Những ngày cuối cùng ở Thành cổ Quảng Trị

Tháng 7 tri ân lại về. Nhiều người, trong đó có tôi chọn hành hương về Quảng Trị để đi tìm quá khứ. Dù là ở Thành cổ Quảng Trị hay những khu nghĩa trang, nơi đâu cũng có những người đồng đội đi tìm nhau. Bên dòng Thạch Hãn, đêm đêm tràn ngập ánh sáng của những ngọn hoa đăng. Năm ấy, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh, để những tuổi đôi mươi 'hóa thành sóng nước'. Và tôi, mãi nhớ về những ngày cuối cùng ở Thành cổ năm 1972

Còn nhớ, sau khi ta giải phóng tỉnh Quảng Trị tháng 5-1972, trước nguy cơ bị mất nhiều vùng đất hơn và chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" sớm bị thất bại, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động các đơn vị chủ lực sừng sỏ nhất mở cuộc phản công hòng giành lại những khu vực đã mất, mục tiêu chính là thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Chúng còn huy động nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại với hàng ngàn lượt máy bay chiến lược B-52; hàng vạn lượt máy bay phản lực, hàng chục tàu chiến liên tục ném bom, bắn phá để chi viện và hỗ trợ cho các đơn vị của quân ngụy.

 Chiến sĩ trẻ ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu

Chiến sĩ trẻ ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu

Trong tình hình đó, các đơn vị của ta đứng trên từng khu vực đã chiến đấu dũng cảm, đánh tan nhiều đợt phản kích của địch. Trong đó có Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 của chúng tôi-đơn vị đi đầu đội hình sư đoàn, ngay từ đầu tháng 7-1972 đã vào đến địa phận tỉnh Quảng Trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu.

Đầu tháng 8-1972, Tiểu đoàn 5 của chúng tôi được lệnh tách khỏi đội hình chiến đấu của Trung đoàn 165, bổ sung vào lực lượng bảo vệ thành cổ Quảng Trị, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B). Khi đó cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở Thị xã và Thành cổ Quảng Trị đang diễn ra rất quyết liệt. Quân địch đã và đang tổ chức những đợt tấn công rất tàn bạo, chúng huy động rất nhiều máy bay, trận địa pháo, của cả quân Mỹ và quân ngụy, ở cả trên đất liền và ngoài biển, bắn không biết bao nhiêu bom đạn, cày nát mảnh đất nhỏ bé ở khu vực Thành cổ. Các lực lượng của ta chiến đấu rất ngoan cường, giữ vững trận địa, nhưng hy sinh mất mát cũng nhiều, cần được thay phiên củng cố, giữ sức chiến đấu lâu dài.

Đêm 13-8 chúng tôi vượt sông Thạch Hãn, vào thay thế cho đơn vị bạn, tiếp cận trận địa ở phía ngoài, hướng đông nam Thành cổ. Phạm vi chiến đấu và bảo vệ của Tiểu đoàn 5 khá rộng, tương đương với diện tích của Thành cổ, kéo dài từ tường thành cho tới khu vực có Quốc lộ 1 chạy qua cho tới giáp bờ sông Thạch Hãn. Thời gian chiến đấu của tiểu đoàn chúng tôi ở khu vực này là 31 ngày đêm. Suốt thời gian ấy, ngày nào cũng diễn ra những trận chiến đấu gay go, gian khổ và khốc liệt. Trong tháng 8, quân số chiến đấu của tiểu đoàn còn khá đầy đủ, đội hình chiến đấu giữ vững, việc thay phiên giữa phía trước và phía sau còn duy trì được. Tuy nhiên, do địch tấn công nhiều và hỏa lực của chúng rất mạnh nên thương vong của bộ đội ta cũng rất lớn. Sau nửa tháng chiến đấu quân số của tiểu đoàn chỉ còn chưa đến một nửa so với khi mới vào thành. Đầu tháng 9 tiểu đoàn được bổ sung 52 tân binh nhưng đến ngày 6-9, quân số còn lại của cả tiểu đoàn cũng chỉ khoảng 80 người. Nói "khoảng" bởi lúc đó nói ra quân số chính xác là rất khó, nó thay đổi từng giờ, thậm chí từng phút. Cán bộ tiểu đoàn còn lại hai người là tôi-Chính trị viên phó và anh Trần Văn Măng, Tiểu đoàn trưởng. Cán bộ đại đội có Đại đội trưởng Đại đội 6 Nguyễn Văn Dặn và Đại đội trưởng Đại đội 7 Trần Văn Truyền. Không còn cán bộ trung đội nào được bổ nhiệm chính thức, mỗi đại đội có một đồng chí được chỉ định phụ trách trung đội trưởng.

