Những ngày khủng khiếp ở Al-Aqsa

Là cố vấn kỹ thuật cao cấp thuộc Ủy ban Cứu hộ quốc tế chuyên về các hoạt động ứng phó y tế khẩn cấp toàn cầu, bác sĩ Seema Jilani đã có nhiều ngày làm việc tại bệnh viện Al-Aqsa ở trung tâm Dải Gaza. Cuộc trả lời phỏng vấn của cô với trang tin Inside Politics cho thấy những thảm cảnh đau lòng mà người dân Palestin phải gánh chịu…

1. Mở đầu cuộc phỏng vấn của trang tin Inside Politics, bác sĩ Seema Jilani nói: “Tôi khởi hành từ Cairo, Ai Cập đúng vào vào ngày lễ Giáng sinh trong một chương trình do Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) hợp tác với Cơ quan Viện trợ y tế cho người Palestine (MAP) và Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo thuộc Liên hợp quốc. Nhiệm vụ của chúng tôi là triển khai một đội ứng phó khẩn cấp gồm 2 bác sĩ phẫu thuật tổng quát, 1 bác sĩ chấn thương chỉnh hình, 1 bác sĩ cấp cứu nhi khoa, 1 bác sĩ gây mê cùng một số tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ quốc tế…”.

Địa điểm nơi Đội ứng phó khẩn cấp của bác sĩ Seema Jilani làm việc là bệnh viện Al-Aqsa ở Deir al Balah. Đây là cơ sở y tế duy nhất còn hoạt động ở Gaza. Chỉ vài giờ đầu tiên sau khi đến, bác sĩ Seema đã mổ cấp cứu cho một cậu bé 1 tuổi. Cô nói: “Tay phải và chân phải của nạn nhân bị trúng bom. Tã của cậu bé đầy máu nhưng chân thì biến mất. Tôi cùng một bác sĩ khác mổ cho nó khi nó nằm trên mặt đất. Không có giường và cũng không có cáng vì tất cả đều đã đầy người. Bên cạnh cậu bé là một người đàn ông đang trút hơi thở cuối cùng, ruồi bám đầy ở các vết thương trên người ông. Cùng lúc đó một phụ nữ được đưa đến nhưng ngay lập tức, bác sĩ Ibrahim cho biết chị ấy đã chết trước khi vào viện…”.

Việc cấp cứu cho nạn nhân ở bênh viện Al-Aqsa diễn ra ở bất cứ chỗ nào.

Việc cấp cứu cho nạn nhân ở bênh viện Al-Aqsa diễn ra ở bất cứ chỗ nào.

Sau khi khâu xong mỏm cụt ở chân phải, bác sĩ Seema phát hiện cậu bé còn bị chảy máu bên trong khoang ngực. Cô nói: “Tôi cần một ống thông để hút máu ra ngoài nhưng không có, kể cả morphin giảm đau”. Cách duy nhất mà cô cùng bác sĩ phẫu thuật tổng quát có thể làm là mở lồng ngực rồi làm sạch máu. Bác sĩ Seema nói tiếp: “Đây là sự chọn chẳng đặng đừng với chúng tôi. Nó thật sự tàn khốc”.

Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra sau vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng và khoảng 59.000 người khác bị thương trong các chiến dịch quân sự do cả hai bên thực hiện, dẫn đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Palestine đứng trên bờ sụp đổ. Và bởi vì số nạn nhân thương vong liên tục đưa vào bệnh viện Al-Aqsa từng giờ nên mạng lưới điều trị đã được xây dựng không đủ sức chống chọi với tình trạng quá tải. Có những bác sĩ phải mổ hơn 10 ca mỗi ngày và nhiều bác sĩ địa phương không thể đến bệnh viện vì đường đi quá nguy hiểm.

Bác sĩ Seema nói: “Một trong những điều khó khăn nhất của chúng tôi là tạo được không gian trống trong phòng cấp cứu: Ai được phép nằm lại và ai phải chuyển đi nơi khác để nhường chỗ cho người mới đến? Không ai ngờ được tình hình lại bi đát như thế này nên không một thiết kế nào được lập trình để có thể chịu đựng nổi…”.

