Những ngày thèm đọc sách
Trong những ngày bị giày vò bởi cơn ghiền đọc sách, tôi tự hỏi cuộc đời mình sẽ thế nào? Sẽ chỉ ở nhà nấu cơm, giặt quần áo và chăm em? Đọc sách có gì sai? Và tôi quyết tâm mai này lớn lên phải làm cái gì đó để có tiền mua thật nhiều sách
Cuối năm 1988, mẹ tôi sinh đứa con thứ 5. Tôi là con lớn. Vừa học xong học kỳ I lớp 6. Nhà đông con, cha làm nghề thợ hồ, mẹ mua bán rau cải ở chợ nên cuộc sống vừa đủ. Mẹ hay than rằng mai mốt lại ra chợ thì không biết ai sẽ chăm em bé. "Hay là con nghỉ học chăm em bé nhé?" - mẹ nói với tôi.
Trích tiền chợ thuê sách
Trong trí óc non nớt của cô bé vừa lên 12 tuổi lúc ấy, tôi chẳng biết giá trị của sự học như thế nào. Nhưng tôi sợ nhất là những bữa đi học về mà phải giặt một thau quần áo rất to của cả gia đình, rồi rửa đống chén cũng to ngần ấy. Có chiều đi học về, tôi phải rửa chén, giặt đồ đến chạng vạng mới xong, muỗi bu như vãi trấu. Nghe mẹ than thở vậy, tôi cho rằng nếu nghỉ học thì vừa giúp mẹ chăm em bé, vừa có thời gian làm việc nhà thoải mái.
Em bé tròn hai tháng, mẹ tôi lại ra chợ. Hồi đó em bé bú sữa Ông Thọ, chỉ cần pha để ấm ấm rồi đút từng muỗng cho em là xong. Có khi vừa uống em vừa ngủ trên tay tôi nữa. Đặt em xuống võng thì tôi đi làm tất cả việc nhà, kèm cả việc đi chợ, nấu ăn vì nhà cách chợ có vài trăm mét.
Khi em biết bò thì cha mẹ sắm cái cũi cho em ngồi, tôi cũng đỡ vất vả ẵm bồng. Nhưng lúc ấy thì thời gian dư ra nhiều quá. Tôi sinh ra rảnh rỗi, nhà cũng không có truyền hình hay bất cứ phương tiện giải trí nào. Vậy là tôi để ý mấy người bán hàng ở chợ hay đọc cuốn sách gì đó. Tôi hỏi thăm biết đó là tiểu thuyết, giá thuê 300 đồng/cuốn; 500 đồng/hai cuốn. Có người còn dặn kỹ: "Mày phải thuê đủ hai cuốn mới trọn bộ, chứ một cuốn đọc chưa hết chuyện, mắc tức".
Tôi tìm được chỗ cho thuê truyện, dạng tiểu thuyết ngôn tình bây giờ. Cô bé tuổi 13 bắt đầu biết đọc sách từ đó. Nhưng tiền đâu để thuê truyện?
Mỗi sáng mẹ thường đưa một ít tiền mua thức ăn cho cả nhà trong ngày. Tôi bèn… lấy 500 đồng, vừa đủ thuê 2 cuốn truyện. Rồi con chữ cuốn lấy tôi tự bao giờ, để dần dần sự đọc của tôi "lên đô" là 3 cuốn/ ngày, rồi 4 cuốn/ ngày. "Đô" của tôi lên cao nhất là 1 ngày phải đọc 6 cuốn tiểu thuyết. Nếu không đọc đủ số đó sẽ cảm thấy trống vắng, bứt rứt.
Trận đòn kinh hoàng
Sau khoảng 3 năm, số truyện ở tiệm cho thuê tôi sắp đọc hết thì số tiền nợ tôi thiếu người bán rau củ lên đến 18.000 đồng. Vì tôi đi chợ hay xin thiếu lại mỗi ngày vài trăm đồng để lấy tiền đó đi thuê truyện. Con số 18.000 đồng của năm 1990-1991 là khá nhiều. Hôm ấy cha tôi có việc đi chợ và bị người bán hàng níu áo đòi nợ.
Ông về nhà, sau khi vặn hỏi, tôi thú nhận lấy tiền chợ đi thuê truyện. Với sức khỏe của người đàn ông tuổi 45, cha tôi chỉ cần một sợi dây buộc quấn ngang ngực cô bé 14 tuổi như tôi rồi vút một cái, ông đã treo tôi lên xà nhà. Chiếc đọt tầm vông ông róc thẳng thớm và quất liên tục vào mông cùng đôi chân tôi. Cha nói tôi làm nhục cha. Ông vừa đánh tôi vừa quát mắng: "Nhà ta tuy nghèo nhưng chưa đến nỗi phải bị nhục vì nợ tiền ăn như vậy. Tại sao suốt gần 3 năm nay tôi lừa dối gia đình? Đọc sách có no không? Có mập không? Không à? Có mắc nợ không? Có à? Vậy tại sao lại đọc? Việc nhà việc cửa, chăm em cơm nước chưa đủ sức mày à? Từ nay mày phải bỏ đọc sách nhé…".
Mẹ tôi can ngăn không được, mấy đứa em khóc lóc van xin mà cha vẫn không dừng tay. Mẹ tôi chạy sang nhờ bà Tư, người có uy tín nhất xóm, đến can ngăn và phân tích điều hơn lẽ thiệt của việc đọc sách thì cha tôi mới ngưng đánh.
