Những người bạn quốc tế trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc

Hành trình gần 30 năm tìm đường cứu nước (1911-1941) đã để lại những dấu ấn sâu đậm và rất quan trọng đối với cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Người đã đến những vùng đất khác nhau, đã gặp gỡ và kết giao với nhiều người bạn quốc tế. Những người bạn quốc tế của Người, dù họ có là chính khách nổi tiếng, là nhân vật chủ chốt trong các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế, là các nhà văn, nhà báo lớn, hay chỉ là những người dân bình thường... đều dành cho Người lòng yêu mến, sự cảm phục về tấm gương yêu nước, về tinh thần cách mạng và đạo đức sáng ngời.

 Sau một hành trình đầy gian khổ qua nhiều nước như Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Ái Quốc quay trở lại nước Pháp vào năm 1917 và ở tại ngôi nhà số 6 Villa des Gobelins (quận 13, Paris). Tại đây, Người đã tham gia thành lập Hội những người An Nam yêu nước và trở thành nòng cốt của Hội với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Thời gian này tại Paris cũng là lúc Bác Hồ soạn thảo "Bản yêu sách 8 điểm" của nhân dân An Nam gửi tới lãnh đạo các cường quốc dự Hội nghị Versailles năm 1919. Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Sau một hành trình đầy gian khổ qua nhiều nước như Pháp, Anh, Mỹ… Nguyễn Ái Quốc quay trở lại nước Pháp vào năm 1917 và ở tại ngôi nhà số 6 Villa des Gobelins (quận 13, Paris). Tại đây, Người đã tham gia thành lập Hội những người An Nam yêu nước và trở thành nòng cốt của Hội với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Thời gian này tại Paris cũng là lúc Bác Hồ soạn thảo "Bản yêu sách 8 điểm" của nhân dân An Nam gửi tới lãnh đạo các cường quốc dự Hội nghị Versailles năm 1919. Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Một trong những người bạn, người đồng chí thân thiết đã từng cộng tác, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động ở Pháp là Jacques Duclos - nhà hoạt động có tên tuổi của Ðảng Cộng sản Pháp và phong trào cộng sản quốc tế (1). Cuối năm 1919, đầu năm 1920, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên gặp gỡ và quen biết Jacques Duclos khi cùng sinh hoạt trong Ủy ban vận động gia nhập Quốc tế 3 (Quốc tế Cộng sản) của Ðảng Xã hội Pháp. Jacques Duclos không thể quên kỷ niệm lần đầu gặp Nguyễn Ái Quốc: “Con người giản dị, lịch sự, dễ mến của anh Nguyễn đã thu hút tôi ngay từ buổi đầu… Tôi hỏi anh về tình hình nước anh… Nhờ quen biết anh Nguyễn mà tôi hiểu sự thật về chủ nghĩa thực dân Pháp. Tôi thấy anh là một người rất tốt, tôi kết bạn với anh”. Từ thời điểm ban đầu đó, Jacques Duclos và Nguyễn Ái Quốc bên nhau trong khá nhiều hoạt động của Đảng Xã hội Pháp như quyên góp tiền trong các khu phố ở Paris để giúp nước Nga Xô viết vượt qua nạn đói khi bị Chính phủ Pháp và chính phủ các nước đồng minh bao vây; phân phát các truyền đơn của đảng xã hội Pháp kêu gọi lao động Pháp lên án sự can thiệp vũ trang của Chính phủ Pháp vào nước Nga, hoan nghênh Cách mạng Tháng Mười Nga. Đặc biệt, họ đều tán thành Ðảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế 3 do Lê-nin sáng lập và đều trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Pháp. Cũng qua những lời kể của Jacques Duclos, chúng ta được biết, Jacques Duclos và Nguyễn Ái Quốc còn thường bàn luận với nhau về vấn đề văn học, nghệ thuật, về các nhà văn nổi tiếng như Henri Barbusse, Romain Rolland... hay các tác phẩm của những tác giả yêu thích của Nguyễn Ái Quốc như Victor Hugo hay Balzac… (2).

