Những ngôi làng 'không mẹ' ở miền Đông Indonesia
Tại nhiều khu vực ở miền Đông Indonesia, hầu hết những bà mẹ trẻ đều đi xuất khẩu lao động. Theo BBC, các khu vực này được người dân Indonesia gọi là những ngôi làng 'không mẹ'.
Năm Ely Susiawati tròn 11 tuổi cũng là lúc mẹ cô bé quyết định để lại em cho bà ngoại chăm sóc và sang Saudi Arabia làm người giúp việc. Khi phóng viên BBC lần đầu tiên gặp Ely Susiawati, cô bé đang học phổ thông năm cuối. Ely Susiawati chia sẻ em rất buồn vì phải sống xa mẹ. “Khi thấy bạn bè được bố mẹ đưa đến trường, cháu cảm thấy rất tủi thân. Cháu muốn mẹ về nhà. Cháu không muốn mẹ phải đi làm ăn xa. Cháu muốn mẹ ở nhà chăm sóc anh em cháu”, Ely Susiawati nói.
BBC cho biết, tại ngôi làng Wanasaba, nơi Ely Susiawati sinh sống thuộc đảo Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara, người dân chấp nhận rằng đi xuất khẩu lao động là việc các bà mẹ trẻ phải làm để đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái họ. Khi người mẹ phải ra nước ngoài mưu sinh, ông bà và người bố sẽ phụ trách việc nuôi nấng con cái. Thế nhưng, theo BBC, với bất kỳ đứa trẻ nào, sống xa mẹ không phải là chuyện dễ dàng. Mẹ của Karimatul Adibia đi xuất khẩu lao động khi cô bé mới một tuổi. Vì vậy, Karimatul Adibia hầu như không có ấn tượng gì về mẹ. Mãi đến khi Karimatul Adibia sắp tốt nghiệp tiểu học, mẹ em mới có điều kiện về thăm nhà. Nhưng điều trớ trêu là lâu nay Karimatul Adibia đã luôn xem người bác nuôi nấng mình hằng ngày là mẹ. “Cháu rất bối rối. Cháu nhớ là mẹ đã khóc và hỏi bác tại sao cháu lại không nhớ gì về mẹ. Bác trả lời rằng không có bức ảnh nào về mẹ và tất cả những gì mà cháu biết về mẹ chỉ là cái tên và địa chỉ. Trong cháu là những cảm xúc trái ngược. Một mặt cháu thực sự rất nhớ mẹ nhưng mặt khác cháu lại thấy giận vì mẹ để cháu lại khi cháu còn quá nhỏ”, Karimatul Adibia chia sẻ với BBC. Giờ đây, mỗi tối, cô bé Karimatul Adibia 13 tuổi thường gọi video nói chuyện với mẹ và hai mẹ con thường xuyên nhắn tin cho nhau. Tuy nhiên, theo BBC, mối quan hệ giữa họ vẫn còn rất ngượng ngùng.
Phụ nữ ở đảo Lombok bắt đầu đi xuất khẩu lao động từ những năm 80 của thế kỷ trước. BBC cho biết, trong khoảng thời gian gần 40 năm đó đã có không ít câu chuyện buồn. Nhiều người trở về trong những chiếc quan tài trong khi có những người mình mang đầy thương tích nặng nề do bị chủ lao động nước ngoài đánh đập dã man. Có một số người về nước sau khi bị quỵt tiền lương và có người lại mang theo cả những đứa con lai.
Cô bé Fatimah, 18 tuổi, chính là một đứa con lai như vậy. “Mọi người thường nhìn cháu với ánh mắt ngạc nhiên. Cháu trông khác biệt. Có người nói cháu thật xinh đẹp vì mang dòng máu Arab. Điều đó khiến cháu rất vui”, Fatimah chia sẻ với BBC. Fatimah chưa bao giờ được gặp người bố Saudi Arabia của mình. Trước đây, bố thường gửi tiền để mẹ Fatimah ở lại Indonesia chăm con và không phải đi xuất khẩu lao động. Thế rồi cách đây không lâu, sau khi người bố qua đời, cuộc sống trở nên khó khăn nên mẹ Fatimah lại phải sang Saudi Arabia tìm việc làm. “Nếu mẹ không đi Saudi Arabia, chúng cháu sẽ không có đủ tiền để sống”, Fatimah nói trong nước mắt.
Theo BBC, hơn 2/3 số lao động Indonesia đi làm việc ở nước ngoài là phụ nữ. Khoản tiền mà họ gửi về nước cũng đồng nghĩa rằng các thế hệ tiếp theo có thể mơ về những thứ mà trước đây những người đi xuất khẩu lao động không bao giờ dám nghĩ đến. Cô Suprihati từng đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia khi hai con trai của cô mới chập chững biết đi. Với số tiền dành dụm được, Suprihati đã nuôi được các con ăn học đàng hoàng. Giờ đây, cô đang sống một cuộc sống an nhàn và mọi việc đã có các con lo.
Cô bé Ely Susiawati đã không được gặp mẹ 9 năm nay. Thế nhưng, nhờ mức lương của người mẹ mà giờ đây cô bé đã trở thành người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Ely Susiawati hiện đang học chuyên ngành tài chính tại một trường đại học ở thủ phủ Mataram của tỉnh Tây Nusa Tenggara và em đã thấu hiểu được những hy sinh của mẹ mình. “Nếu mẹ không ra nước ngoài làm việc, cháu đã không được đến trường. Cuộc sống hiện nay mà cháu có được là nhờ mẹ. Cháu luôn tự hào về mẹ. Mẹ là người phụ nữ tuyệt vời. Cháu luôn thông báo cho mẹ biết mình đi đâu, làm gì và xin phép mẹ mỗi khi ra ngoài. Hai mẹ con tuy không gặp mặt trực tiếp nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua WhatsApp hay FaceTime. Mẹ biết hết mọi việc xảy ra trong cuộc sống của cháu”, Ely Susiawati kể.