Những nghị quyết làm xoay chuyển ngành nông nghiệp

Trong số 400 nghị quyết được HĐND tỉnh xây dựng, ban hành trong nhiệm kỳ 2016-2020, thì các nghị quyết về cơ chế đặc thù riêng của tỉnh trong phát triển nông nghiệp được đánh giá là có tác động tích cực, làm thay đổi tư duy người nông dân, xoay chuyển cục diện nền sản xuất lạc hậu, manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

Cơ chế, chính sách được lòng dân

Nổi bật nhất là HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết có liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả, góp phần hiện thực hóa chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của Ban Thường vụ tỉnh ủy, đưa tỉnh Sơn La vươn lên trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 cả nước với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập cao từ 200 - 400 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng bưởi da xanh quy trình VietGAP của nông dân xã Hát Lót (Mai Sơn).

Mô hình trồng bưởi da xanh quy trình VietGAP của nông dân xã Hát Lót (Mai Sơn).

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: Từ khi có Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả, đa số người nông dân của huyện đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, thử nghiệm lai, ghép một số giống xoài, bưởi, cam, nhãn, hồng giòn trên diện tích đã canh tác. Đặc biệt đã ghép mắt cải tạo vườn tạp, đem lại sức sống mới cho hàng nghìn ha cây nhãn ở các xã Nà Mường, Tà Lại, Hua Păng, Chiềng Hắc. Sau một thời gian nhận thấy hiệu quả cao các hộ dân bắt đầu học hỏi nhau để cùng làm, diện tích cây ăn quả ở huyện ngày càng được mở rộng.

Là một trong số hàng trăm doanh nghiệp, HTX được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) thông tin: Nhờ có Nghị quyết và các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả, từ năm 2016 đến nay, HTX được hỗ trợ cây giống, xây nhà sơ chế nông sản và vườn ươm giống cây ăn quả lưu vườn, mua dây chuyền sơ chế đóng gói quả; tham gia thí điểm mô hình sử dụng phân hữu cơ cho 10 ha xoài và bưởi... Hiện, HTX có 52 thành viên với quy mô 100 ha xoài, nhãn và bưởi da xanh theo quy trình sản xuất VietGAP phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, doanh thu của các thành viên HTX đạt khoảng 10 tỷ đồng

Chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả của HĐND tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong chuyển đổi sản xuất. Giai đoạn 2016-2020 tỉnh ta đã hỗ trợ số tiền trên 38 tỷ đồng cho 193 doanh nghiệp, HTX, trên 25.900 hộ gia đình trên địa bàn các huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã chuyển đổi 52.190 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh lên trên 78.850 ha, sản lượng quả tươi ước đạt trên 336.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2015; tỉnh đã hỗ trợ ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại; gần 368 ha cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; 3,18 ha nho, dâu tây, dưa trồng trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng; trên 2.600 ha cây ăn quả được áp dụng quy trình VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương; được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.700 ha; 9 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng 123 chuỗi quả; có 25 sản phẩm OCOP được sản xuất ra từ hoa, quả; thành lập 301 doanh nghiệp, HTX, Liên hiệp HTX trồng cây ăn quả. Năm 2020, tổng sản lượng xuất khẩu quả các loại của tỉnh đạt trên 21.000 tấn, bằng 19,4% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản.

Tiếp thêm lực cho doanh nghiệp, HTX và người nông dân

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với chủ trương đúng, trúng và cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho phát triển cây ăn quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ liên quan đến phát triển cây ăn quả cũng đã thúc đẩy một số ngành phát triển như: Nuôi ong lấy mật từ hoa của một số loại quả; phế phụ phẩm từ quả có thể dùng làm thức ăn cho chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào cho chế biến một số loại dược phẩm. Giải quyết được việc làm, thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, thông qua phát triển HTX sản xuất, chế biến quả đã góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giải quyết cho gần 5.000 lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định...

Để tiếp thêm lực cho doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, HĐND tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình mới theo hướng: Tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường; phát triển công nghiệp chế biến sâu một số loại quả theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu... Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 104.820 ha, sản lượng quả tươi 596.530 tấn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-nghi-quyet-lam-xoay-chuyen-nganh-nong-nghiep-38181