Tình thế ấy buộc chúng tôi phải nâng đội hình chiến đấu lên phía trước, giáp với quân địch. Tôi và anh Măng vẫn ở nguyên vị trí cũ của sở chỉ huy tiểu đoàn, chỉ có thay đổi là trước ngày 6-9 nó là sở chỉ huy phía trước, còn bấy giờ là sở chỉ huy duy nhất trong mọi thời gian. Nói như thế “cho sang” chứ thực tế lúc đó chúng tôi không còn và cũng không cần đến sở chỉ huy. Hệ thống đường dây thông tin hữu tuyến đã bị pháo địch bắn nát, các chiến sĩ thông tin cũng đã thương vong hết, thông tin vô tuyến không còn hoạt động được. Hằng ngày, sự liên lạc giữa tiểu đoàn với các đại đội được thực hiện thông qua các chiến sĩ trinh sát truyền đạt nhưng nhiều khi tôi và anh Măng phải trực tiếp đến từng đại đội, thậm chí là từng hầm để nghe báo cáo hoặc phổ biến kế hoạch chiến đấu.

 Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị được chụp ngày 15-8-1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị được chụp ngày 15-8-1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Từ khi đưa đội hình lên hết phía trước, chúng tôi không còn bị pháo địch bắn, càng không bị máy bay địch ném bom, vì nếu bắn vào chúng tôi bom đạn sẽ rất dễ đi lạc sang đội hình của chúng. Lực lượng của ta và của địch lúc này đã rất gần nhau, chỉ cách nhau một khoảng đất trống hoặc vài căn nhà đổ. Thương vong của bộ đội ở giai đoạn này chủ yếu là do súng cối, đạn M79, lựu đạn và súng bắn thẳng của bọn lính thuộc sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy gây ra. Tỷ lệ thương vong của bộ đội giảm khá nhiều so với trước. Đây là một nghịch lý nhưng lại là một thực tế. Anh Măng và tôi đều đã nhận thấy điều này. Chúng tôi thông báo để bộ đội biết coi trọng việc bám sát đội hình địch. Tuy nhiên, sự căng thẳng trong việc cảnh giác, sẵn sàng đánh trả, ngăn chặn bộ binh địch tiến công lấn chiếm lại tăng lên. Ngày nào chúng cũng tổ chức tiến công, thông thường là hai lần, nhưng cũng có hôm chúng tiến công ba, bốn lần với các quy mô khác nhau.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn thời trẻ.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn thời trẻ.

Nhận thấy nếu để tình trạng này kéo dài bộ đội sẽ không thể giữ được sức khỏe và sự tỉnh táo để chiến đấu lâu dài, chúng tôi bàn ngay cách bố trí lại hầm hào chiến đấu, cho rút bớt số lượng hầm và tăng số người ở từng hầm lên. Như vậy trong mỗi hầm lúc nào cũng có hai người trực chiến ở hai hố chiến đấu hai bên, còn một người được nghỉ, ngủ giữa hầm. Vị trí nằm để ngủ nghỉ của từng hầm cũng phải thay nhau sửa chữa nâng cao lên, tránh để ngập nước. Cách nâng cao chỗ nằm phổ biến nhất mà mọi người đều thực hiện là kiếm gạch vỡ, gỗ vụn trong các ngôi nhà trong thị xã để xếp xuống dưới hầm. Sau đó trải áo mưa và võng bạt lên, nằm xuống, đỡ ẩm ướt mà vẫn êm.

