Những ngày 'Điện Biên Phủ trên không' không thể nào quên
Nhân 48 năm 'Điện Biên Phủ trên không' (18-30/12/1972 - 12/2020), 25 năm (1995 - 2020) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày 'Để bầu trời mãi xanh'. Với chúng tôi, những ngày' Điện Biên Phủ trên không' ấy là những ngày không thể nào quên.
Cuối chiều ngày 16/12/1972, ba “tân giặc lái” quê huyện Nghi Lộc chúng tôi cầm quyết định của Trường huấn luyện lái xe Pháo binh (F351) có mặt tại Đoàn vận tải hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh, đóng tại Vườn nhãn-Đền Voi Phục, cạnh Ngã Ba Cầu Giấy (về sau là Công viên Thủ Lệ, Hà Nội). Đến đơn vị mới, người đầu tiên tôi gặp dáng thư sinh, da trắng như trứng gà bóc, hắn chủ động vào doanh trại lấy xô, chậu, xà phòng mang ra nhà tắm cho ba tân binh chúng tôi sử dụng, hắn còn chỉ dẫn vòi tắm, vòi giặt, chỗ phơi áo quần và tự giới thiệu:
- Tớ là Lương Na, quê Tam Đường, Lào Cai, nhập ngũ 1971, lính sửa chữa ô tô.
- Ba chúng tôi là Lê Công Tường, Nguyễn Giao Hưởng, Nguyễn Minh Trung, cùng quê Nghi Lộc, Nghệ An, từ Trường lái xe về đầu quân đơn vị.
Hôm sau Na giới thiệu Ngô Du, quê Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Binh với tôi. Ngô Du cũng “giặc lái” ra trường trước tôi 2 khóa, ngày ấy mấy nàng Hà Nội gốc, tuổi 16,17 nhà ở khu vực Ngã Ba Cầu Giấy nơi đơn vị đóng quân, đùa gọi lính trẻ chúng tôi là “bộ đội bẻ cổ ô tô”.
Về “nhà mới”, chúng tôi chưa kịp gặp mặt, chưa kịp nhớ hết tên anh em trong phân đội, chập tối hôm sau 17/12, Thiếu tá Lý Bá Keng thủ trưởng Đoàn, bất thình lình thổi còi tập hợp đơn vị, phổ biến điện khẩn của Thiếu tướng Doãn Tuế, Tư lệnh trưởng BTL Pháo binh:
- Ngoại trừ số đang làm nhiệm vụ ở xa đơn vị, trên 100 cán bộ chiến sỹ hiện có mặt “thực thi lệnh đột xuất là trước 21h phải rời doanh trại lên đường làm nhiệm vụ trong đêm nay”.
Lính già rỉ tai nhau, lính trẻ thì ngơ ngác chẳng ai biết “nhiệm vụ đột xuất” là gì. Trong khi chờ lên xe, tôi tranh thủ ngó “dinh cơ” đơn vị gồm mấy dãy lán tre nứa, ngắm tấm phản gỗ (cũng được gọi là “giường”) gắn tấm biển ghi họ tên tôi trong lán phân đội 2, nơi tôi mới ngủ đúng 1 đêm đầu. Rảo qua bãi xe đơn vị, tôi đếm được mấy chục đầu xe đa chủng đa loại, đa quốc gia sản xuất Liên Xô, Trung Quốc, Hung ga ri, Ba Lan, Pháp… đang tư thế chờ lệnh khởi hành. Đúng 21 giờ hơn 100 cán bộ chiến sỹ lên 5 xe đại xa phủ kín bạt rời đơn vị, rời Hà Nội. Chúng tôi đi mà không biết nơi đến, không biết nhiệm vụ “đặc biệt” là gì, chưa biết khi nào về lại Vườn nhãn-Đền Voi Phục.
Chừng 1 giờ sáng đoàn xe dừng ngoài rìa xóm nhỏ, Chính trị viên Đại úy Lê Nhạn khẩu lệnh đủ nghe:
-Từng tổ 3 người vào nhà dân tìm chỗ ngủ.
Ba chúng tôi quê Nghi Lộc tự lập thành một tổ cử anh Lê Công Tường SN 1952 làm tổ trưởng. Đêm miệt rừng bí hiểm, chúng tôi dò đường vào nhà dân. Con đường vào làng lầy lội bùn đất, mùi phân trâu, mùi cây tươi chống lầy lâu ngày mục ải, “tổ hợp mùi” xộc vào miệng vào mũi khó thở. Dừng lại trước cổng một nhà dân, cánh cổng làm bằng tre, “ổ khóa” cổng buộc bằng sợi dây đồng. Tôi luồn tay mở được “khóa” cổng nhưng không dám vào, đành đứng đội trời đội gió rét chờ anh Tường lên tiếng gọi:
-Bộ ơi bộ. Bộ ơi bộ (Bố ơi bố)
Chỉ tiếng côn trùng từ sau mấy quả đồi vọng lại.