Luật sư Max Clainville-Bloncourt (người Guadeloupe, một tỉnh hải ngoại của Pháp) là bạn thân của Nguyễn Ái Quốc ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa năm 1922 cũng kể lại ấn tượng về một người Việt Nam gầy gò, giọng nhỏ nhẹ, nói tiếng Pháp hoàn hảo và ngay lần đầu tiếp xúc đã cho thấy ngay đó là một người đáng mến. Những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa đã được thể hiện rõ hơn qua lời kể của Bloncourt: “Hoạt động với anh, tôi thấy anh là một người hăng hái đấu tranh cho việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, không riêng dân tộc Việt Nam của anh mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Anh có lòng tin mãnh liệt ở thắng lợi cuối cùng và anh cho rằng muốn giải phóng dân tộc phải làm cách mạng, không có con đường nào khác. Tôi có cảm tưởng: Ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí và quán triệt suốt cuộc đời của anh...Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung. Anh đã trở thành bạn thân và tin cậy của tôi”. Và cũng qua nhận xét của Bloncourt, chúng ta cắt nghĩa được vì sao lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của chúng ta có khả năng chinh phục lòng người: “Quen biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc còn thanh niên, tôi luôn luôn giữ trong lòng một cảm tưởng sâu sắc, một hình ảnh không bao giờ phai nhạt: Đó là một đồng chí rất tốt, rất trung hậu, rất dũng cảm với một lý tưởng đấu tranh vô cùng cao quý và đẹp đẽ”(3).

Trong số bạn bè quốc tế của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này, nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiếm một tỉ lệ khá cao. Qua giới thiệu của Paul Vaillant Couturier (một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Nghị sĩ Quốc hội Pháp), Nguyễn Ái Quốc được làm quen với Henri Barbusse - nhà văn nổi tiếng thế giới, tác giả của cuốn tiểu thuyết Lửa (Le feu) mà nhiều người, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, say sưa tìm đọc. Henri Barbusse nhanh chóng có cảm tình với người thanh niên châu Á với đôi mắt sáng, vầng trán cao, thái độ lịch thiệp và sự hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Nhà văn nhiều lần trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc, nghe anh kể về đời sống, nỗi thống khổ của nhân dân các nước thuộc địa, về tội ác của bọn thực dân, điều mà Barbusse và nhân dân Pháp trước đó, do chính sách lừa bịp của chính phủ Pháp, chưa hề biết đến. Thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu viết những bài báo vạch trần những bản chất xấu xa, ghê tởm của chủ nghĩa thực dân và chính Barbusse đã không ngừng động viên Người dũng cảm bước tiếp trên con đường của nhà báo cách mạng. Sau này khi Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa quyết định ra tờ báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đã mời Barbusse đứng ra đỡ đầu cho tờ báo.

Không chỉ trong thời kỳ ở Pháp mà tình bạn nồng hậu giữa hai người còn tiếp tục nối dài về sau. Khi Nguyễn Ái Quốc bị giam giữ trong nhà ngục Victoria của đế quốc Anh tại Hương Cảng (1931-1933), Henri Barbusse cùng nhiều trí thức nổi tiếng của Pháp trong những năm tháng ấy đã từng lên tiếng bảo vệ Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản, những người yêu nước Việt Nam bị xiềng xích trong các nhà tù. Barbusse mất ở Mát-xcơ-va đêm 30-8-1935. Lòng vô cùng đau xót, Nguyễn Ái Quốc tới viếng thi hài người bạn Pháp thân thiết, quàn tại Viện Âm nhạc Matxcơva và còn dự lễ tiễn đưa thi hài của Barbusse về Paris (4).