Mùa mưa đã đến, cứ sau mỗi trận mưa, nước lại tràn vào lưng hầm, nếu không múc ra nhanh có khi còn ngập hầm. Vì thế, mỗi hầm đều phải cử người đi vào các đống đổ nát để kiếm cái gì đó có thể múc được nước. Nhờ có chuẩn bị chu đáo vị trí chiến đấu và ngủ nghỉ nên dù chiến đấu liên tục nhiều ngày bộ đội vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, diệt được nhiều địch, giữ vững trận địa. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn kiên cường đối mặt với từng đợt tấn công uy hiếp của địch, giành giật từng mét đất Thành cổ.

Trong chiến đấu, thông thường thì tỷ lệ thương vong của chiến sĩ cao hơn so với cán bộ, nhưng ở Tiểu đoàn 5 chúng tôi, trong thời gian chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tỷ lệ thương vong của cán bộ lại cao hơn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi tất cả các điều kiện và yếu tố dẫn đến thương vong, như hầm trú ẩn, mật độ bom đạn của địch… là như nhau, nhưng cán bộ phải đi lại, vận động nhiều hơn. May mắn cho tiểu đoàn tôi lúc bấy giờ, tuy số lượng cán bộ còn ít nhưng đều là những người gương mẫu, dũng cảm và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Tại chiến trường Quảng Trị, tôi và anh Măng đã hiệp đồng chỉ huy rất tốt. Anh rất bình tĩnh để xử lý các tình huống chiến đấu, nhanh nhẹn, dũng cảm trong hành động và cũng sâu sát gần gũi bộ đội. Khi cán bộ tiểu đoàn chỉ còn có anh và tôi ở trận địa, việc gì anh cũng trao đổi với tôi. Hàng ngày, mỗi khi có việc cần trao đổi anh thường vẫy tôi sang hầm anh nhưng nhiều lúc anh cũng chủ động sang hầm tôi. Sự thân thiết, gắn bó giữa tôi và anh Măng có lẽ cũng có tác động tích cực đến sự đoàn kết chung, để tiểu đoàn chúng tôi cùng nhau vượt qua những ngày cuối cùng đầy gian khổ và ác liệt ở khu vực Thành cổ Quảng Trị.

Người nhiều tuổi quân, tuổi đời thứ hai trong số bốn cán bộ của tiểu đoàn tôi còn trụ lại được đến tuần cuối cùng ở Thành cổ Quảng Trị là anh Trần Văn Truyền. Anh Truyền sinh năm 1943, nhập ngũ năm 1962, quê ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi biết anh Truyền từ đầu năm 1967, vì khi tôi nhập ngũ thì anh đang làm Quản lý của Tiểu đoàn 4. Sau này do yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường, anh Truyền được bổ nhiệm làm Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, đầu năm 1972 lại được điều động và bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 5. Anh Truyền là người hiền lành, ít nói, rất sâu sát, tỉ mỉ và cũng rất nghiêm khắc. Tôi biết khi anh mới về Đại đội 7, nhiều người không thích anh nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự gương mẫu và dũng cảm của anh đã thuyết phục được họ, cả đại đội đều yêu mến, tin tưởng người đại đội trưởng của mình. Đến Đại đội 7, lần nào tôi cũng thấy anh Truyền đang hướng dẫn cho chiến sĩ các hoạt động chiến đấu, lúc hướng dẫn cách vận động trên mặt đất thế nào cho an toàn, lúc khác lại là hướng dẫn việc dùng súng AK để bắn tỉa quân địch. Cả tôi và anh Măng luôn cảm thấy yên tâm về tinh thần cảnh giác và quyết tâm chiến đấu của Đại đội 7, dưới sự chỉ huy của anh Truyền.

