Những ngày đón Tết Độc lập ở Bình Thuận!

77 năm trước, khí thế cách mạng của cả nước phát triển mạnh như vũ bão, thời cơ giành độc lập cho nước nhà đã đến thời điểm chín muồi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đồng bào cả nước nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi vang dội trên khắp mọi miền của đất nước.

Giờ quyết định đã đến

Tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Lễ đài Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu.

Tại Bình Thuận lúc bấy giờ, sau thời kỳ Mặt trận dân chủ, địch khủng bố gắt gao, nhiều đảng viên là lãnh đạo bị bắt tù đày, đường dây liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ bị đứt, thiếu sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 6/1945, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận được thành lập, do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Tương phụ trách tổ chức – tài chính; các đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Thái Hựu phụ trách các huyện, ngành, phong trào cách mạng từng bước phát triển. Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Trước khí thế cách mạng của nhân dân, ngày 24/8/1945, tỉnh trưởng Huỳnh Dư giao chính quyền cho cách mạng. Ngày 25/8/1945, hàng vạn đồng bào từ các vùng xung quanh Phan Thiết kéo về cùng với đồng bào thị xã diễu hành biểu dương lực lượng và tập trung tại sân vận động Phan Thiết tham gia mít tinh mừng chiến thắng, sau đó lần lượt diễu hành qua các phố, ngả đường càng làm cho khí thế cách mạng lên cao. Sau đó, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập, gồm 11 ủy viên, đồng chí Nguyễn Nhơn được cử làm Chủ tịch, Nguyễn Tương làm Phó Chủ tịch.

Giành chính quyền về tay nhân dân

Sau khi giành chính quyền ở tỉnh và Phan Thiết thành công, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh triển khai cán bộ xuống các huyện tổ chức nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Hàm Thuận, những ngày sau đó bọn tay sai từ phủ, tổng đến xã, phường lần lượt ra trình diện, giao nộp hồ sơ, đồng triện cho cách mạng. Chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Nguyễn Gia Tú được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và ông Nguyễn Hữu Hạnh làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Ở các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong, đồng chí Cổ Văn An được Việt Minh tỉnh phân công phụ trách đã cùng với Ban Vận động Việt Minh các huyện lãnh đạo quần chúng nổi dậy. Đêm 24/8/1945 lực lượng ta tiến vào phủ bộ Hòa Đa, đề lại Phan Thanh Cần và đội quản đồn Hòa Đa đầu hàng, giao ấn tín, vũ khí cho cách mạng. Ngày 28/8/1945, UBND cách mạng lâm thời Hòa Đa được thành lập, đồng chí Cổ Văn An được bầu làm Chủ tịch, ông Lê Hòa làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Ở Tuy Phong, trưa 27/8 hàng ngàn người đổ về xã Long Hương mít-tinh sau đó kéo đến huyện đường, tri huyện Phan Thanh Đạm đầu hàng, giao ấn tín. Đến tối cùng ngày, UBND cách mạng lâm thời huyện được thành lập, do đồng chí Võ Đằng làm Chủ tịch. Còn ở đảo Phú Quý, sau khi quân Nhật rút khỏi đảo và nhận chủ trương khởi nghĩa từ đất liền, tối 29/8, một số thanh niên yêu nước cùng cốt cán Việt Minh tổ chức tước vũ khí lính ngụy, lập chính quyền cách mạng, đồng chí Huỳnh Văn Hoạch được bầu làm Chủ tịch. Ở Hàm Tân, các xã Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân, nơi có đảng viên cũ đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền vào 7 giờ sáng ngày 26/8. Sáng 29/8 các làng Bình Châu, Thắng Hải nhân dân kéo về huyện đường Hàm Tân để biểu dương lực lượng. Ở huyện Tánh Linh, sau khi tham gia giành chính quyền ở tỉnh, đồng chí Nguyễn Gia Tú được cử lên cùng đồng chí Lê Văn Triều tổ chức giành chính quyền thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Lê Văn Triều được bầu làm Chủ tịch.

Gần một tháng sau ngày khởi nghĩa, hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở ở Bình Thuận đã được thành lập và hoạt động. Ngày 2/9/1945, trên sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, diễu hành mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tại Sài Gòn, người dân cũng kéo đến Quảng trường Nam Bộ Phủ mít-tinh chào mừng ngày Độc lập 2/9/1945. Ảnh tư liệu.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhung-ngay-don-tet-doc-lap-o-binh-thuan-100625.html