'Những ngôi sao xanh' trong ngôi nhà nhỏ của Teresa

'Choooaaang!' – Tôi sững sờ nhìn cái đĩa trắng sứ của Teresa, một giây trước vẫn yên ả trong tay, giờ đã chuội xuống nền bếp, tạo ra âm thanh sắc ngọt, vang vọng. Trước khi tôi kịp định thần, bác Teresa vội bước vào từ ban công, xua xua tay: 'Văn hóa Roma vỡ là điềm tốt! Tiếng choang mang lại niềm vui!'.

“Những ngôi sao xanh” trong ngôi nhà nhỏ của Teresa là bài viết tiếp theo đóng góp cho "Thư từ Roma" những câu chuyện thú vị về đời sống của những du học sinh - Bài viết của tác giả Tô Phương Thủy – Phóng viên thường trú của Tạp chí Công dân và Khuyến học tại Châu Âu.

"Chào tình yêu!"

Teresa là chủ nhà nơi tôi thuê một phòng trọ nhỏ ở chung cùng gia đình, tại con phố nhỏ Fausto Coppi ở Roma. Căn hộ trên tầng 7 của bác Teresa và chồng, Eugenio di Ottavio, thuộc khu dân cư thanh bình nằm giữa những tán cây xanh mướt ở phía nam thành Rome, cách khá xa các điểm di sản nổi tiếng ở trung tâm.

Ngoài 70 tuổi, nhưng trông bác Teresa rất đẹp và luôn sành điệu, với mái tóc rực đỏ và làn da trắng vẫn còn dấu ấn xuân sắc. Là phụ nữ Rome, nên Teresa rất chú trọng việc trang điểm để giữ hình thức luôn đẹp, ngay cả khi ở nhà. Đến mức, mẹ chồng tôi, 83 tuổi, khi nhìn thấy bác qua trò chuyện trực tuyến, còn nhầm tưởng bác là… "bạn học" của tôi.

Văn hóa Roma vỡ là điềm tốt! Tiếng choang mang lại niềm vui!.. “Những ngôi sao xanh” trong ngôi nhà nhỏ của Teresa

Văn hóa Roma vỡ là điềm tốt! Tiếng choang mang lại niềm vui!.. “Những ngôi sao xanh” trong ngôi nhà nhỏ của Teresa

Một ngày mới của tôi tại Roma được đánh dấu bằng câu chào ở nốt cao như tiếng nhạc của Teresa: "Buon giorno, my love! Come va il tuo sonno!" (Chào tình yêu! Con ngủ có ngon không?) Có thể nói, Teresa là phụ nữ Ý điển hình, mang các nét tính cách nổi trội và đặc sắc nhất: Tình cảm, luôn đầy năng lượng tích cực, thẳng tính, mạnh mẽ, với chất giọng nốt cao đầy sôi nổi. Vì vậy, việc tôi lỡ tay đánh vỡ đĩa, hay nấu quá nhiều thức ăn khiến ba người phải ăn lại nhiều lần…, luôn được Teresa lý giải dưới góc văn hóa của A Dolce Vita – Cuộc sống tươi đẹp của người Ý.

Ngôi nhà nhỏ của bác Teresa...

Hai bác Teresa và Eugenio vô cùng thích thú chia sẻ với tôi những câu chuyện thường ngày… bằng tiếng Ý. Giữa chúng tôi như hình thành một mối liên hệ mật thiết, khi câu chuyện được định hình như một bài hát, quan trọng ở chất giọng trầm bổng, nốt ngân, còn ý nghĩa thì tùy… cảm thụ.

"Tư lệnh" Teresa

Mặc dù về mặt lý thuyết, xã hội Ý, kế thừa từ văn hóa La Mã, là một xã hội phụ hệ, nhưng trên thực tế, nhà triết học Cato (234–149 TCN) từng phải than thở": "Tất cả những người đàn ông khác đều là chủ nhân gia đình. Nhưng người La Mã chúng tôi, những người thống trị thế giới, lại bị cai trị bởi những người phụ nữ của mình!"

Hình ảnh trong gia đình bác Teresa và Eugenio.

Sức ảnh hưởng vào bao trùm của người phụ nữ Ý lên văn hóa còn được chứng minh qua tên gọi của thành Rome! Một đoạn văn do nhà thơ Stesichorus (638-555 trước Công nguyên) viết không lâu sau khi thành La Mã ra đời cho thấy, Roma thực ra được lấy tên từ một phụ nữ. Stesichorus miêu tả, Roma cùng đoàn tùy tùng chạy trốn khỏi thành Troy bị tàn phá bởi chiến tranh, và lạc đến một mảnh đất xinh đẹp với "làn gió nhẹ mơn trớn thổi vào từ biển". Nàng Roma yêu thích mảnh đất này đến nỗi lập mưu đốt hết tàu thuyền, buộc đoàn quân phải ở lại và lấy đây làm quê hương mới. Từ đó, Roma đã trở thành tên riêng cho thành phố xinh đẹp và trường tồn này.

Trong tác phẩm lịch sử vào thế kỷ 5 có tên "Roman Antiquities", tác giả người Hy Lạp cũng khẳng định lại truyền thuyết này, và gọi người phụ nữ này là Rhome, có nghĩa sức mạnh trong tiếng Hy Lạp. Đây cũng có thể là lý do, với người Ý, tên của thủ đô được viết là Roma, còn theo tiếng Anh lại được đọc và viết là Rome.