Anh Nguyễn Văn Dặn, Đại đội trưởng Đại đội 6, sinh năm 1946, quê huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 1964 anh đi làm công nhân ở nhà máy Gang thép Thái Nguyên, rồi từ đấy đi bộ đội, tháng 7 năm 1967, vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, phát triển trưởng thành ở đấy, từ chiến sĩ binh nhì lên đến đại đội phó. Tháng 5 năm 1972, khi trung đoàn đã từ chiến trường Lào rút về tỉnh Nghệ An để củng cố, anh Dặn mới được điều động và bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 5. Anh Dặn đã hai lần bị thương ở chiến trường Lào, lần gần nhất là cuối năm 1971, anh bị bom đánh sập hầm, cây gỗ to đè lên người, làm cho anh gãy mất mấy đốt sống lưng. Khi ở Thành cổ Quảng Trị, lưng vẫn đau nhưng anh Dặn cố chịu, vẫn vui vẻ, hoạt bát, dũng cảm chỉ huy bộ đội chiến đấu. Những lúc bình thường anh Dặn rất hay đùa, vui, tếu táo. Có lần, tự nhiên anh nói với tôi:

- Cái ông Tố Hữu làm thơ hay thì có hay nhưng cứ xem kỹ mới thấy cũng sai nhiều lắm.

Thấy tôi cười, không nói gì, anh liền nói ngay:

- Ông ấy nói chiến sĩ Điện Biên "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" là khổ, đúng không? Tôi đang thèm cơm vắt quá nhưng không có mà ăn đây này. Lại còn khoét núi ngủ hầm nữa, anh em mình ở đây, nếu có núi để khoét hầm mà ngủ thì sướng quá.

Tôi bảo:

- Anh nói thế thì sai hơn Tố Hữu rồi. Ông Tố Hữu nói ở Điện Biên năm 1954 chứ có nói ở Quảng Trị năm 1972 đâu. Mỗi thời mỗi khác chứ, anh mà giỏi như ông Tố Hữu thì nay mai anh cũng làm thơ và viết vào đấy là: Cả tháng ăn lương khô và nằm hầm ngập nước.

Thế là cười xòa...

 Trung tướng Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đoàn 1, năm 2018.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đoàn 1, năm 2018.

Trong chiến đấu, chế độ báo cáo bao giờ cũng được duy trì rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Khi đội hình tiểu đoàn còn tương đối đông đủ thì việc báo cáo phản ảnh hàng ngày chúng tôi thực hiện thông qua điện thoại, khi đội hình đã gọn lại, việc báo cáo được thực hiện theo hình thức trực tiếp. Hằng ngày, bấy giờ tối các đơn vị báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mệnh lệnh chiến đấu tiếp theo. Những ngày sau này, cán bộ đại đội còn có hai người, chúng tôi thống nhất giao cho anh Dặn chỉ huy cả số chiến sĩ của Đại đội 5, anh Truyền chỉ huy cả số chiến sĩ của Đại đội 8. Những buổi nghe báo cáo cũng đồng thời là những buổi hội ý của cán bộ. Bọn ngụy, nếu có tấn công lấn chiếm thì đều thực hiện vào ban ngày để còn có thể dựa vào pháo cối chi viện, yểm trợ. Vì vậy, bấy giờ tối chúng tôi vừa nghe tình hình vừa hội ý cán bộ là rất an toàn. Nội dung các cuộc hội ý cũng luôn nhiều và phong phú, thay thế cho nội dung của cả các cuộc họp cấp ủy, chỉ huy trước đây, bao gồm cả phương pháp trinh sát nắm địch, thời cơ nổ súng khi địch tấn công ở từng quy mô; bàn về triển khai bình xét đề nghị khen thưởng bộ đội; bàn về công tác cán bộ... Do có sự chuẩn bị kỹ và cũng đã có trao đổi trước từng điểm nên khi hội ý chúng tôi đi đến nhất trí rất nhanh chóng.

