Những ngày nghỉ phép

Quyết định gắn bó cuộc đời mình với anh, một người lính đóng quân ở đảo xa, chị đã lường trước những khó khăn, thử thách mà mình phải đối mặt và vượt qua.

Những lúc chị cần anh nhất thì anh đều vắng mặt. Những ngày mang thai đứa con đầu lòng nghén đến nỗi chị chẳng ăn cái gì ngon miệng, da cứ xanh như tàu lá. Rồi hai lần vượt cạn long trời lở đất cũng không có anh ở bên, những đận con nhỏ ốm đau, sài đẹn, chị cũng một mình xoay xở... Anh về phép vài ngày hay dịp lễ, Tết cũng không có nhiều thời gian dành cho chị. Anh chỉ kịp đi thăm hỏi bố mẹ, họ hàng hai bên và cho con đi chơi công viên là hết vèo cái phép. Gần hai chục năm nay, chị đã quen với nếp sống thường xuyên thiếu vắng anh trong ngôi nhà nhỏ. Việc lớn, việc bé trong gia đình, nội tộc đều do một tay chị quán xuyến. Chị không buồn, cũng chẳng trách anh vì nhiệm vụ của anh là thế. Nhiều khi nghĩ mình là “vợ bộ đội”, chị lại cảm thấy tự hào, hãnh diện.

Đùng một cái, anh bị tai nạn trong lúc huấn luyện, gãy xương bả vai, sau khi điều trị ở viện quân y thì anh được đơn vị cho nghỉ phép một tháng. Từ ngày cưới nhau, đây là khoảng thời gian anh ở bên vợ con lâu nhất. Sinh hoạt gia đình bỗng dưng đảo lộn cả lên. Từ tờ mờ sáng, anh đã lịch kịch khua cả nhà thức dậy. Anh bắt hai con tự gấp chăn màn, tập thể dục và ngồi vào bàn ăn sáng đúng giờ. Bình thường, ba mẹ con chị thức khuya nên hiếm khi dậy sớm. Trời mùa đông lạnh giá, chị cũng ngại dậy sớm, ngại vào bếp nấu ăn. Ba mẹ con cứ tùy nghi di tản, có thể ăn sáng trên đường đến cơ quan và đến trường: khi thì gói xôi, lúc ổ bánh mỳ, có khi vội quá chị nhịn cũng xong. Anh không đồng ý việc ăn uống thất thường như vậy. Anh muốn cả gia đình quây quần cùng nhau ăn sáng tại nhà, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa tiết kiệm lại ấm cúng. Chiều ý anh, chị phải nấu bữa sáng như bữa chính. Mấy ngày đầu, chị lấy can đảm chui ra khỏi chăn ấm, dậy sớm đi chợ mua đồ tươi ngon về kỳ cạch chế biến. Lòng chị bực dọc, không vui, thầm nghĩ: “Người đâu mà cổ hủ, chỉ cần đưa vợ con ra quán bún, quán phở thì được phục vụ tận nơi, ai lại hành vợ như thế này”. Hàng xóm thấy chị sáng nào cũng xách làn đi chợ sớm thì xuýt xoa: “Bộ đội về làng có khác, chiều chồng gớm nhỉ?”. Hai đứa con cứ nhăn nhó, ngồi vào bàn ăn sáng mà vẫn ngáp ngắn ngáp dài. Từ đó, ba mẹ con chị không dám thức khuya. Anh cũng không cho vợ con thức khuya, cứ 10 giờ là anh bắt cả nhà tắt điện đi ngủ. Chị khó chịu ra mặt vì giờ ấy chị mới có thời gian đọc báo, lướt mạng xã hội thì anh lại ngắt wifi. Nhà cửa lúc nào cũng phải gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Hễ chị và các con vắt quần áo, để giầy dép không đúng chỗ là anh phê bình. Biết tính bố nên hai đứa con cứ răm rắp mọi việc, không hề tị nhau như mọi bận. Chỉ có chị là không được hài lòng. Chị cứ nghĩ anh về nhà sẽ chiều vợ, chiều con, ai ngờ anh lại gia trưởng như vậy.

Đang tự do thoải mái, muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn đi ngủ và thức dậy lúc nào là do mình, giờ đây chị như bị “quản thúc”, bị cho vào khuôn khổ nhưng chẳng lẽ chị lại to tiếng với anh. Bao nhiêu năm nay, anh sống xa nhà, chị và hai con đã thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm của anh. Được nghỉ phép dài ngày, anh muốn bù đắp bằng cách chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của vợ con, lẽ nào chị lại cảm thấy khó chịu? Những ngày tháng xa nhau, chị mong ngóng anh từng ngày, lẽ nào giờ được ở bên nhau chị lại gây sự? Chị cố gắng nín nhịn và tập thích nghi với nếp sinh hoạt mới.

Chỉ còn mấy ngày nữa là anh trở lại đơn vị. Anh ân cần hỏi chị: “Gần một tháng qua, em có nhận ra nhà mình thay đổi những gì không?”. Chị sững lại, lặng im. Chị biết những lúc các con đi học, chị đi làm, anh đã cặm cụi sửa chữa tất cả những đồ hỏng hóc trong gia đình: từ chiếc vòi nước bị rỉ ở bồn rửa bát, đến cái ghế ngồi học bài của con bị long chân, sơn lại cánh cửa bạc màu, quét sạch mạng nhện trên trần nhà từ trong ra ngoài... Anh còn tỉ mẩn làm hai cái hộp đựng bút bằng gỗ cho các con, cái hộp đựng đồ trang điểm cho chị. Anh thủ thỉ: “Chỉ cần em và các con khỏe mạnh, vui vẻ thì anh sẽ yên tâm công tác”. Mắt chị rơm rớm, tay nắm chặt bàn tay anh và thầm ước những ngày nghỉ phép còn lại của anh đừng trôi đi nhanh quá...

TRẦN THỊ LÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nhung-ngay-nghi-phep-154628