 Nguyễn Ái Quốc với nhân dân Moskva (Nga) trên đồi Chim Sẻ, trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (17-6 đến 8-7-1924). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Nguyễn Ái Quốc với nhân dân Moskva (Nga) trên đồi Chim Sẻ, trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (17-6 đến 8-7-1924). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

“Một chiến sĩ cách mạng quốc tế chân chính”, đó là lời đánh giá của bà Jeannette Vermeersch Thorez, vợ của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, cựu nghị sĩ Quốc hội Pháp và cựu Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ dân chủ quốc tế về Nguyễn Ái Quốc. Với vợ chồng bà, Nguyễn Ái Quốc chính là một người cha, một người anh, một người bạn thân thiết, một người cùng tư tưởng, cùng học thuyết, cùng một mặt trận đấu tranh, mặt trận chống đế quốc, vì hòa bình và chủ nghĩa xã hộ. Hoặc giản đơn hơn mà như một biểu tượng, như bà nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với bà cũng như đối với hàng triệu người Việt Nam là “Bác Hồ”. Lần đầu tiên Jeannette Vermeersch Thorez được gặp Nguyễn Ái Quốc chính là tháng 11-1929 tại Mát-xcơ-va. Lúc bấy giờ Jeannette chỉ là một nữ thanh niên công nhân tầm thường, chưa có kinh nghiệm công tác cách mạng và chưa hiểu biết chính trị gì nhiều. Còn Nguyễn Ái Quốc lúc đó đã là một nhà hoạt động cách mạng quốc tế nhiều kinh nghiệm, nhiều uy tín. Nhưng khi gặp mặt, Nguyễn Ái Quốc đã rất thân mật và niềm nở hỏi han Jeannette: “Ồ! Cô ở Pháp sang đấy à? Cô là thợ dệt Pháp à? Cô sang đây làm gì? Tình hình Pháp ra sao? Cô là đại biểu cho tổ chức nào ở Pháp?”. Điều làm Jeannette chú ý nhất là sự khiêm tốn, sự giản dị và sự dịu dàng của Người... một người Việt Nam có vầng trán cao, cặp mắt sáng đầy thông minh hóm hỉnh với một nụ cười hiền dịu. Bà hồi tưởng: “Người cho chúng ta cảm tưởng là Người sống hoàn toàn vì sự nghiệp độc lập của các dân tộc, vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà đại ái quốc, một chiến sĩ cách mạng quốc tế chân chính; một người có tính nhân đạo lớn lao và là một ngọn cờ” (5).

Cùng chung dòng cảm xúc ấy, Max Reimann (Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đức) kể lại: “Ở đồng chí Hồ Chí Minh dường như lúc nào cũng tỏa ra một tình cảm ấm áp, một sự cảm thông đầy tinh thần cộng sản. Và chỉ bằng ấy thôi cũng đủ sức thu hút và hấp dẫn những người xung quanh”. Max Reimann chính thức tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc vào mùa hè năm 1935 - thời gian diễn ra Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản. Từ thâm tâm mình, ông luôn luôn coi Người là một người anh lớn, một tấm gương sáng ngời của người mác-xít – lê-nin-nít mẫu mực. Người đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng và có uy tín rất lớn trong phong trào cộng sản quốc tế, đấu tranh với tinh thần bền bỉ và kiên quyết cho sự thống nhất của những người cách mạng chân chính toàn thế giới.

Vẫn là lời của Max Reimann: “Bất cứ ai trong chúng tôi cũng muốn được gần Người để nghe Người tâm sự, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của một cuộc đời từng trải vô cùng phong phú” (6). Chúng ta tự hào về một cuộc đời vĩ đại mà 79 mùa xuân xuất hiện trên hành tinh này đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam ta và bầu bạn quốc tế.

VŨ THỊ KIM YẾN, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

(1) Jacques Duclos là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1931, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp từ năm 1946 đến năm 1952 và là thượng nghị sĩ Pháp từ năm 1959.

(2) Lữ Huy Nguyên: Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1995, tr.363-364

(3) Hồng Hà: Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.48-56

(4) Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 3, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.35-40

(5) Hồng Hà: Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 66-75

(6) Báo ảnh Việt Nam, tháng 5 năm 1981

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/hanh-trinh-lich-su/nhung-nguoi-ban-quoc-te-tren-hanh-trinh-tim-duong-cuu-nuoc-cua-nguyen-ai-quoc-661460