Với bác sĩ Riyadh Almasharqah, ông cho biết bệnh viện Al-Aqsa lúc này không còn dao mổ. Mỗi khi mổ xong, dao được rửa sạch rồi hấp vô trùng để mổ tiếp! Bác sĩ Riyadh nói: “Đến ca mổ thứ ba, dao trở nên cùn khiến tôi phải rạch 2, 3 lần mới có thể cắt đứt lớp da”. Thuốc giảm đau cũng thế. Do số lượng chỉ có rất ít nên nhiều nạn nhân sau khi mổ phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Tiếng rên rỉ, thậm chí la hét không ngớt vang lên ở những khoa phòng, trên những hành lang vì đau, chưa kể tình trạng nhiễm trùng vết mổ hoặc vết mổ chậm lành vì nạn nhân suy dinh dưỡng.

Vẫn theo bác sĩ Riyadh, chỉ riêng khoa chỉnh hình vốn thiết kế cho 50 bệnh nhân thì bây giờ là 250 bệnh nhân. Đinh đóng cố định xương thiếu, bột bó gãy xương cũng thiếu, nạn nhân chỉ được nẹp bằng mấy thanh gỗ. Việc ghép da hầu như không thể thực hiện vì không còn những loại chỉ khâu chuyên dùng. Tất cả những điều này là kết quả của sự bao vây, cấm vận từ phía Israel cả về vật tư y tế lẫn lương thực. Bệnh viện Al-Aqsa chỉ nhận được sự giúp đỡ hiếm hoi bởi các tổ chức nhân đạo nước ngoài được Israel chấp thuận cho vào Gaza.

Bác sĩ Riyadh nói: “Trong 24 giờ qua, tôi đã mất 3 bệnh nhi vì các vết thương do bị bỏng. Chúng chết vì sốc, vì chúng tôi không có dịch truyền để bù nước và điện giải cho chúng. Tôi đã liên lạc với một số tổ chức từ thiện và họ hứa sẽ giúp chúng tôi nhưng đến giờ này, thuốc men dụng cụ vẫn đang nằm đâu đó bên kia cửa khẩu Ai Cập…”.

Bác sĩ Seema chăm sóc cho một bệnh nhi. Do không còn giường nên cậu bé phải nằm trong cái thùng đựng lương thực.

Bác sĩ Seema chăm sóc cho một bệnh nhi. Do không còn giường nên cậu bé phải nằm trong cái thùng đựng lương thực.

Với bác sĩ Williams, chuyên khoa phẫu thuật tổng quát người Mỹ, ông đến bệnh viện Al-Aqsa hồi tháng 2/2024 trong vai trò tình nguyện viên của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Chỉ 40 phút sau khi vào khoa Ngoại, ông đã phải đối đầu với một ca chấn thương phức tạp: Rowan, 20 tuổi người Palestine bị một chiếc xe tăng cán qua. Gia đình Rowan đã đưa cô đến rồi dựng lều ngay ngoài sân bệnh viện để chờ tin tức về cô. Bác sĩ Williams nói: “Chân của cô gái gần như nát bét. Lực cán của xích xe tăng đã tách lìa phần cơ đùi ra khỏi xương, chỉ còn dính lại bởi vài mảng da nhưng may mắn là xương chỉ bị nứt. Cô cần được mổ ngay để các mạch máu có thể tiếp tục nuôi dưỡng bó cơ vì nếu không, nó sẽ bị hoại tử, chưa kể nhiễm trùng”.