Vì vậy, tôi hay gọi đùa bác Teresa là "Nữ hoàng", hoặc "Tư lệnh" Roma. Khi bác Eugenio ba lần đưa tôi đi làm Mã số thuế (codice fiscale) tại Roma song thất bại do thủ tục "hành là chính" quá nổi tiếng của thành phố, việc đầu tiên khi lên ô tô là bác mở máy gọi điện cho "Tư lệnh Teresa". Một tay Eugenio cầm vô lăng, một tay vung trong không khí, đi kèm cùng các tính từ cảm thán để báo cáo "Tư lệnh" về sự quan liêu của Roma. Teresa luôn là tâm điểm trong gia đình hoặc bất cứ nơi nào bác đến, với tiếng cười vẫn giòn giã ở tuổi 70.

Các vật dụng khắc gỗ là bác Eugenio tự làm.

Các vật dụng khắc gỗ là bác Eugenio tự làm.

Teresa thích nấu ăn, và nấu rất nhanh nên tôi thường xuyên được ăn các món truyền thống của Ý. "Mọi người phụ nữ Ý đều đã từng là những đầu bếp cừ khôi. Chúng ta chăm sóc gia đình, nấu nướng, dạy dỗ lũ trẻ trong lúc đàn ông vắng nhà" – bác Teresa tự hào. Ở cùng hai bác, tôi mới biết người Ý thường ăn pizza đế dày, chỉ phết một lớp cà chua đặc vị, không kèm nhân. Trong một bữa ăn, bao giờ cũng là món chính trước (thường là cá, hoặc thịt) và rau xào, rồi sau đó mới đến salad rau sống, và không thể thiếu hoa quả, hoặc bánh, tráng miệng cuối cùng.

Tuy nhiên, bác Teresa than phiền, thanh niên Ý, và nhiều gia đình trẻ của Ý, giờ đây không còn thích nấu ăn ở nhà. "Chúng nói, thời gian để còn làm việc khác, ăn ngoài hàng vừa được phục vụ, vừa ngon. Nhưng làm sao, lại có thể ngon và chất lượng, lại tình cảm như mình tự nấu được chứ!" – bác thốt lên.

"Những ngôi sao xanh" của Eugenio

Theo lời Francesca, con gái hai bác, mẹ cô - Teresa – rất mạnh mẽ và quyết đoán, trong lúc bố cô, dù cao to, song thực tế lại hiền và lãng mạn. Theo lời bác Teresa, lần đầu tiên khi nhìn thấy Eugenio trong nhà thờ, cô thiếu nữ 13 tuổi đã lập tức đem lòng yêu và tự hứa "Sẽ lấy người đàn ông đẹp trai kia làm chồng!" Thần ái tình cũng hùa theo, và lén bắn mũi tên tình yêu vào Eugenio. Trước tiếng sét ái tình, cả 10 năm tiếp theo, Eugenio luôn mang theo cây đàn đến nhà Teresa, để thuyết phục cha mẹ và hai anh trai của người yêu đồng ý. Hai người làm đám cưới khi Teresa 23 tuổi, và tận hưởng tình yêu ngọt ngào cho mãi tận 10 năm tiếp theo mới sinh con trai đầu lòng là Nicola, và đón con gái thứ hai, Francesca, 3 năm sau đó.

Tủ sách ở khắp nơi trong gia đình.

Eugenio sau khi phục vụ nghĩa vụ quân sự, đã làm việc nhiều năm trong Bộ Quốc phòng Ý cho đến khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, niềm đam mê của bác lại là điêu khắc và vẽ. Rất nhiều các vật dụng và đồ trang trí bằng gỗ trong nhà là do Eugenio tự tay chế tác, cho đến khi cả nhà thành phòng trưng bày. Bác chỉ dừng lại, khi Teresa kiên quyết: "Eugenio, đủ rồi đấy!".

Bác Eugenio gửi tin nhắn và hình ảnh để cập nhật về chuyến dã ngoại của hai bác cùng những người bạn!

Đôi mắt bác Eugenio rực sáng, khi khoe cả một album dày hình chụp các vật dụng bác từng thiết kế. Một buổi chiều, khi tôi từ trường về, bác Eugenio phấn khích đón tôi tại cửa. Bác hăng say kể điều gì đó rất nhanh và rất hay bằng tiếng… Ý.

Như mọi khi, tôi nghe đầy chăm chú, cười… không hiểu gì. Cho đến khi, bác dẫn tôi đi, và chỉ xuống những ngôi sao xanh được dính chắc trên sàn của các phòng tắm. Bác đã dụng công cả buổi chiều, để tránh cho bác Teresa và tôi, một sinh viên trọ học, khỏi trơn ngã!

Căn phòng nhỏ mà tôi trọ học trong nhà bác Teresa.

Căn phòng nhỏ mà tôi trọ học trong nhà bác Teresa.

Tôi yêu Roma, cũng chính từ những tình cảm con người hồn hậu, phóng khoáng và giàu tình cảm đến thế! Tiếng cười chào ngày mới của bác Teresa mang đến niềm vui gắn kết, và những ngôi sao xanh của Eugenio là cảm nhận về tình yêu thương, bất chấp rào cản ngôn ngữ, mà người Roma đang dành cho một sinh viên Việt Nam du học.

Tô Phương Thủy

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-ngoi-sao-xanh-trong-ngoi-nha-nho-cua-teresa-179241110080226678.htm