Những nghi ngờ nảy sinh trong bất định
Khi dịch COVID-19 đặt nhiều nơi trên thế giới vào tình trạng cách ly xã hội, Internet trở thành cứu cánh cho nhiều hoạt động thiết yếu. Công nghệ mới, mạng 5G, được triển khai năm 2019 với nhiều điểm vượt trội (so với 4G) về tốc độ, sự ổn định và khả năng kết nối thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Riêng chỉ ở Anh đã có 3 tháp phát song 5G bị đốt, 4 tháp khác có dấu hiệu bị phá hoạt. Ở Châu Âu, ước tính có khoảng 50 vụ cháy và phá hoại các tháp phát sóng.
Chuyện gì vậy? Nhiều người tin rằng việc lắp đặt và vận hành trạm 5G góp phần tạo ra virus COVID-19. Vợ của tay vợt Djokiovic chia sẻ một đoạn video nói về sự liên quan giữa mạng 5G và virus COVID-19, video đạt gần 100 nghìn view trước khi nó bị cấm. Sự việc nghiêm trọng đến mức thủ tướng tạm quyền Anh Michael Gove phải lên tiếng phủ nhận mạng 5G có liên quan tới COVID-19.
Cách giải thích như trên được biết đến dưới tên gọi là thuyết âm mưu. Như tên của nó, thuyết âm mưu, giải thích các sự kiện diễn ra là kết quả của một yếu tố đang bị che giấu hoặc là kết quả của kịch bản bí mật, do một nhóm hay một người có thế lực thực hiện. Một thuyết âm mưu khác gần đây là làn sóng tấn công vào tỷ phú Bill Gates vì ông công bố sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho WHO.
Những người cáo buộc cho rằng … Bill Gates biết đại dịch diễn ra vì ông đã từng phát biểu trên TED Talks năm 2015 về nguy cơ đại dịch trên thế giới cho virus truyền nhiễm. Ngoài ra, họ còn phát hiện quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ cho phòng thí nghiệm Pirbirght, nơi có bằng sáng chế... về một loại virus corona. Từ những thông tin “tiện lợi” đó, họ kết luận Bill Gates tạo ra virus để bào chế vaccine và kiếm tiền.
Một điều dễ nhận thấy là các thuyết âm mưu khá sáng tạo với những liên kết không ngờ và các kịch bản hấp dẫn. Nhưng chúng dựa trên rất ít bằng chứng, đôi khi làm cho ta có cảm giác nó vô lý đến không ngờ, kiểu làm sao mạng internet có thể tạo ra virus. Điều đó sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu những người tin vào thuyết âm mưu có khả năng nhận ra sự thiếu logic của nó không.
Để trả lời câu hỏi này, hai nhà tâm lý học, Thomas Stahl và Janh Willem van Proojien tiến hành nghiên cứu về khả năng nhận thức và thái độ với việc tư duy dựa trên bằng chứng của hai nhóm người, nhóm tin và nhóm không tin vào thuyết âm mưu không. Một khảo sát online trên 343 người được tiến hành. Ba phần đáng lưu ý của bảng khảo sát gồm:
1. Liệt kê các thuyết âm mưu phổ biến để phân loại nhóm tin và nhóm không tin vào thuyết âm mưu;
2. Trắc nghiệm về khả năng tư duy phân tích;
3. Bảng hỏi về mức độ cá nhân coi trọng tư duy dựa trên bằng chứng.
Kết quả cho thấy, quả thật có một nhóm người tin vào thuyết âm mưu có khả năng nhận thức thấp mặc dù họ rất coi trọng tư duy bằng chứng. Và có một nhóm khác là những người rất coi trọng bằng chứng, nhưng khả năng nhận thức kém. Như vậy nghĩa là họ muốn tìm sự thật nhưng thiếu khả năng.