May mắn đến với Rowan là cũng lúc ấy, một nhóm bác sĩ từ Jordan được Israel cho phép vào bệnh viện Al-Aqsa. Lập tức bác sĩ Williams chuyển Rowan lên bàn mổ. Trong suốt 3 tiếng đồng hồ, ông cùng các đồng nghiệp xử lý vết thương cho cô gái rồi khi ca mổ kết thúc, Williams tiếp tục cắt bỏ một phần dạ dày và ruột non cho một người đàn ông bị nguyên mảng tường đè trúng khi căn nhà của ông ta trúng bom. Tiếp theo là một bé gái bị mảnh đạn xuyên thủng đại tràng.

Bác sĩ Williams nói: “Phòng mổ tối đen như mực. Lưới điện bị phá hủy và máy phát điện của bệnh viện thì không có xăng. Tôi cùng các đồng nghiệp mổ dưới ánh đèn pin đeo trên đầu. Ở góc phòng mổ, một tình nguyện viên Chữ thập đỏ ngồi cạnh cái máy phát điện quay tay. Thỉnh thoảng một bác sĩ lại nhìn anh ta rồi gật đầu. Lập tức, anh ta lấy cục pin đã được sạc đầy bằng cái máy phát điện ấy, thay vào cục pin đã gần hết trong cái đèn của bác sĩ…”.

2. Theo một thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế Palestine, tính đến ngày 21/5/2024, hơn 200 cơ sở y tế ở Gaza đã bi phá hủy, 32 bệnh viện ngừng hoạt động vì không còn thuốc men, vật tư. Bác sĩ Riyadh cho biết do không có nơi nào an toàn, thân nhân các nạn nhân sau khi đưa người nhà vào bệnh viện thì họ nằm, ngồi la liệt trên các bãi cỏ xung quanh bệnh viện, các hành lang. Ngay cả lối vào nhà xác cũng có hàng chục người. Y tá hành chính chẳng còn thời gian để ghi chép thông tin về họ nên mỗi khi có người chết, y tá phải đến từng nơi, hỏi xem ai là người nhà của kẻ xấu số…”.

Bác sĩ Abdul-Qader Wesah, phụ trách cấp cứu đã không rời bệnh viện kể từ ngày 7/10, điều ấy đồng nghĩa với việc ông vẫn chưa gặp gia đình. Ông nói với Inside Politics: “Tôi biết rằng nếu tôi vắng mặt dù chỉ 10 phút thì sẽ có thêm người chết. Tôi không thể chịu đựng được điều này nên tôi ở lại dù rằng lắm khi tôi bất lực trước một đứa bé bị bỏng toàn thân hay một phụ nữ đang mang thai, thai nhi lòi hẳn ra ngoài vì mảnh đạn…”.

Trước tình cảnh bi thảm ấy, bác sĩ Seema Jilani đã nhiều lần cầu xin quân đội Israel cho phép cô được chuyển một số nạn nhân ra khỏi Gaza, đến những bệnh viện dã chiến do người Ai Cập hoặc do tổ chức Thầy thuốc không biên giới điều hành nhưng đều bị từ chối. Bác sĩ Seema nói: “Tôi kể lại những điều này để thế giới biết thêm về số phận của người Palestine vì các nhà báo nước ngoài không được phép vào bệnh viện. Tôi cùng các đồng nghiệp đã chứng kiến những điều bi thảm trong suốt những năm hành nghề nhưng không có gì khủng khiếp hơn Al-Aqsa. Nó vượt xa những thứ mà tôi thấy ở Afghanistan, Iraq…”.

Người bị thương phải chờ đến lượt mình được thăm khám.

Người bị thương phải chờ đến lượt mình được thăm khám.

Giữa cơn khủng hoảng về thuốc men, vật tư y tế, các bác sĩ ở bệnh viện Al-Aqsa còn phải đối mặt với những chấn thương cả về thể xác lẫn tâm lý của những trẻ em Palestine một mình đến bệnh viện. Hiện tượng này đã khiến xuất hiện một cụm từ mới: “Đứa trẻ bị thương sống sót mà không có gia đình - viết tắt là WCNSF”. Theo ước tính của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc, hơn 500.000 trẻ em ở Gaza được xác định là cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội bởi chúng đều đã trải qua những sự kiện tàn khốc gồm bom đạn, chết chóc, tàn phá và di tản.

