Những ngôi trường góp phần thay đổi diện mạo quê hương

Có lẽ sự thay đổi rõ nét nhất của các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là diện mạo, trong đó, trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) là một trong những điểm sáng. Bởi từ những ngôi trường khang trang, học sinh (HS) không chỉ được học trong môi trường tốt, bảo đảm về cơ sở vật chất mà chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, góp phần đào tạo nhân tài cho địa phương, tạo lòng tin, uy tín với phụ huynh HS và xã hội.

Trường đạt chuẩn quốc gia, học sinh được học tập trong môi trường thuận lợi, đầy đủ cơ sở vật chất.(Ảnh tư liệu)

Trường đạt chuẩn quốc gia, học sinh được học tập trong môi trường thuận lợi, đầy đủ cơ sở vật chất.(Ảnh tư liệu)

Xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho học sinh

Tại các xã NTM, hầu hết trường học đều khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất và đạt CQG. Những ngôi trường đạt CQG ấy góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo quê hương, tạo niềm tin về chất lượng giáo dục cho người dân. Một số trường chưa đạt, đã đạt tiếp tục xây dựng và giữ vững danh hiệu trường đạt CQG để luôn là môi trường học tập an toàn, thuận lợi cho HS.

Trở lại xã NTM Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa), tiêu chí (TC) trường học trong Bộ TC Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được xã quan tâm, nâng chất. Theo đó, chính quyền địa phương lãnh đạo các trường lập kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện, nắm bắt thực lực của các đơn vị, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục trong quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu trường CQG. Cùng với đó, xã phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủ Thừa đưa nhiệm vụ xây dựng trường đạt CQG vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương trong từng nhiệm kỳ đại hội để huy động các nguồn lực.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chỉ đạo các trường xây dựng giải pháp cụ thể để duy trì, bổ sung, hoàn thiện các TC để được công nhận lại đối với những trường đã hết hạn công nhận; xây dựng, hoàn thiện các TC để được công nhận trường đạt CQG đối với những trường được công nhận lần đầu, duy trì các trường đã được công nhận và nâng mức cao hơn. Trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng Trường THCS Mỹ Lạc đạt CQG vào năm 2022.

Trường Tiểu học Tân Lập đạt chuẩn quốc gia năm 2018

Trường Tiểu học Tân Lập đạt chuẩn quốc gia năm 2018

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Mỹ Lạc - Lê Hoàng Việt cho biết: “Trường học đạt CQG có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục của địa phương bởi ngôi trường đạt CQG không chỉ khang trang, sạch - đẹp - an toàn mà phụ huynh HS còn phấn khởi, có niềm tin với giáo dục của địa phương, từ đó phối hợp cùng địa phương, nhà trường quan tâm hơn nữa công tác giáo dục. Hướng tới, địa phương tiếp tục quan tâm, nỗ lực nâng chất tiêu chí Trường học trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM để HS được thụ hưởng môi trường học tập thuận lợi nhất có thể”.

Hiện Trường THCS Mỹ Lạc được đầu tư xây dựng 19 phòng chức năng, xây mới hàng rào, cổng trường. Dự kiến các hạng mục xây dựng sẽ hoàn thành vào tháng 6-2022. Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lạc - Trần Quốc Khởi chia sẻ: “Trong xây dựng trường đạt CQG, trường gặp khó khăn về TC cơ sở vật chất, thiếu các phòng chức năng, ảnh hưởng phần nào chất lượng dạy và học. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trường đang được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với đầy đủ các phòng chức năng. Đây sẽ là bước ngoặt lớn của trường, vừa hoàn thành mục tiêu xây dựng trường đạt CQG trong thời gian tới, vừa nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục”.

Ngoài được bổ sung cơ sở vật chất, trường còn nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là quan tâm HS yếu, kém và ngăn dòng bỏ học. Theo đó, buổi sáng trường dạy học theo chương trình chính khóa, buổi chiều trường tiến hành ôn tập cho HS. Những HS trung bình, yếu, kém được giáo viên (GV) nhắc nhở, hướng dẫn học tập. GV chủ nhiệm, GV bộ môn tìm hiểu hoàn cảnh của các em và kịp thời giúp đỡ khi cần. Những HS bỏ học, trường phối hợp địa phương vận động các em đi học trở lại.

“Tỷ lệ HS bỏ học cũng là một TC khó trong xây dựng trường đạt CQG. Do đó, trường rất quan tâm vấn đề này, kịp thời nắm bắt thông tin HS có ý định bỏ học để can thiệp sớm. Với những HS đã bỏ học, trường phân công GV chủ nhiệm cùng những HS gần gũi với HS bỏ học và phối hợp địa phương đến nhà vận động các em trở lại trường. Nhờ sự phối hợp tốt của địa phương, công tác vận động HS trở lại trường đạt hiệu quả tích cực” - thầy Khởi cho biết thêm.

Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh

Tại những ngôi trường đạt CQG, HS không chỉ được học tập trong môi trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ GV chất lượng mà còn được chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất. Trong quá trình học tập, HS được khơi gợi ý chí học tập, ham thích đến trường và phát triển khả năng của bản thân. Tùy theo độ tuổi, khả năng, sở trường của HS, các trường có những giải pháp giáo dục, định hướng phù hợp với đặc thù của đơn vị nhằm hướng đến mục tiêu chung nâng cao chất lượng giáo dục.

Môi trường xanh, sạch, đẹp của ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh tư liệu)

Môi trường xanh, sạch, đẹp của ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh tư liệu)

Đạt CQG năm 2018, Trường Tiểu học Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) tiếp tục phát huy thế mạnh và chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặt nền móng tốt cho HS cấp tiểu học. Mỗi năm học, Trường Tiểu học Tân Lập đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với đặc thù của đơn vị, trong đó, nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu quan trọng, góp phần giữ vững danh hiệu trường đạt CQG và tạo uy tín, lòng tin với phụ huynh và xã hội.

Theo đó, trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV và tổ chức các chuyên đề; tổ chức cho GV tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; chỉ đạo GV thực hiện dạy học tích cực như khăn trải bàn, mảnh ghép,...; đồng thời, tăng cường rèn luyện, giáo dục HS năng khiếu và chậm tiến bộ. Trong quá trình giảng dạy, GV chú trọng giáo dục “5 phẩm chất và 10 năng lực” cho HS. Cụ thể, các phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực: Tự chủ và tự học, kỹ năng giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập - Trương Thị Kim Dương cho biết: “Mỗi năm học, trường tổ chức thao giảng, hội giảng và sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ. Những GV giỏi, có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn, giúp đỡ những GV trẻ, GV gặp khó khăn trong nhiệm vụ chuyên môn. Trường cũng tạo điều kiện cho GV tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của ngành”.

Nhờ những hoạt động đó, GV có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để giáo dục phẩm chất, năng lực cho HS. Đặc biệt, trong quá trình dạy học, GV khai thác triệt để các ứng dụng của thiết bị dạy học hiện đại như bảng tương tác, tivi thông minh, máy chiếu đa năng,... Từ đó, HS được tiếp cận kiến thức và khơi gợi, giáo dục các phẩm chất, năng lực tốt hơn.

Xây dựng trường đạt CQG, HS được học tập trong môi trường thuận lợi, chất lượng giáo dục của địa phương cũng được nâng lên rõ nét. Từ đó, “tầm vóc” của xã NTM cũng được khẳng định./.

Ngọc Thạch

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-ngoi-truong-gop-phan-thay-doi-dien-mao-que-huong-a122557.html