Bên cạnh đó cũng có một nhóm người tin vào thuyết âm mưu có khả năng nhận thức rất cao, nhưng lại không coi trọng tư duy dựa trên bằng chứng. Những người này có khả năng tư duy nhưng họ không có động cơ muốn tìm kiếm sự thật đến cùng. Hay nói một cách khác, những người tin vào thuyết âm mưu thực sự muốn tin vào thuyết âm mưu nên chỉ tìm kiếm bằng chứng để bổ trợ cho kết luận có sẵn của họ.
Vậy điều gì khiến người ta muốn tin vào thuyết âm mưu, liệu nó có giúp ích gì cho chúng ta hay không? Nhà tâm lý Karen Douglas và cộng sự cho rằng thuyết âm mưu được sinh ra giúp con người thỏa mãn ba nhu cầu chính: nhận thức, tồn tại và xã hội.
Muốn hiểu chuyện gì diễn ra là một nhu cầu căn bản của con người. Khi về nhà, bạn thấy con chó tuột xích, bạn sẽ luẩn quẩn với suy nghĩ điều gì đã xảy ra. Với những chuyện như dịch COVID-19, nhu cầu hiểu rõ của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều vì đây là virus mới, giết chết nhiều người và liên tục có những thông tin mới về sự nguy hiểm của nó.
Thật không may, cuộc sống vốn phức tạp, khó hiểu vì có nhiều yếu tố tác động gây nên một sự kiện. Thuyết âm mưu, ngược lại, cung cấp một kịch bản gọn gàng và dễ hiểu để giải thích. Trong khi các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm được nguồn gốc của virus COVID-19, thuyết âm mưu đề xuất rằng nó được tạo ra từ mạng 5G dựa trên việc ở Vũ Hán người ta lắp đặt mạng 5G khoảng ba tháng trước khi đại dịch bùng phát.
Nếu để ý quan sát bạn sẽ thấy thuyết âm mưu thường phát triển khi có những sự kiện ảnh hưởng đến nhiều người. Không phải ngẫu nhiên vào thời điểm dịch COVID-19, nhiều thuyết âm mưu nở rộ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy thuyết âm mưu là một nỗ lực để bù trừ cho cảm giác mất an toàn, mất kiểm soát ở môi trường xung quanh. Nghĩa là trước một điều gây hoang mang, thuyết âm mưu tạo ra một “bến đỗ” an toàn, giúp mọi người lý giải và tin theo sự việc một cách dễ dàng, từ đó họ có thể ứng phó ngay lập tức.
Điều đó dễ dàng và hấp dẫn hơn là chấp nhận chờ đợi thời gian dài để có câu trả lời của giới làm khoa học. Trường hợp Bill Gates, ngoài các động cơ chính trị của nhóm tấn công, thì những người tấn công đã thỏa mãn được yếu tố là lý giải sự kiện gây bất an cho những người đang hoang mang chới với.
Trong cơn sợ hãi, mọi người bấu víu vào kẻ “tội đồ”, thay vì nhận ra rằng Bill Gates không đưa ra thông tin gì mới cả. Từ sau dịch SARS năm 2003, rất nhiều chuyên gia dịch tễ đã đưa ra cảnh báo tương tự. Và phòng thí nghiệm Pirbright mà quỹ của gia đình ông tài trợ sáng chế ra một virus khác cùng họ coronavirus nhưng chỉ gây bệnh trên gà, không phải COVID-19 (họ coronavirus có rất nhiều loại virus).
Hai nhà nghiên cứu Jan-willem Prooijen và Michele Acker chỉ ra rằng cảm giác bất an, mất kiểm soát sẽ làm tăng nhu cầu tin vào các thuyết âm mưu qua một thực nghiệm tâm lý hai bước. Bước một, những người tham gia làm một trong ba nhiệm vụ sau: một là nhớ lại một tình huống xảy ra với họ mà họ hoàn toàn không có kiểm soát gì; hai là nhớ lại một tình huống xảy ra mà họ hoàn toàn có kiểm soát; và ba là kể lại bữa ăn tối gần đây của họ.