Và không chỉ trẻ em, một số bác sĩ ở bệnh viện Al-Aqsa cũng rơi vào trạng thái tương tự. Bác sĩ Samir thuộc tổ chức Thầy thuốc không biên giới nói: “Tôi nhìn thấy Ghassan, y công làm trong bệnh viện cùng con trai anh ấy. Cả hai đều bị bỏng sau một trận ném bom khi họ đang ở nhà nhưng nằm cạnh cha con Ghassan là một phụ nữ bị thương nặng, bụng bị cắt đứt một đường dài, ruột trào ra. Tôi phải giải quyết cho ai trước vì cả con trai Ghassan và người phụ nữ đều đang trong tình trạng nguy kịch? Nó sẽ in sâu vào đầu óc tôi bây giờ và nó cũng sẽ dằn vật tôi mãi mãi”.

Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là những gì xấu nhất. Hôm 13/5, Iarael đã tiến hành một cuộc không kích vào bệnh viện Al-Aqsa, giết chết 4 người và làm bị thương 17 người. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO trong một bài đăng trên trang X (trước đây là Twitter) cho biết: “Cuộc tấn công vào bệnh viện Al-Aqsa có sự chứng kiến của một nhóm bác sĩ thuộc WHO được cử đến để đánh giá nhu cầu và thu thập các thông tin về tình trạng y tế ở phía Bắc Gaza. Vụ không kích nhắm vào một khu lều trại trong khuôn viên bệnh viện”.

Phát biểu với báo chí, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi bảo vệ bệnh nhân, nhân viên y tế và các tổ chức nhân đạo. Các cuộc tấn công đang diễn ra và quân sự hóa các bệnh viện phải dừng lại. Luật nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng”.

Ông Khalil Al-Degran, người phát ngôn chính thức của bệnh viện Al-Aqsa nói thêm: “Từ khi xung đột Israel, Hamas nổ ra, đã có 2.400 người chết tại bệnh viện Al-Aqsa, hơn 5.000 người bị thương vì bom đạn. Những con số này là không thể tưởng tượng được. Nó đã vượt quá khả năng của chúng tôi. Hầu hết các vết thương đều cần được chăm sóc đặc biệt nhưng Al-Aqsa chỉ có 8 giường ICU nên thật không may, đa số người chết đều nằm ngoài tầm cứu chữa vì chúng tôi không còn đủ nhân lực, thuốc men, dụng cụ…”.

Về phía Israel, trong một thông báo cũng đăng trên trang X, người phát ngôn quân đội cho rằng một máy bay Israel “đã tấn công một trung tâm chỉ huy Thánh chiến Hồi giáo đang hoạt động cùng những kẻ khủng bố ẩn náu trong sân bệnh viện Al-Aqsa ở Deir al Balah. Sau cuộc tấn công chính xác, tòa nhà bệnh viện Al-Aqsa không bị hư hại và các chức năng của nó không bị ảnh hưởng…”.

Bác sĩ Seema Jilani cay đắng: “Thông thường mỗi khi thăm khám, tôi hay hỏi bệnh nhân những câu như: “Người thân nhất của bạn là ai?” nhưng ở bệnh viên Al-Aqsa, tôi không thể hỏi vì nếu người thân nhất của họ chết rồi thì sao? hoặc như: “Môn học ưa thích nhất của cháu là gì?” trong lúc đã 5 tháng, cậu bé mà tôi hỏi không còn được đi học, hay như với một phụ nữ: “Món ăn nào mà bạn thấy là ngon nhất?” nhưng tôi không biết bữa ăn cuối cùng của người phụ nữ ấy diễn ra cách đây bao lâu. Mọi điều bình thường ở Gaza giờ đã bị xé nát và không ngôn từ nào có thể biện minh cho những gì đang xảy ra ở đây…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhung-ngay-khung-khiep-o-al-aqsa-i733036/