Những người bảo vệ cuối cùng của vườn chanh trên bờ biển Amalfi
Khi ghé thăm thị trấn bên bờ biển Amalfi của Ý, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những người nông dân 'bay' giữa những vườn chanh cheo leo trên sườn dốc thẳng đứng. Thế nhưng giờ đây, những cây chanh từng là biểu tượng du lịch đang bị đe dọa bởi quá trình công nghiệp hóa.Những trái chanh khổng lồ
Phía trên những ngọn đồi xanh mướt của bờ biển Amalfi ở miền Nam nước Ý, Gigino Aceto, 87 tuổi, đang thu hoạch những trái chanh trong khu vườn bậc thang nhìn ra biển Địa Trung Hải. Hương chanh thơm ngát bao quanh ông. Tiếng sóng từ bờ biển phía dưới lấn át tiếng ồn ào của xe cộ.
Gia đình ông Gigino Aceto đã bắt đầu trồng chanh tại đây từ những năm 1800. Từ bình minh đến hoàng hôn, cuộc sống của ông Aceto chỉ xoay quanh những trái chanh. Ông ngủ trong vườn chanh của mình và ăn thức ăn được chế biến với chanh. "Thứ chảy trong tĩnh mạch của tôi không phải máu, mà là nước chanh", người nông dân 87 tuổi hài hước nói.
Giống chanh Sfusato lớn được trồng trải dài theo bờ biển Amalfi. Một quả chanh có thể nặng tới 3 kg. Với màu vàng nhạt, hương thơm nồng nàn và kết cấu mọng nước, những trái chanh đã trở thành nguyên liệu chính trong ẩm thực truyền thống của địa phương. Nó được sử dụng khi chế biến các món mì ống, nước sốt cho salad và cá nướng, món tráng miệng, chưa kể đến rượu Limoncello nổi tiếng của Ý.
Và vì đặc tính giàu vitamin, những cư dân của bờ biển đã tìm thấy vô số công dụng khác của chanh, từ việc làm sạch quần áo đến chữa bệnh. Aceto giải thích: “Điều đầu tiên chúng tôi làm khi thức dậy với cơn đau đầu là cho một ít vỏ chanh vào ly cà phê sáng. Khi bị đứt tay, chúng tôi lấy chanh để sát trùng. Nếu chúng tôi cảm thấy không khỏe, không có gì mà mì spaghetti chanh không thể chữa được".
Ngoài ra, trong nhiều thế kỷ, những trái chanh còn là trái tim của hệ sinh thái đa dạng tại Amalfi. Những cây chanh được trồng theo trật tự trên những vách đá hoang dã nhìn ra biển giúp hạn chế sạt lở đất do mưa và cháy rừng.
Theo Giorgia De Pasquale, nhà nghiên cứu tại Đại học Roma Tre, những người nông dân cung cấp một hệ thống bảo vệ bờ biển khỏi sạt lở và các thảm họa môi trường khác. Nếu không có hoạt động nông nghiệp này, cảnh quan của Amalfi và toàn bộ đường bờ biển sẽ dần biến mất.
Những người nông dân cuối cùng
Theo số liệu địa phương, khoảng 2.000 tấn chanh được thu hoạch mỗi năm quanh Bờ biển Amalfi. Tuy nhiên, các cuộc điều tra cho thấy các vườn chanh đã thu hẹp lại trong 60 năm qua. De Pasquale cho biết: “Diện tích vườn bậc thang trồng chanh tại Amalfi đã giảm từ 72 ha xuống còn 48 ha trong giai đoạn từ năm 1954-2015”.
Giờ đây, Aceto là một trong số những người cuối cùng bảo vệ những vườn chanh truyền thống. Loài cây đặc trưng của địa phương hiện đang bị đe dọa bởi quá trình công nghiệp hóa, những thay đổi trong xã hội và biến đổi khí hậu.
Các khu vườn tại Amalfi được ngăn cách bởi những bức tường cao từ 3-7m làm bằng macere - một loại đá vôi địa phương chịu được áp lực của đất và không thấm nước mưa. Các cây chanh được trồng thành từng lớp theo mô hình ruộng bậc thang. Những cây gỗ dẻ gai được sử dụng để tạo giàn giáo giúp những người nông dân di chuyển dễ dàng hơn trên những con dốc. Các tấm nhựa bảo vệ cây khỏi những cơn gió ngoài khơi và tạo ra một vùng vi khí hậu lý tưởng.
Salvatore, con trai của Aceto, cho biết: “Mọi thứ hoạt động hoàn hảo chỉ khi mọi người cùng hiệp lực. Duy trì đất đai phải là một công việc tập thể, do các ruộng bậc thang được liên kết với nhau. Nhưng ngày nay nhiều khu vườn đã bị bỏ hoang hoặc biến thành nhà nghỉ và các công trình xây dựng bất hợp pháp".
Lợi nhuận thấp trong khi chi phí cao đã khiến ngày càng nhiều người Amalfi từ bỏ ngành công nghiệp truyền thống. Cùng với đó, du lịch địa phương phát triển đã mang lại cho họ một nguồn thu nhập khác, có lẽ là dễ dàng hơn.
“Trồng trọt ở đây khó hơn ở đồng bằng. Nhiều người đã sử dụng các phương pháp rẻ hơn, như xi măng hoặc vôi, điều này làm hỏng cảnh quan, ngăn cản việc thoát nước và gây ra lở đất”, Salvatore nói. Người nông dân 57 tuổi lo lắng rằng khi thế hệ của ông ngừng canh tác đất đai, kiến thức tích lũy qua nhiều thế kỷ của cộng đồng địa phương có thể biến mất hoàn toàn.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề đó, Salvatore và em trai Marco, 56 tuổi, đã tạo ra Lemon Tours, một liên doanh du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về giống chanh Sfusato và làm sống lại các truyền thống canh tác truyền thống. Những người nông dân đã dành hàng giờ giữa các ruộng bậc thang được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để giới thiệu cho các du khách về khu vườn và dạy cho họ kỹ năng nấu các món ăn.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu De Pasquale cũng đang nỗ lực để các vườn chanh tại Amalfi được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công nhận là Hệ thống Di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu (GIAHS).