Những ngày tháng không quên của các chiến sĩ túc trực tại vùng dịch

Đối diện với nguy cơ dịch bệnh, 28 ngày làm việc không về nhà,…là những mà gì các chiến sĩ công an quận Đống Đa trải qua khi làm nhiệm vụ 'gác cổng' tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Thận Hà Nội trong những ngày qua.

Ngày đêm “bám chốt” chống dịch bệnh

Ngày 28/3, khi có quyết định cách ly toàn bộ bệnh viện Bạch Mai được đưa ra, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng - Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Đống Đa) cùng 20 đồng đội xung phong nhận nhiệm vụ canh chốt chống dịch.

Giám sát việc cách ly ở cộng đồng đã vất vả, giám sát ở bệnh viện lớn như Bạch Mai lại càng vất vả hơn bởi khả năng phơi nhiễm cao, dễ lây chéo các bệnh khác... Thế nhưng, trước nhiệm vụ được giao, các anh vẫn sẵn sàng lao vào “vùng nóng”, tâm dịch.

Theo trí nhớ của Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng, bệnh viện Bạch Mai những ngày thực hiện cách ly mang một không khí rất khác. Bệnh viện phong tỏa toàn bộ, chốt kiểm soát ở các cổng ra vào của bệnh viện được thành lập. Bãi gửi xe ngày thường chật ních thì nay số lượng chưa bằng một nửa. Rất ít người đến khám bệnh. Hầu như chỉ còn lực lượng chức năng căng mình đảm bảo cho hơn 500 bệnh nhân chạy thận ở 24 tỉnh, thành có thể ra vào bệnh viện điều trị hằng ngày.

Nhận công việc trong hoàn cảnh gấp rút, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng và các chiến sĩ của công an quận Đống Đa có rất ít thời gian để chuẩn bị.

“Thậm chí có người còn chưa kịp chào hỏi vợ con hay thông báo cho gia đình biết. Ai cũng thể hiện rõ quyết tâm xung phong đi đầu trong công tác chống dịch. Lúc này chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng việc gì cũng ngại thì ai sẽ làm, dịch bệnh làm sao được kiểm soát”, anh chia sẻ.

Tổ công tác của công an quận Đống Đa làm nhiệm vụ tại bệnh viện Bạch Mai từ ngày 28/3 đến 12/4.

Tổ công tác của công an quận Đống Đa làm nhiệm vụ tại bệnh viện Bạch Mai từ ngày 28/3 đến 12/4.

Bảo vệ tuyệt đối khu cách ly 24/24h, những người làm công tác “gác cổng” tại ổ dịch như các anh có những đêm giấc không tròn. Nhiều ngày không về nhà mặc dù nhà chỉ cách nơi làm việc vài ki-lô-mét.

“Nhiều khi con tôi hỏi bố ơi sao bố không về. Tôi phải động viên là: Bố cũng rất nhớ con, nhưng đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên khi nào xong việc bố sẽ về chơi với con nhé”, cứ đều đặn sau mỗi ca trực, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng lại mở máy lên, gửi lời yêu thương như vậy cho 2 con nhỏ thông qua màn hình điện thoại.

Tạm gác những hạnh phúc riêng tư, anh và đồng đội xua đi nỗi nhớ nhà, nhớ con để tập trung làm việc. Mọi nỗ lực được đền đáp xứng đáng, sau 14 ngày thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch Covid-19, đúng 0h ngày 12/4, chốt kiểm soát trước cổng bệnh viện Bạch Mai được tháo dỡ.

Trong tiếng vỗ tay và hô vang “Việt Nam chiến thắng”, các y - bác sĩ, người nhà bệnh nhân cho đến các chiến sĩ công an, quân đội, bảo vệ đều xúc động khôn nguôi

“Đêm ấy quả thực là một đêm trắng. Niềm vui vỡ òa như khoảnh khắc đón chào năm mới. Thành công tại bệnh viện Bạch Mai hêm niềm tin rằng chúng ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh. Cũng trong khoảng khắc ấy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong suốt khoảng thời gian qua.

Tuy nhiên nén niềm vui ấy lại, chúng tôi tiếp tục công tác đảm bảo trật tự, không vì vui mừng mà quên nhiệm vụ”, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng nhớ lại.

Luôn sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ

Dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, các ca bệnh mới tiếp tục được ghi nhận. Ngày 11/4, quận Đống Đa ra quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đối với bệnh viện Thận Hà Nội do liên quan đến bệnh nhân số 254.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia ứng trực chốt cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng Công an quận Đống Đa lại bắt đầu trên "mặt trận" mới, bệnh viện Thận Hà Nội.