Anh Măng đã mấy lần nói với tôi: Chúng ta thật may mắn còn lại được hai đồng chí đại đội trưởng vừa dũng cảm gương mẫu, vừa có năng lực tốt. Sau đợt này ta phải đề nghị trên bổ nhiệm cả anh Truyền và anh Dặn lên cán bộ tiểu đoàn anh ạ, tiểu đoàn phó hoặc chính trị viên phó cũng được. Tôi tin là cả hai cương vị đó, nếu được giao nhiệm vụ các đồng chí ấy đều sẽ làm tốt.

Tôi không tranh luận với anh Măng nữa vì đang còn rất nhiều việc thiết thực hơn cần phải bàn, việc ấy là của cấp trên chứ có phải của chúng tôi đâu. Tuy vậy, tôi vẫn phải thầm công nhận anh Măng có cái nhìn đúng đắn và sắc bén. Trong thâm tâm tôi cũng nghĩ như anh Măng và chuẩn bị ý kiến của riêng mình. Nhưng thật đáng tiếc, những điều anh Măng dự đoán chỉ diễn ra được một phần, phần quan trọng nhất lại bị quân địch phá hỏng mất. Anh Truyền, người bạn chiến đấu rất thân thương và gần gũi của chúng tôi đã hy sinh vào cái ngày cuối cùng chúng tôi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

 Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên phải) và Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu-những người lính từng chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (bên phải) và Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu-những người lính từng chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi được lệnh rút ra khỏi khu vực Thành cổ và về lại đội hình của Trung đoàn 165, anh Măng được bổ nhiệm làm Tham mưu phó trung đoàn, tôi được bổ nhiệm Chính trị viên tiểu đoàn nhưng cũng chỉ ở tiểu đoàn đến hết năm 1972, lại được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Chính trị trung đoàn, chỉ còn một mình anh Dặn là còn ở tiểu đoàn cho đến cuối năm 1973. Chúng tôi vẫn ở cùng nhau trong đội hình Trung đoàn 165 cho đến hết Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, sau đó mỗi người mỗi ngả. Trước khi chia tay, chúng tôi hẹn với nhau, hòa bình rồi, hàng năm, nếu còn khỏe, cố gắng gặp nhau ở trung đoàn. Lời hẹn ước đó tưởng đơn giản, nhưng thực tế chẳng đơn giản chút nào. Chiến tranh ở biên giới Tây Nam, rồi chiến tranh ở biên giới phía Bắc cứ liên tiếp xảy ra và kéo dài, buộc chúng tôi tiếp tục mỗi người mỗi ngả. Tôi được biết, những năm sau này anh Dặn vẫn luôn tích cực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bổ nhiệm phó sư đoàn trưởng một sư đoàn thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Được phong quân hàm cấp Đại tá, nhưng do sức khỏe yếu anh nghỉ hưu sớm. Anh mất năm 2008, do vết thương tái phát.

Những năm gần đây, năm nào tôi và anh Măng cũng gặp nhau và mỗi lần gặp chúng tôi đều ôn lại những kỷ niệm trong thời gian chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi nhắc đến từng sự việc đã diễn ra, tưởng nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh, nhắc đến tên của từng người đã cùng chúng tôi vượt qua sự gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất huy hoàng. Chúng tôi đặc biệt nhắc nhiều đến những đồng đội đã khuất, nhắc những ngày cuối cùng ở Thành cổ: Gian khó, bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Lịch sử đã chọn chúng tôi, và chúng tôi tự hào với sứ mệnh thiêng liêng ấy.!

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN (nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nhung-ngay-cuoi-cung-o-thanh-co-quang-tri-735989