Khi sợi dây buộc được rút khỏi xà nhà, tôi rớt xuống đất thì đôi chân đã không còn cảm giác nữa. Bà Tư cõng tôi về nhà bà để bóp thuốc rượu cho đỡ đau. Rồi bà cho tôi đọc mấy cuốn sách mà cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ như "Vậy đó, bỗng dưng mà họ lớn", "Thắc mắc biết hỏi ai" của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và một số tờ báo Mực Tím.
Suốt 1 ngày đêm tôi ở bên nhà bà Tư, bà dạy tôi đừng giận cha, vì cha đi làm rất cực khổ để nuôi gia đình. "Nên bị người ta níu áo đòi nợ khiến cha cháu bị quê đấy!" - bà Tư giải thích rồi hứa mỗi kỳ ra báo Mực Tím, bà sẽ cho tôi mượn khi cháu bà đọc xong.
Những ngày sau đó là khoảng thời gian khó khăn tột độ. Một cảm giác tủi hổ như "kẻ tội đồ" xâm chiếm tâm hồn tôi khi đôi chân vẫn chưa hết đau sau trận đòn, cái mông vẫn chưa ngồi mạnh xuống được. Nhưng tôi vẫn phải làm việc nhà và chăm em nhỏ. Đan xen trong cái đau là cảm giác chông chênh trống vắng khi tôi phải "cắt cơn" ghiền sách. Bước chân tôi chập chùng như đi trên đám bông gòn, mắt tôi nhòe đi, bao con chữ đang chạy ròng ròng qua mặt cười trêu tôi.
Tôi làm việc như cái máy. Đôi khi đang nấu cơm lại quên chụm lửa. Canh, kho, xào món mặn món lạt. Quần áo giặt có bữa quên xả nước thì cũng đem phơi. Tôi thèm đọc sách, thèm cháy gan ruột. Nhưng quanh tôi chẳng có quyển sách nào. Tôi cũng không có tiền. Báo Mực Tím thì lâu lâu bà Tư mới cho mượn. Tôi một mình đối diện với cơn ghiền mà không có bài thuốc nào gọi là "cắt cơn"
Rồi một hôm, bỗng dưng tôi khóc. Bấy giờ tôi mới khóc thật sự, chứ hồi bị cha treo lên xà nhà và đánh thì tôi chỉ gào thét vì đau chứ không khóc. Tôi tự hỏi cuộc đời mình sẽ thế nào? Sẽ chỉ ở nhà nấu cơm, giặt quần áo và chăm em? Đọc sách có gì sai? Lòng tôi trào lên nỗi quyết liệt rằng mai này lớn lên tôi nhất định phải kiếm tiền mua thật nhiều sách để có thể đọc thoải mái.
Đổi đời nhờ con chữ
Năm 1995, tôi 17 tuổi, tôi năn nỉ ba mẹ cho đi học lại lớp 6 ở Trường Bổ túc văn hóa Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hòa Thành cơ sở 3). Trường lúc đó có chương trình học "sáng lớp 6 chiều lớp 7", học cả ngày nên tôi phải mang cơm theo để ăn.
Mỗi ngày từ 5 giờ 30 phút sáng, cha con tôi cùng đi trên chiếc xe đạp sườn ngang, suốt 8 km từ nhà tôi đến trường. Chia ca, sáng thì cha chở tôi đi, chiều tôi chở cha về. Bận đi, khi đến chợ Long Hoa thì tôi thả cha xuống để cha làm thợ hồ còn tôi đạp thêm khoảng 1 km nữa đến trường. Trưa thì tôi nằm nghỉ trên mấy chiếc bàn học trong lớp, rồi tiếp tục vào học buổi chiều.
Sau 3 ngày ăn ngủ như vậy thì cô bạn tên Tuyết Vân cùng lớp phát hiện, cô bảo: "Việc học còn dài, bạn ăn nghỉ vầy sao có sức mà học? Tới nhà mình ở đi, vì nhà mình chỉ có hai mẹ con". Nhưng cha mẹ tôi không đồng ý, vì ở trọ sẽ không giống việc mang cơm nhà. Biết chuyện, mẹ bạn Vân bảo, chỉ cần cha mẹ tôi cho tôi mỗi tháng 1 thùng gạo, còn thức ăn thì gia đình Vân ăn gì tôi ăn nấy. Bấy giờ cha mẹ tôi mới đồng ý. Mẹ Vân làm nghề mua bán ve chai, vậy là ngoài giờ học, tôi phụ dì lựa ve chai, giấy vụn.
Trường tôi lúc đó có chương trình khuyến học rất hay: nếu bạn làm bí thư chi đoàn thì sẽ được giảm 50% học phí; làm lớp trưởng sẽ được giảm 50% học phí. Vậy là tôi phấn đấu để được làm cả hai chức đó để khỏi lo chuyện học phí.
Trong quá trình làm công tác đoàn, tôi tập viết tin, bài. Những bài viết đầu tiên của tôi vào thời điểm 1995-1996 ấy được đăng trên báo Tây Ninh. Cuộc đời tôi từ đó nhờ con chữ mà đi lên.
Bây giờ tôi vẫn chưa giàu, nhưng ước mơ "có tiền mua sách đọc thoải mái" đã thành hiện thực. Tôi hiện có một thư viện mini với hơn 500 đầu sách các loại. Niềm đam mê đọc sách của tôi cũng được truyền đến các con. Đặc biệt là con trai út 10 tuổi nhưng đã sáng tác được thơ học trò. Đó là gia tài quý nhất của tôi cho tới thời điểm này.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-ngay-them-doc-sach-20200822203046436.htm