Những ngày giỗ kỵ xa xôi...
Người bà mà bố tôi gọi bằng cô, là bà áp út - em ruột của ông nội tôi. Những ngày giỗ kỵ, khi mâm cơm giỗ sắp sửa kết thúc, rượu bắt đầu ngà ngà lên men những người đàn ông, dù dưới ánh điện đỏ quạch như đèn đom đóm vẫn nhận thấy những gương mặt lựng đỏ, thì bà tôi bắt đầu lên đồng, người lắc lư, xoay tít…
Tôi – đứa trẻ dời làng từ thuở bắt đầu biết tự nhấn những vòng pê-đan của chiếc xe đạp Thống Nhất, mà vì lũn cũn, thấp bé quá, phải đặt tịt mông lên chiếc khung xe vì không thể ngồi lên yên được. Mỗi một lần chiếc pê-đan quay đến vị trí 12 h, mông lại bị hích lên, khi thì bên phải, lúc thì bên trái, có lẽ nếu tự nhìn thấy hình ảnh của chính mình, sẽ không thể hình dung được, tại sao một đứa bé tẹo lại điều khiển được cả “cỗ máy” bằng kim loại mà trọng lượng có lẽ nặng gấp 2 lần nó tài tình đến thế… Nơi đầu tiên tôi đến, đó là ngôi trường trên huyện, cách làng độ dăm ba cây số.
Sau này, có những lần dời làng xa hơn nữa, như lên Thủ đô học Đại học; rồi, vì công việc, ở lại làm; rồi, vì có vợ con, gia đình, lại định cư; vì việc học hành của con cái, thế là chuyển khẩu, tách khẩu… Sau mỗi lần “ vì, vì” như thế, khoảng cách về ngôi làng cũ, hình như mỗi ngày mỗi xa.
Ngoảnh lại, thế mà cũng mấy chục năm xa quê. Gió sương không phải gió sương làng mình, hình như khiến tóc bạc nhanh hơn. Như mới chiều hôm trước, con gái lớn vạch một bên tóc mái, thấy một vạt ngả màu trắng, nó từ bỏ không nhổ tóc bạc cho bố nữa, vì nếu nhổ, chắc trụi hết cả vạt.
Chiều, về quê canh đúng dịp giỗ Cụ nội – người mà bố tôi gọi bằng ông, con trai tôi - cu Khoai, gọi là kỵ. Tôi không biết mặt Cụ. Hẳn nhiên, thằng Khoai càng không biết...
Bữa cơm gia đình đầm ấm. Bà chị dâu trưởng bảo, nay hóa vàng, đến lượt ông lão (bố tôi) được mời lên nhận lễ vật, đồng tiền âm dương quay tít.
Bỗng dưng như thấy lòng se sắt. Dù hai đồng tiền xu nó là vật kim loại, nhưng, rõ nó là vật trung gian kết nối âm dương. Nó cho thấy, đâu đó quanh ta, những người mất đi, vẫn dõi theo những người đang sống.
Xưa, ngày giỗ kỵ là những kỷ niệm đẹp. Lũ con nít, ăn hai lưng cơm bằng quả trứng đã no căng diều, thêm nắm xôi đỗ hoa cau... rồi biến đi chơi trận giả, trong con ngõ nhễ nhại ánh trăng.
Họ nhà tôi, từ nhiều năm trước, đám giỗ nào cũng có đầy đủ già trẻ lớn bé, trong đó có người bà mà bố tôi gọi bằng cô, là bà áp út - em ruột của ông nội tôi. Những ngày giỗ kỵ, khi mâm cơm giỗ sắp sửa kết thúc, rượu bắt đầu ngà ngà lên men những người đàn ông, dù dưới ánh điện đỏ quạch như đèn đom đóm vẫn nhận thấy những gương mặt lựng đỏ, thì bà tôi bắt đầu lên đồng, người lắc lư, xoay tít…
Mái tóc dài của người già đã bạc trắng, không còn dày như thời xuân trẻ, nhưng bà vẫn bện chung với cái khăn ruột mèo, vấn thành một vấn tròn trên đầu. Bà hẳn là người có căn cốt, cả sức khỏe nữa, nên những bận người giỗ là nam giới, bà uống liền mấy chén rượu, mắt trợn tròn, đảo liên tục. Ban đầu, bà bắt đầu ngồi khoanh bằng chân, hai tay đặt trên đầu gối, mặt nghiêm nghị, chuyển sắc… Cứ khi nào có những biểu hiện như thế, các bác tôi đều biết, một cụ nào trong họ đã “nhập đồng” vào bà tôi, rất tự nhiên như thế mà không phải nhảy múa hay thắp hương khấn vái…
Có bận, ông nội tôi về “nhập” vào bà. Sau phần ngồi nghiêm nghị, “ông tôi” bắt đầu hắng giọng: “Thằng a, b, c… đâu hết cả rồi. Thầy về mà vẫn ngồi yên không ra chào một tiếng hử?”.
Các bác tôi đang ngồi mâm dưới đất, vội buông bát đũa, ngồi vén lên giường cạnh “thầy”. Trong lúc bác cả thưa thốt trình bầy, xin ông tôi đại xá, bác hai răng rụng gần hết hàm dưới, móm mém cười, hai bàn tay liên tục bóp lần từ bả vai cho tới đùi của “thầy” đang hiện hữu trong người bà cô. Bố tôi xăng xái mang chiếc thau ra bờ giếng, kéo gàu múc một thau nước mát lạnh, kèm theo chiếc khăn mặt để vào rửa mặt, lau chân, tay… khắp lượt cho thầy.
