Những ngày tháng không quên

Cách đây 43 năm, ông Thái Doãn Phức là thành viên Đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp Campuchia xây dựng đất nước. Những năm tháng sinh sống, làm việc trên đất nước bạn đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đẹp về tình đoàn kết, gắn bó, đùm bọc, yêu thương như anh em một nhà giữa quân đội và nhân dân 2 nước.

Những tháng ngày sinh sống, làm việc trên đất nước Campuchia đã để lại trong ông Thái Doãn Phức nhiều hồi ức đẹp đẽ. Ảnh: Kim Ly

Những tháng ngày sinh sống, làm việc trên đất nước Campuchia đã để lại trong ông Thái Doãn Phức nhiều hồi ức đẹp đẽ. Ảnh: Kim Ly

Ông Thái Doãn Phức sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nghệ An, song Vĩnh Phúc lại là mảnh đất mà ông có nhiều duyên nợ. Sau khi tốt nghiệp Trường nghiệp vụ Ngân hàng, ông về công tác tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phú (sau tách thành tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ).

Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, ông được triệu tập tiến quân vào Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố sau giải phóng. Từ năm 1975-1978, quân Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ nước ta, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại dân thường. Việt Nam đã tổ chức tấn công lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu.

Việc đánh đổ Khmer Đỏ đã thực hiện xong từ năm 1979, tuy nhiên, tàn quân Khmer Đỏ vẫn còn tồn tại và đe dọa Chính phủ mới tại Campuchia, do đó Việt Nam đã cử lực lượng tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ mới.

Trong bối cảnh lịch sử đó, tháng 6/1979, ông Phức được triệu tập vào Đoàn chuyên gia A40 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Côn làm Trưởng đoàn sang Campuchia giúp đỡ nước bạn.

Sau 3 tháng làm nhiệm vụ cứu tế những người hành hương ở Campuchia, đến tháng 9/1979, ông Phức cùng 2 chuyên gia kế toán và tiền tệ được cử về công tác tại tỉnh Seam Reap.

Tại đây, đoàn chuyên gia thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là xây dựng trụ sở ngân hàng cấp tỉnh; tuyển dụng và đào tạo cán bộ ngân hàng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát hành đồng tiền của Chính phủ cách mạng.

Nhiệm vụ cấp bách, hệ trọng được đoàn chuyên gia thực hiện trong bối cảnh rất khó khăn, gian khổ: Tàn quân Khmer Đỏ không ngừng phá hoại, phục kích, tuyên truyền chống phá Quân đội nhân dân Việt Nam; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đã bị Khmer Đỏ phá hoại toàn bộ; việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ ngân hàng gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ... vì vậy, ông Phức cùng đồng đội phải làm việc không kể ngày đêm để thực hiện các mục tiêu đặt ra.

Trước tình thế đó, đoàn chuyên gia đã phối hợp với bộ đội công binh Mặt trận 479 (thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân tại Campuchia) xây dựng trụ sở ngân hàng cấp tỉnh; thẩm tra lý lịch người được tuyển dụng làm cán bộ ngân hàng. Mặt khác, đoàn phối hợp với lãnh đạo tỉnh Seam Reap ra quyết định tuyển chọn nhân lực ngành ngân hàng.

Để khắc phục yếu tố bất đồng ngôn ngữ, trước mỗi bài giảng, ông thường ngồi hàng giờ tra từ điển, phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Khmer để có thể diễn đạt trôi chảy nội dung bài học.

Nhằm giúp học viên nắm chắc kiến thức, kỹ năng, ông Phức cho học viên đóng vai cán bộ ngân hàng và khách hàng để trao đổi về các nội dung giao dịch. Nhờ đào tạo bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, các học viên nhanh chóng nắm bắt được kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ ngân hàng. Năm 1980, Chính phủ cách mạng Campuchia đã phát hành đồng tiền Riel, ngân hàng tỉnh Seam Reap được thành lập và đi vào hoạt động.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, ông Phức tiếp tục ở lại giúp nước bạn hoàn thiện và phát triển hệ thống ngân hàng. Năm 1982, ông được điều động về huyện Udong, tỉnh Kampong Speu để xây dựng thí điểm ngân hàng cấp huyện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được điều về Đoàn chuyên gia A40 làm nhiệm vụ giảng dạy tại Trường nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương Campuchia. Đến năm 1985, ông Phức về nước, đảm nhận vị trí Giám đốc Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Vĩnh Phúc và nghỉ hưu năm 1999.

Với những đóng góp to lớn cho nước bạn, ông Thái Doãn Phức được Chính phủ Campuchia tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Hữu nghị; được Quốc Vương Campuchia trao tặng Huân chương Công trạng cao quý. Ông còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công vì nhiệm vụ quốc tế.

Ông Phức cho biết, tình cảm yêu thương, gắn bó của nhân dân Campuchia dành cho bộ đội và đoàn chuyên gia Việt Nam đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Mỗi khi trong đoàn có người ốm đau, người dân lại đem thuốc và thức ăn đến tận nhà để biếu tặng.

Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, người dân chở cả xe bò thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, bánh tét đến biếu bộ đội và đoàn chuyên gia. Đến giờ, mỗi lần nghe các lưu học sinh Campuchia hát bài “Việt Nam - Campuchia Samaki”, ông Phức lại nghẹn ngào, xúc động, nhớ về những năm tháng đã đi qua.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82585/nhung-ngay-thang-khong-quen.html