Những ngày tháng không quên tuổi 21
Tuổi 21, Hiền - cô sinh viên lớp Điều dưỡng, Trường Đại học Yersin Đà Lạt, đã đánh dấu cho mình một dấu mốc khó quên khi đã dành tuổi trẻ cho những ngày tháng quên mình tại tâm dịch Bình Dương, hỗ trợ các y, bác sĩ phòng, chống dịch COVID-19. Mới đây, Trần Thị Hiền (sinh năm 2001) cũng là một trong những sinh viên tiêu biểu nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh được Tỉnh Đoàn tuyên dương.
Thời điểm Bình Dương trở thành tâm dịch của cả nước, con số dương tính, tử vong liên tục tăng, Hiền - cô sinh viên năm thứ ba, lớp Điều dưỡng đã không ngần ngại viết đơn đăng ký cùng các bạn tiến vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch. Em chia sẻ, vốn là người khá kỹ tính, khi quyết định làm việc gì bản thân đều tính toán đến những trường hợp rủi ro, thế nên, khi quyết định vào Bình Dương, em đã chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng đối diện với nó. Những lần theo dõi tin tức và nhìn thấy những cuộc chia ly không biết có còn gặp lại, hay cảnh bệnh nhân thoi thóp, chống chọi trong từng hơi thở để dành lại sự sống, đã không ít lần Hiền bật khóc. “Thay vì sợ hãi và để nước mắt rơi vô ích qua màn hình, em muốn thay vào đó bằng những giọt mồ hôi, chung sức cùng mọi người chống dịch”, Hiền nói.
Quyết định là vậy, nhưng điều khiến Hiền vẫn còn chút đắn đo là mẹ. Bố mất sớm, mẹ đã sang tuổi 63, Hiền trở thành chỗ dựa tinh thần lớn của mẹ. Bước vào tâm dịch, rủi ro cũng có thể xảy ra, mẹ Hiền cũng đã có phút do dự, lo lắng cho đứa con gái duy nhất, nhưng rồi, cũng đã đồng tình ủng hộ, bởi việc làm của con là điều vô cùng ý nghĩa.
Khi mới vào Bệnh viện Dã chiến Thuận An - Bình Dương, Hiền và những người bạn của mình được phân hỗ trợ Phòng Cấp cứu. Đây là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng, khó thở, suy hô hấp, có bệnh lí nền. Mới chỉ là sinh viên Điều dưỡng năm 3, thực tập ở bệnh viện được 2 tháng, khi biết sẽ làm công việc này, Hiền không khỏi lo lắng, vì tự nhận kỹ năng còn kém, chưa có kinh nghiệm lâm sàng nhiều. “Nhưng đã bước vào cuộc chiến, em luôn cố gắng, học hỏi, trau dồi kỹ năng từng ngày”.
Lúc mới vào, bọn em lóng ngóng khá nhiều, chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt số lượng bệnh nhân nặng nhiều như vậy, cũng chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác gấp gáp, hối hả khi có một bệnh nhân ngưng thở”, Hiền kể. Cứ hết xe này vào rồi đến xe khác, tiếng còi hú không khi nào dứt, có những bệnh nhân vào đến đã tím tái, hôn mê, các y, bác sĩ lại gấp rút tập trung đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, dù kính với tấm chắn đã mờ hẳn đi vì sức nóng và mồ hôi.
Qua 1 tuần hỗ trợ tại Bình Dương, Hiền càng thấu rõ những khó khăn, nguy hiểm của dịch bệnh mà hàng ngày vẫn thấy trên tivi. Hiền tâm sự: “Da mặt đỏ rát do những vết hằn khẩu trang, mồ hôi chảy thành dòng trong bộ đồ bảo hộ dưới thời tiết nắng nóng, có khi lên đến gần 35 độ C, cảm giác thực tế đến nỗi có lẽ chẳng bao giờ quên được trong những năm tháng về sau”.
Có quá nhiều kỉ niệm khi chống dịch mà khiến Hiền nhớ mãi. Nhưng có lẽ, khó quên nhất là ca cấp cứu bệnh nhân đầu tiên em được trực tiếp tham gia hỗ trợ ép tim, trở thành một điều dưỡng thực thụ. Bệnh nhân khá nặng cân và có nhiều bệnh lí nền, khi nhập viện đã tím tái, ngưng tim, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, chuẩn bị dụng cụ đặt nội khí quản nhưng vì không đủ người nên Hiền được gọi vào hỗ trợ. May mắn, bệnh nhân kịp thời qua khỏi, dù vẫn còn hôn mê.
Cứu được bệnh nhân vui bao nhiêu thì khi bệnh nhân không qua khỏi lại là nỗi day dứt, dằn vặt bấy nhiêu. Hiền kể, làm việc và ở tại bệnh viện, từ tầng 5 nhìn xuống là cửa cấp cứu, mỗi sáng thức dậy ra ngoài, việc làm đầu tiên của nhóm là nhìn xem ngày hôm nay có bao nhiêu người không qua khỏi, rồi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa.
Khi đã quen với công việc, dù mệt và đuối sức, nhưng Hiền và các bạn cũng đã có được nhiều niềm vui từ nơi đây. Đó là sự gắn bó, đoàn kết cùng chống dịch với đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện, những lần bệnh nhân qua cơn nguy kịch và lời cảm ơn chân thành của bệnh nhân. Riêng với Hiền, mỗi ngày bản thân còn có thể thức dậy, còn được hỗ trợ mọi người mà không phải nằm trên giường bệnh của khu cách ly đã là một niềm vui lớn.
Trọn 30 ngày chiến đấu với COVID-19, tuổi 21, Hiền ghi dấu cho mình những ký ức khó quên. Không ngơi nghỉ, về lại Lâm Đồng, em đem kinh nghiệm học được trong đợt chống dịch ở Bình Dương tiếp tục đăng kí tham gia hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng (khi đó được chuyển thành khu điều trị bệnh nhân COVID). “Em cùng mọi người trong đoàn tự hào vì những gì mình đã làm được, dù không lớn lao nhưng cũng đã góp sức được phần nào cho công cuộc chống dịch, dấu ấn khó quên này được em và mọi người gửi lại cho những năm tháng của tuổi trẻ”, Hiền cười chia sẻ.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202211/nhung-ngay-thang-khong-quen-tuoi-21-3144254/