Những nghi ngờ xung quanh Viện Khổng Tử
Ngày 14/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra quy định yêu cầu trung tâm quản lý các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại Mỹ sẽ phải đăng ký quy chế dành cho phái bộ nước ngoài.
Theo quy định mới, các Viện Khổng Tử cũng thuộc diện “về thực chất thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát hiệu quả” bởi chính phủ nước ngoài, và phải tuân thủ các yêu cầu về hành chính tương tự như các đại sứ quán và lãnh sự quán.
Trước đó, Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Viện Khổng Tử có thể đang hoạt động như những trung tâm tuyên truyền của Trung Quốc, nhằm khuếch trương “sức mạnh mềm” của Bắc Kinh tại quốc gia khác.
Hôm 13/8, David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói rằng “Chúng tôi không yêu cầu họ đóng cửa, mà chỉ đơn giản xác định đúng bản chất của họ là các phái bộ nước ngoài”.
Tại buổi họp báo hôm 14/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh lấy làm tiếc về động thái của Washington, đồng thời khẳng định các Viện Khổng Tử luôn tuân thủ luật pháp sở tại. Ông cho rằng hành động của Mỹ đang bôi nhọ mục đích chính đáng của chương trình đào tạo tại Viện, gây tổn hại đến lòng tin và sự hợp tác của hai nước.
Viện Khổng Tử là các trung tâm do chính phủ Trung Quốc tài trợ, có khoảng 550 cơ sở hoạt động trên khắp thế giới, trong đó Trung Quốc đã mở tổng cộng 75 Viện Khổng Tử tại Mỹ, nơi công dân Mỹ có thể học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc và có tới 65 cơ sở trong số này nằm tại các trường đại học Mỹ.
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo các cơ sở Viện Khổng Tử là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị của mình ở nước sở tại. Hàng loạt các trường đại học ở Đan Mạch, Pháp, Australia và Canada đã cho đóng Viện Khổng Tử.
Kể cả Thụy Điển, quốc gia đầu tiên cho phép mở Viện Khổng Tử ở châu Âu cũng đã yêu cầu đóng cửa viện cuối cùng tại đây hồi đầu tháng 1/2020. Cuối năm 2019, Bỉ đã đóng cửa Viện Khổng Tử tại một trong những đại học danh tiếng nước này với lý do người đứng đầu Viện này bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Ấn Độ gần đây cũng đang xem xét về việc đóng cửa Viện trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Bộ Giáo dục Ấn Độ sẽ xem xét lại viện Khổng Tử tại các đại học Ấn Độ và các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa các cơ sở của Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngày 26/8, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát sao những động thái của Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Động thái tăng cường kiểm soát các Viện Khổng Tử của Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Washington - Bắc Kinh diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp. Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đang tiến hành một loạt các biện pháp nhằm chống lại những hoạt động được coi là đe dọa an ninh quốc gia từ phía Trung Quốc, bao gồm dừng giao dịch với Huawei, cấm các nền tảng công nghệ từ Trung Quốc như TikTok, đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, hay các triển khai chương trình “Mạng lưới Sạch” và “Sáng kiến Trung Quốc” của Bộ Tư pháp Mỹ.
Sự việc lần này như “đổ thêm dầu vào lửa”, càng khoét sâu mâu thuẫn giữa hai bên. Theo các chuyên gia phân tích, Washington sẽ vẫn tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh để lấy lòng cử tri Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang trong giai đoạn gấp rút.
(theo Reuters)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-nghi-ngo-xung-quanh-vien-khong-tu-122043.html