Những cơ cứng trên gương mặt già nua của bà bắt đầu giãn nở và dịu lại. Hai chân vẫn khoanh bằng trên giường, nhưng phần eo làm điểm tựa cho cả phần cơ thể từ hông lên đầu của bà lắc tròn dần đều. Rồi "ông" gọi từng người ra cật vấn, khề khà những chuyện xưa cũ.
Bác hai nhà tôi là lão nông tri điền chính cống. Mùa cấy gặt, bác quần quật ngoài đồng từ mờ sương cho đến khi bờ cỏ đã đẫm sương đêm. Hết mùa vụ, bác đi te, đi xèo trên con sông đào. Chuyện của bác, dù không ra quá đầu làng, nhưng những lần về quê, tôi sang ngồi chơi với bác để nghe kể, tỉ tê đến độ không nhấc chân lên được để ra về.
Ngồi sáp bên đấm bóp cho “thầy”, bác hai tôi chẳng biết thật thà hay xỏ xiên bà cô, bảo: “Mời Thầy xơi điếu thuốc lào”, rồi dụi đầu đóm vào cái nõ điếu bát quèn quẹt như con gà chùi mỏ, rọi bật lửa châm đóm mồi. "Thầy" hút liền một lúc hai, ba điếu, nhả những vòng khói tròn màu xám lên đỉnh đình màn, sau đó, đám khói rủ nhau lan lên nóc gian nhà mái ngói, trước khi theo các lỗ thông gió bay ra ngoài…
Nhìn thấy thế, bác tôi cười, bảo: “Đúng là thầy rồi. Ngày còn sống, khi hút thuốc lào, thầy kiểu gì cũng hút liền hai, ba điếu. Quen rồi”.
Có lần, bà hút mấy điếu thuốc liền một lúc nên nặng, ôm ngực ho sù sụ, dù bà cô của bố, ngày thường không bao giờ bén mảng...
Những bận như thế, y rằng, sớm sau, thằng em chú - cháu nội của bà lên gặp bác hai, nửa như báo cáo, nửa như trách móc: “Sao hôm qua bác cho bà cháu hút nhiều thuốc lào thế, làm bà cháu về say thuốc đến tận giờ”.
Nhẽ dĩ nhiên, lúc ông nội về nhập vào bà tôi, lũ con nít mách nhau đứng vây xung quanh, hóng hớt, vừa tò mò, thích thú, vừa sợ hãi, rùng rợn, thậm chí, dù có mót đái cũng cố nhịn nán xem, phần sợ đi đái xong quay lại thì bà không lên đồng nữa, phần sợ ma đang dập dòm ngoài chỗ nào không biết.
Giờ, thì bà cô của bố tôi cũng đã mất. Ông bác hai châm điếu nhồi 3 điếu liền cho bà cũng thành thiên cổ... Đám giỗ vắng mặt những người xưa cũ, mà giờ, cũng là những người mà lúc khấn, con cháu thỉnh về mời cơm... nên cảm giác cũng buồn hiu hắt.
Tôi nhớ những đám giỗ cũ, từ tối hôm trước, mấy anh em bố tôi đã chụm đầu bàn bạc bên nhà bác cả, lên thực đơn, danh sách người mời, cắt đặt bao nhiêu mâm cỗ... Sớm sau, khi tôi ló đầu qua cái cửa sổ nhìn sang nhà bác cả, đã thấy có đôi gà, đôi vịt buộc chéo chân nằm ở chân đống rơm, đợi chiều hóa kiếp...
Mâm cỗ đơn sơ dăm ba món, có món lòng nấu mướp hương - nó dậy lên mùi thơm nồng nàn cả ba gian nhà ngói...
Lâu rồi thật lâu, không có dịp nào thư thả, được về trọn vẹn cả một kỳ như học sinh nghỉ hè, dài ngày để đủ thời gian lên chợ Đọ mua vài đôi ngan móng trâu về nuôi. Nhìn đàn ngan lũn chũn vàng ươm, rồi chuyển màu lông sang trắng, đến khi những chiếc lông ống bắt đầu nhú ở hai đầu cánh và đuôi. Khi nó chừng 8 lạng, 1 cân, đã ra dáng là chú ngan thanh niên, vỗ thêm đôi ba tuần là có thể mang ra thịt.
Thèm được làm chủ một khúc sông, thả đăng đơm đó, chiều chiều đi dận trai, tối đến đi câu lươn, soi ếch. Bắt một giàn mướp men bờ, căn lúc bắt đầu gieo hạt, bắc giàn, chống cái gậy cho mướp leo lên sao cho khớp với dịp đi chợ Đọ mua ngan giống, để đến lúc mướp đậu quả, đủ to để ăn, cũng là lúc đàn ngan đủ tuổi thịt...
Làng. Nó là nơi con ngựa đến tuổi đóng móng, bước những bước chân đầu tiên dời đi. Nó, có thể trở thành chiến mã, một con ngựa thồ hay thành một bãi lùm lùm bên đường cho cỏ dại phủ. Nhưng, cuối cùng, khi về già, hay dẫu chỉ là một nắm xương khô, vẫn quay về bằng được.
Trong muôn vàn lý do, có cả những ngày giỗ kỵ xa xôi như thế...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-ngay-gio-ky-xa-xoi-tintuc444919