Những nghị quyết đem lại ấm no nơi vùng cao, biên giới
Từ tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, Lào Cai đã trở thành một trong những 'cánh chim đầu đàn' của vùng Tây Bắc về phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những động lực tạo ra sự thay đổi đó là những nghị quyết, quyết sách đúng hướng và kịp thời của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Nghị quyết 29 “nâng bước” học sinh vùng cao tới trường
A Mú Sung là một trong những xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát. Trong những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020. Đến xã A Mú Sung hôm nay, chúng tôi vui chung niềm vui của đồng bào các dân tộc địa phương khi cuộc sống ngày càng ấm no. Đặc biệt, tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Mú Sung, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần luôn đạt trên 95%. Vậy nhưng, ít ai biết rằng chỉ hơn 2 năm trước, tỷ lệ chuyên cần của ngôi trường này còn nhiều điều khiến xã trăn trở. Cụ thể, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2021, các giáo viên vô cùng lo lắng khi có nhiều học sinh bán trú nghỉ học; đỉnh điểm là ngày 27/9/2021 có tới 80 học sinh bán trú nhà ở thôn Tùng Sáng, thôn Lũng Pô đồng loạt nghỉ học.
Nguyên nhân của sự việc trên là do xã A Mú Sung đạt chuẩn nông thôn mới, không còn là xã đặc biệt khó khăn nên theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” thì có 129 học sinh không được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP nữa (mỗi học sinh được hỗ trợ gần 600.000 đồng và 15 kg gạo/tháng). Ngoài ra, học sinh THCS phải nộp hoàn toàn học phí, 70% tiền mua bảo hiểm y tế bắt buộc, nộp tiền thuê nhân viên cấp dưỡng, góp gạo ăn bán trú… Sự thay đổi chế độ hỗ trợ khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, nhiều phụ huynh chưa hiểu và không cho con đi học.
Thực trạng trên cũng là câu chuyện chung ở nhiều xã vùng cao của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Nắm được vấn đề trên, HĐND tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi học chuyên cần luôn đạt trên 95%.
Theo bà Lưu Thị Hiên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, trong những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có 23 nghị quyết thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang triển khai thực hiện, quy định nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học.
Điển hình như Nghị quyết 29/2020/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, như: chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ từ 24 đến 36 tháng; hỗ trợ giáo viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú và hỗ trợ cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ học phẩm, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh phổ thông ở các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn và nhiều chính sách khác.
Các chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh đã giúp 135 nghìn học sinh được hỗ trợ (chiếm 67% học sinh vùng cao, học sinh con hộ nghèo) có điều kiện học tập tốt hơn; gia đình các em giảm bớt khó khăn; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, hạn chế bỏ học ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Nghị quyết 06 tạo động lực phát triển du lịch cộng đồng
Trong những năm gần đây, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc, đặc biệt là ở ngành du lịch. Năm 2023, đối diện với nhiều khó khăn nhưng Lào Cai đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách, tăng 71% so với năm 2022, vượt 21% kế hoạch. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng 48,9% so với năm 2022, vượt 8,5% kế hoạch năm 2023. Với những kết quả trên, du lịch Lào Cai trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh và điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Điều đáng nói là thời gian qua, nhờ các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhiều hộ dân ở vùng cao đã được hỗ trợ kinh phí để phát triển du lịch cộng đồng.
Chị Lý Lở Mẩy ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 - 2021, homestay của gia đình tôi không hoạt động khiến các phòng nghỉ xuống cấp. Cuối năm 2021, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sa Pa theo Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND về “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025” (Nghị quyết 06) để xây thêm 1 nhà sàn với 5 phòng nghỉ và nâng cấp lại khu lưu trú. Đến nay, hoạt động du lịch của gia đình được duy trì ổn định, góp phần nâng cao thu nhập.
Vài năm trước, do kinh tế khó khăn nên gia đình chị Lý Giá Sơ ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý (huyện Bát Xát) chỉ làm được một phòng tập thể cho khách nghỉ. Vừa qua, nhờ nguồn vốn vay theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, gia đình chị đã nâng cấp homestay, xây thêm 5 phòng khép kín, 1 phòng tập thể đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Lại Vũ Hiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Triển khai Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 303 hộ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển du lịch cộng đồng với tổng số tiền hơn 29,6 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch UBND tỉnh giao. Ngoài ra, trong 2 năm (2022 - 2023), UBND tỉnh đã giao dự toán chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch hơn 1,2 tỷ đồng. Nghị quyết 06 được người dân đồng thuận, tạo ra động lực to lớn, tháo gỡ khó khăn cho đồng bào vùng cao, góp phần giúp du lịch cộng đồng của tỉnh ngày càng khởi sắc.
Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, câu chuyện về hiệu quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh là minh chứng rõ nét cho những nghị quyết đã đi vào đời sống, giúp đồng bào vùng cao trong tỉnh có cuộc sống ngày càng ấm no. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, các kỳ họp của HĐND tỉnh đã thông qua 271 nghị quyết thuộc các lĩnh vực, trong đó có 89 nghị quyết quy phạm pháp luật, triển khai rộng khắp tại các địa phương, đặc biệt là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nghị quyết được triển khai hiệu quả đã tạo động lực to lớn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đem lại sự đổi thay cho những bản làng vùng cao, biên giới.