Những ngôi nhà ấm tình dân, nghĩa Đảng ở Hà Tĩnh
Như cánh én chở mùa xuân ấm áp trở về, nhiều công trình nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở dân cư kết hợp tránh bão lũ lần lượt được khởi công đã vun dày lên niềm tin yêu, hạnh phúc trên những vùng 'rốn lũ'.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chia sẻ niềm vui với gia đình ông Hoàng Kim Cương ở thôn Phan Chu Trinh - Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên. Ảnh tư liệu
“Có nơi mô như miền quê ta/ Miền đất quanh năm bao mùa nắng gió” - câu hát trong veo của ca sỹ trẻ cất lên từ chiếc loa truyền thanh trong buổi chiều cuối năm rét mướt như đưa lòng người xích lại gần nhau hơn. Cha ông xưa dạy con cháu “lá lành đùm lá rách”, hơn đâu hết, người quê tôi càng thấm thía đạo lý này khi quanh năm phải cùng nhau gồng mình trước thiên tai, đánh vật với sự khắc nghiệt của thời tiết…
Ấm áp và xúc động làm sao khi nghị quyết đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 chính là nghị quyết trực tiếp hướng về Nhân dân (Nghị quyết 01-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra). Các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện.
Trong đó, nhiệm vụ “Ban hành chính sách, huy động nguồn lực, sức lao động của Nhân dân, nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho Nhân dân” và mục tiêu: “Từ nay đến cuối năm 2025, phấn đấu mỗi xã thường xuyên bị ngập lụt xây dựng được 1 - 3 nhà phục vụ cộng đồng cho Nhân dân tránh trú lụt, bão trên cơ sở nâng cấp các nhà văn hóa thôn xóm, trụ sở, trường học hoặc xây dựng mới” đã nhanh chóng được cụ thể hóa. Thời gian tới, các địa phương sẽ rà soát để tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm nhà văn hóa cộng đồng và nhà tránh lũ cho Nhân dân.
Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ ở thôn Hương Đồng (Hương Thọ)
Thuộc diện được hỗ trợ xây nhà tránh lũ đầu tiên, bà Phan Thị Thanh (thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ) chia sẻ: “Cẩm Duệ là địa bàn thường xuyên bị ngập lụt. Trận lụt hồi tháng 10/2020 vừa qua, tôi và chồng (ông Hoàng Kim Cương) đã phải sơ tán hơn 20 ngày. Được hỗ trợ xây nhà đợt này, chúng tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh và đồng bào. Từ nay, con cái và bà con láng giềng không còn phải lo cho chúng tôi trong mùa mưa bão nữa”.
Không riêng người Hà Tĩnh yêu thương, đùm bọc nhau mà miền đất nặng nghĩa ân tình này còn nhận được nhiều sự yêu thương, chia sẻ từ muôn phương. Hạnh phúc dâng ngập lòng người khi ngay giữa những ngày dịch bệnh hoành hành, dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, nhiều tấm lòng hảo tâm vẫn hướng về chia sẻ với những thiệt hại, mất mát do lũ lụt của người dân Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Nhật - Trưởng thôn Hương Đồng (xã Đức Hương - Vũ Quang) bộc bạch: “Có được nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ, có lẽ người làm trưởng thôn như tôi là vui nhất. Từ nay, những ngày bão lũ, tôi đã có thể yên tâm phần nào khi bà con đã có chỗ neo trú an toàn, không còn phải sơ tán vào núi nữa. Tôi cứ dặn thợ phải trân trọng từng viên gạch bởi đó là nghĩa Đảng, là tình dân, là sự chắt chiu nghĩa tình từ muôn phương dành cho chúng tôi”.
Lễ khởi công xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ tổ dân phố 2 phường Đại Nài (Ảnh tư liệu).
Trong niềm vui chung ấy, bước chân của những người làm báo chúng tôi cũng như vội vã hơn. Trở lại “tâm lũ” tổ dân phố 2 - phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc ấy. Trên những bức tường, rặng cây, những ngấn lũ vẫn còn chưa phai dấu nhưng trong lòng người, niềm tin yêu, hy vọng đã lại tươi mới. Không vui và tin tưởng sao được khi cùng lúc, tổ dân phố 2 được hỗ trợ xây 1 nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ và 1 nhà ở cho hộ dân kết hợp tránh bão lũ.
Vừa tham gia dọn dẹp mặt bằng tại địa điểm xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ, vừa “tận dụng” vật liệu thừa để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà mình, ông Nguyễn Huy Lam (cùng tổ dân phố 2) chia sẻ: “Dẫu phải chạy lũ vô cùng vất vả nhưng tôi cũng chưa nghĩ đến chuyện xây nhà. Mùa xuân này quả thực vô cùng ý nghĩa đối với một thương binh 4/4 như tôi khi được hỗ trợ 70 triệu đồng xây nhà.
Bên cạnh đó, tôi còn nhận được nghĩa tình ấm áp của CLB liên thế hệ tự giúp nhau của tổ dân phố 2 với khoản vay 50 triệu đồng lãi suất thấp, các chủ hộ kinh doanh trong tổ dân phố cho nợ tiền vật liệu khiến tôi càng vững tin hơn. Nếu không có Đảng, không có đồng bào thì có lẽ cả đời này, chúng tôi cứ phải sống trong cảnh chạy lũ”.
Phối cảnh tổng thể nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ tại thôn Tân Thủy, xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn)
Cảm xúc của bà Thanh, ông Nhật, ông Lam cũng chính là cảm xúc của nhiều người dân ở các địa bàn khác khi họ được hưởng lợi từ Nghị quyết 01-NQ/TU, từ ân nghĩa của đồng bào.
Mùa xuân đang trở về đầy thiết tha và bức tranh xuân Tân Sửu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh càng trở nên ấm áp trong sự bền chặt của tình dân, nghĩa Đảng.
100% kinh phí xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Mức hỗ trợ mỗi nhà văn hóa là 2 tỷ đồng và nhà ở là 70 triệu đồng đối với làm mới, 30 triệu đồng đối với các nhà cải tạo, sửa chữa.
Ngoài ra, các địa phương có thể huy động thêm nguồn lực để xây dựng các công trình đảm bảo nhu cầu thực tế.