- Bộ ơi bộ, bộ ơi bộ, chúng con là lỉnh đây mừ (Bố ơi bố, chúng con là lính đây mà)
Vọng lại vẫn tiếng côn trùng hợp xướng của miệt đại ngàn. Gần 1 tiếng đồng hồ giữa trời giá buốt, khỏe như thằng Minh Trung mà hai hàm răng va lập cập vào nhau, tôi thì như muốn cảm lạnh, Minh Trung giục đi tìm nhà khác, tôi ngăn lại:
- Giữa đêm khuya ai biết chúng mình đến mà chờ, cứ mở cổng vào nằm dưới mái hiên có chỗ ngã lưng đắp chăn là được.
“Liều kiến” của tôi xem ra lại được việc, ba lính chỉ kịp trải chiếu trùm chăn đã thẳng giấc không biết trời đất là gì.
Tiếng mở cửa làm tôi tỉnh giấc, nắng sớm xua lớp sương mù, anh Tường và Trung cũng loàng quàng chồm dậy, chúng tôi cuốn chiếu gấp chăn trước ánh mắt ngỡ ngàng của bố con ông chủ nhà. Tôi nghe ông chủ nói với cô con gái mà không hiểu gì, lát sau ông nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ:
-Cac chu vao trong nha keo lanh (Các chú vào trong nhà kẻo lạnh)
Miệng nói tay ông xách ba lô của ba lính đặt lên cỗ phản gụ đen bóng giữa nhà, cô bé (lát sau tôi mới biết tên là Bích 14 tuổi) mang lên siêu nước đun sôi phả khói:
-Bố quen uống trà sáng, cứ làm vài chén cho ấm bụng đã. Bố nghe tiếng gọi nhưng chẳng hiểu, cứ nghĩ là người ngoại quốc trò chuyện ngoài đường, không nghĩ là bộ đội mình. Sao cũng tiếng phổ thông nước mình mà bố nghe không hiểu nhỉ?
Anh Tường ngẩn tò te, tôi và Trung bấm bụng để không bật cười vì “bất đồng ngôn ngữ”. Không ngờ chất giọng Nghi Yên-Cầu Cấm của anh Tường khiến chủ nhà ngỡ là “tiếng nước ngoài”. Quê cùng huyện, anh Tường ở đầu huyện, tôi và Trung ở cuối huyện nói với nhau đã khó nghe, huống là ông giáo người Mường dạy trường làng ở xóm Đồng Văn, xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình này.
Chưa kịp bổ sung nước sôi vào ấm trà, từ dưới bếp bà chủ đã giục bé Bích bê đĩa sắn luộc đang bốc khói đặt lên bàn:
- Các con ăn đi, sắn nếp trồng khắp mấy quả đồi. Thông cảm người già lẩm cẩm, suốt đêm các chú chịu rét, thương lắm.
Bé Bích nép sau lưng mẹ, cặp mắt đen láy nhìn chúng tôi điểm tâm ngon lành:
- Bố cháu mở cửa thấy các chú ngủ say, bố quay vào gọi cháu “này Bích, mày tinh mắt ra xem có phải bộ đội hay người nước ngoài lỡ đường”. Cháu chỉ vào sao vàng gắn ở mũ các chú đang gối đầu, bấy giờ bố mới tin.
Tối 18/12/1972 Tổng thống Nich xơn khai hỏa chiến dịch Linebacker II. Từ xóm nhỏ Đồng Văn, xã Tiến Xuân, tôi nín thở dõi theo trận cuồng phong bão lửa nổ ra trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh lân cận, dõi nhìn những quả tên lửa kéo theo những vệt sáng khổng lồ sáng rực một vùng trời. Cách xóm Đồng Văn chừng 5-6 cây số, sân bay dã chiến Hòa Lạc đã lâu không điện không đèn, đêm nay bổng những chiếc MIC17 lần lượt lao ra đường băng rồi mất hút giữa màn đêm. Đến lúc ấy tôi mới ngộ ra: Chúng ta không hề bất ngờ trước canh bạc cuối cùng của Tổng thống Nich xơn. Chẳng là một tuần trước đó Thủ đô đã “vườn không nhà trống” sơ tán trên nửa triệu dân nội thành-cuộc sơ tán quy mô lớn nhất trong lịch sử Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, đơn vị chúng tôi nằm trong loạt cuối cùng phải rời khỏi nội thành để bảo toàn lực lượng.
Liên tục 12 ngày đêm quân và dân ta làm nên “Điện Biên Phủ trên không”, về sau qua các nguồn tài liệu từ nhiều phía tôi biết: Linebacker II là chiến dịch tập kích chiến lược đường không quy mô chưa từng có của không quân Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó. Vật đổi sao dời, cháu Bích thuở ấy sang thế kỷ 21 là cô Hiệu trưởng trường của một trường Trung học cơ sở thuộc huyện Lương Sơn. Năm Canh Tý-2020 này “cháu” Bích tuổi 62, nghỉ hưu đã 7 năm, là bà của một chùm cháu nội, ngoại, và cái xóm nhỏ Đồng Văn cùng toàn bộ xã Tiến Xuân ngày ấy cũng sáp nhập thủ đô Hà Nội gần chục năm rồi. /.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhung-ngay-dien-bien-phu-tren-khong-khong-the-nao-quen-404475.html