Sau đó là họ trả lời các câu hỏi về niềm tin với những thuyết âm mưu. Kết quả cho thấy nhóm nhiệm vụ một (có cảm giác hoàn toàn kiểm soát) ít tin nhất vào những thuyết âm mưu so với hai nhóm còn lại. Như vậy, nếu có cảm giác an toàn và kiểm soát được môi trường sẽ làm giảm đi nhu cầu tin vào các thuyết âm mưu.
Nói một cách khác, nếu mọi người cảm thấy an toàn và kiểm soát được môi trường xung quanh, họ sẽ ít có nhu cầu tin vào thuyết âm mưu hơn. Đây cũng là lý do có thể giải thích khi các nhà nước càng cố tình bưng bít các thông tin chính trị, xã hội, thì tin đồn, giả thiết (thậm chí ngớ ngẩn và ngô nghê) xuất hiện càng nhiều và được mọi người tin.
Một chức năng nữa của thuyết âm mưu là thỏa mãn nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội này có thể là củng cố hình ảnh tích cực về bản thân mình và gắn mình với nhóm được coi là có giá trị tích cực. Khi hình ảnh bản thân của một người bị đe dọa, họ sẽ tìm cách giải thích rằng những diễn ra với mình là hệ quả của một kế hoạch nào đó gây ra, và họ là nạn nhân. Điều tra của các nhà nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy mình có vị trí xã hội không cao có xu hướng tin vào các thuyết âm mưu nhiều hơn.
Tương tự như vậy, Damaris Graeupner và Alin Coman yêu cầu nghiệm thể tham gia vào một tương tác xã hội trong phòng thí nghiệm để tạo ra cảm giác bị từ chối hay được chấp nhận của người khác. Sau đó, họ được hỏi niềm tin của họ về các thuyết âm mưu và kết quả cho thấy những ai bị từ chối sẽ tin nhiều hơn vào thuyết âm mưu.
Như vậy, thuyết âm mưu ra đời nhằm giúp con người cảm thấy tình huống được giải thích, có lại được sự an toàn, và cảm thấy tốt hơn vào bản thân mình. Nó đến từ những khớp nối vội vàng của thông tin, và đôi khi nó trở nên ngây ngô. Nếu nó làm bạn cười, xin hãy cười một mình thôi để giữ sự hài ước của bạn chỉ tập trung vào logic của thuyết âm mưu.
Nhưng khi gặp ai tin vào thuyết âm mưu, xin đừng cười họ. Niềm tin đến từ khao khát mở rộng biên độ hiểu biết, tìm cách chấp nhận thực tế đầy lo lắng biến động và không dễ chịu chút nào với mình. Nhưng trên con đường dài, nó là sự hiểu biết cần thiết để ta có ứng xử phù hợp với sự bất an ngày nay trên thế giới thông tin rối loạn.
Cười vào họ sẽ làm khoét sâu sự bất an, sự khác biệt mà họ trải qua. Kết quả là nó càng củng cố lý do họ tin vào thuyết âm mưu. Nó được tạo ra bởi những con người thông minh, có tri thức và đôi khi có cả động cơ. Hiểu lý do vì sao họ tin vào thuyết âm mưu giúp bạn thông cảm, cởi mở và dễ chấp nhận hơn từ đó, chúng ta có thể kết nối được với những người có quan điểm khác biệt với mình. Không phải chỉ trích chính là thái độ chấp nhận mới là nền tảng của sự thay đổi.
Có thể trong lúc bất an, chính bạn cũng sẽ tìm đến những kết luận vội vàng dựa trên sự trùng khớp bình thường, và gây tổn hại đến cộng đồng hoặc chính bản thân bạn khi chọn lựa hành động trước nguy cơ. Bạn và tôi, chúng ta không miễn nhiễm khỏi thuyết âm mưu.