Những ngày tháng Tám trên quê hương Can Lộc anh hùng

Cách đây 75 năm, Hà Tĩnh là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Trong đó, Can Lộc là địa phương giành chính quyền sớm nhất ở Hà Tĩnh vào ngày 16-8-1945. 75 năm đã trôi qua nhưng những câu chuyện trong sử sách, trong lời kể của những người từng tham gia Tổng khởi nghĩa ở Can Lộc vẫn như còn vẹn nguyên khí thế…

Tháng Tám, lòng người trên quê hương Can Lộc dường như rộn ràng hơn trong những ký ức về mùa Thu cách mạng. Trên những miền quê, trên những khu di tích ở bến đò Thượng Trụ, làng Đỉnh Lự, tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh…, thế hệ trước lại kể cho thế hệ sau ký ức về những ngày làm cách mạng năm xưa. Những câu chuyện ấy tuy lúc mờ, lúc tỏ nhưng vẫn vẹn nguyên một khí thế hào hùng, tình yêu đất nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

 Bà con “vựa lúa” Khánh Lộc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Bà con “vựa lúa” Khánh Lộc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Thế hệ những người tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Can Lộc cách đây 75 năm nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhờ sự tận tình của đồng chí Trưởng phòng Văn hóa - Truyền thông huyện Can Lộc, tôi mới tìm gặp được nhân chứng lịch sử có mặt những ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Can Lộc. Trong ngôi nhà của cụ Bùi Xanh ở Tổ dân phố 2, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc - người từng có mặt tại các cuộc biểu tình, đấu tranh trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 những ngày này, rất đông các bạn trẻ tìm đến để tìm hiểu về khí thế sục sôi những ngày mùa Thu cách đây 75 năm trước. Năm nay đã 102 tuổi, tuy trí nhớ không còn mẫn tiệp nữa nhưng với cụ Bùi Xanh, những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vẫn là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Giọng nói có lúc bị ngắt quãng, do tuổi đã cao, ông kể lại: “Thuở lên 10, tôi đã được chứng kiến những cuộc đấu tranh đầy khí thế của cha anh. Cũng có những lần tôi tham gia vào đoàn người đi đấu tranh nhưng lúc bấy giờ tôi chưa hiểu cách mạng là gì, chỉ đi vì lòng yêu nước. Còn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thì tôi đã có lý tưởng của mình. Những ngày tham gia Tổng khởi nghĩa chính là dấu mốc quan trọng để sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi tiếp tục tham gia cách mạng, giữ nhiều chức vụ trong các tổ chức và theo Đảng, theo Bác Hồ trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ về sau”.

Cũng từ miền ký ức của cụ Bùi Xanh và tư liệu do huyện Can Lộc lưu trữ, chúng tôi đã hiểu hơn những trang sử viết về các cuộc đấu tranh của người dân nơi đây. Từ tháng 6-1945, hầu hết các làng, xã trong huyện đã ra đời Việt Minh bí mật, thu hút hơn 1.000 hội viên mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản.

Từ những hoạt động bí mật, đến tháng Tám, hàng vạn người nông dân áo vải từ khắp nơi trong huyện Can Lộc đã nhất loạt đứng lên đòi tự do, cơm áo. Đến ngày 16-8-1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên cột cờ ở giữa sân đồn địch trên đỉnh đồi Nghèn, báo tin vui thắng lợi của cách mạng.

Ngay ngày hôm sau, gần 2.000 người dân các xã trong 4 tổng: Nga Khê, Đậu Liêu, Nội Ngoại và tổng Đoài, đội ngũ chỉnh tề, giương cao cờ đỏ sao vàng từ các hướng đổ về sân vận động Nghèn dự mít tinh chào mừng Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào. Từ đây, chính quyền về tay cách mạng, chấm dứt cảnh sưu cao, thuế nặng và các khoản đóng góp vô lý. Mọi việc trong huyện, trong tổng, trong làng đều do dân quyết định.

 Nhân dân xã Thiên Lộc chăm sóc đường hoa nông thôn mới.

Nhân dân xã Thiên Lộc chăm sóc đường hoa nông thôn mới.

Cách mạng Tháng Tám ở Can Lộc được đánh giá là mau lẹ, kịp thời, đặc biệt là không đổ máu. Đó là mốc son chói lọi trong sử vàng của Can Lộc. 75 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu ấy, tiếp bước truyền thống cha ông, người dân quê hương Can Lộc anh hùng luôn sát cánh bên nhau xây dựng cuộc sống mới.

Bí thư Huyện ủy huyện Can Lộc, đồng chí Nguyễn Như Dũng cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã đoàn kết một lòng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ sự đồng thuận của nhân dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, Can Lộc là huyện thứ hai của Hà Tĩnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Tại Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Can Lộc đã đưa ra 3 bước đột phá và các nhóm chỉ tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ mới; phấn đấu đến năm 2025 Can Lộc đạt chuẩn huyện NTM nâng cao”.

Can Lộc đã có những chính sách kích cầu nhằm khuyến khích và tạo cơ chế cho người dân làm giàu trên chính đồng đất của mình. Sự thay đổi tư duy và động lực từ cuộc cách mạng cơ giới hóa cũng đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ để nhân dân Can Lộc tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân, xóa bỏ những thửa ruộng manh mún, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM theo hướng bền vững. Can Lộc đã hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như vùng rau màu Thiên Lộc, lúa chất lượng cao ở Khánh Lộc, cây ăn quả vùng Trà Sơn...

Đời sống người dân bước sang trang mới, Can Lộc không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh và số hộ khá giả ngày càng tăng lên. Bức tranh NTM hiện hữu trên những xóm làng trù mật. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, một lần nữa chứng minh tinh thần cách mạng truyền thống của nhân dân Can Lộc. Trên mảnh đất cách mạng Can Lộc anh hùng, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đang đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng.

Bài, ảnh: THIÊN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-ngay-thang-tam-tren-que-huong-can-loc-anh-hung-631982