các địa phương trên cả nước thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần vì nhân dân phục vụ và hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt này, Tư lệnh CSCĐ yêu cầu toàn thể CBCS tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an… về công tác phòng, chống dịch COVID -19, phát triển kinh tế - xã hội.
Đất nước bước vào trạng thái bình thường mới. Toàn dân đã và đang nỗ lực thích ứng an toàn, đề cao linh hoạt, không sợ hãi dịch bệnh để kiểm soát hiệu quả COVID-19. Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bởi dịch bệnh đã làm thay đổi thế giới, nhưng chúng ta đã và đang đồng thời chống dịch - an dân và hướng tới phát triển kinh tế. Những ngày qua, lực lượng CSCĐ đã chủ động, trách nhiệm tham gia thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo an ninh trật tự, thực sự là “Lá chắn thép, mũi nhọn chủ công, xung phong tuyến đầu phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh trật tự”.
Xin được gửi tới các anh, những chàng trai lặng lẽ lẫn vào đêm với những sứ mệnh chẳng mấy người thấu hiểu và những bài viết cũng không thể phản ánh hết những hi sinh âm thầm của họ:
Giữa xa lộ Sài Gòn hay xóm nhỏ lặng thinh
Đi như gió và thênh thang như gió
Thành phố ngủ yên sau bao đêm rời rã
Để kiên cường hơn trong cuộc chiến vô hình
Có những chàng trai không nhận tôn vinh
Gánh trên vai sứ mệnh chẳng mấy người thấu hiểu
Những trung đoàn
Đi trong đêm thu
Sông núi trên vai
Sao trên mũ thức chờ trăng muộn.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/nhung-ngay-chong-dich-chuyen-gio-moi-ke-i648104/