Ngay lập tức, công an quận Đống Đã đã xây dựng phương án bảo vệ, phối hợp với lực lượng quân đội, bảo vệ dân phố và các đơn vị chức năng khác thuộc quận tổ chức trạm gác. Trước cổng Bệnh viện Thận Hà Nội, giữa những nguy cơ của dịch bệnh Covid-19, hiện vẫn có 16 cán bộ chiến sĩ Công an quận Đống Đa bám trụ đến ngày 24/4.

Cả ngày, số lượng bệnh nhân chạy thận ra vào liên tục, các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt tất bật hơn. Từng người được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào bệnh viện. Là tổ trưởng Tổ công tác tại bệnh viện Thận Hà Nội, Đại úy Dương Minh Phương (Phó đội trưởng Đội An ninh Công an quận Đống Đa) đã có 6 ngày túc trực làm nhiệm vụ.

Vừa hối hả kiểm soát người ra vào vừa lau vội những giọt mồ hôi, Đại úy Dương Minh Phương cho biết bên cạnh hỗ trợ an ninh trật tự, các anh “kiêm’ thêm nhiệm vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phòng dịch.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia ứng trực chốt cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng Công an quận Đống Đa lại bắt đầu diệt "giặc" Covid-19 trên "mặt trận" mới.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia ứng trực chốt cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng Công an quận Đống Đa lại bắt đầu diệt "giặc" Covid-19 trên "mặt trận" mới.

“Số lượng bệnh nhân hiện nay ở bệnh viện khoảng hơn 500 người. Khi thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng quy tắc phòng dịch, chúng tôi lại tuyên truyền, phải mềm dẻo vận động, thuyết phục họ tuân thủ quy định bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng”, Đại úy Dương Minh Phương cho biết.

Những ngày tháng 4 mưa rét, việc thực hiện nhiệm vụ với tần suất lớn cũng gây không ít mệt mỏi. Ròng rã những ngày qua, quân số của tổ được chia thành 3 ca trực, mỗi ca kéo dài 8 giờ.

Xác định đây là công việc không chỉ thực hiện ngày một ngày hai, quên đi những khó khăn, lên dây cót tinh thần không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc, các thành viên trong tổ thường tranh thủ thời gian nghỉ không nhiều giữa các ca trực để động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Trong bối cảnh đó, câu nói “Mưa to thì là mưa nhỏ, mưa nhỏ thì là không mưa, đã là người lính thì không ngại gì cả” của Đại úy Dương Minh Phương như trở thành thông điệp, lời nhắc nhở của tất cả mọi người cùng cố gắng.

Không chỉ tạm dừng mọi câu chuyện cá nhân để tập trung toàn bộ sức lực cho 14 ngày "canh gác" tại bệnh viện, cũng giống như Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng, Đại úy Dương Minh Phương cho biết mình sẽ còn 14 ngày tự cách ly ở đơn vị mới dám trở về.

“Tính ra đợt công tác này sẽ kéo dài tối thiểu là 28 ngày. Để đảm bảo an toàn cho người thân xung quanh cũng như đồng chí, đồng đội, chúng tôi vượt qua nỗi nhớ gia đình, khắc phục khó khăn để xông pha mặt trận chống dịch này”, các anh tâm sự.

Dịch bệnh có những diễn biến mới, "cuộc chiến" này vẫn chưa dừng lại, điều đó có nghĩa những thách thức tiếp tục đặt ra với lực lượng công an nhân dân ngày càng lớn. Thêm một bệnh nhân mới phát hiện, đồng nghĩa với việc lại thêm địa điểm phải cách ly. Và những cán bộ chiến sĩ công an lại lập tức lên đường làm nhiệm vụ.

“Là lực lượng đầu tiên của quận tham gia làm nhiệm vụ canh chốt tại bệnh viện nên chúng tôi đã có kinh nghiệm. Dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, đây không phải là lúc để nề hà việc gì cả. Chỉ cần cấp trên vẫn tin tưởng, có lệnh là chúng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ”, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ.

Cường độ làm việc lớn là vậy, thế nhưng ai nấy đều chuẩn bị tinh thần nhận nhiệm vụ tiếp theo. Có thể thấy, một tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã lan tỏa đến từng cán bộ chiến sĩ. Tạo niềm tin, góp phần trở thành những điểm tựa tinh thần vững vàng cho nhân dân vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-ngay-thang-khong-quen-cua-cac-chien-si-tuc-truc-tai-vung-dich-106808.html